Non nước Việt Nam

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, con người xứ Huế

Cập nhật: 04/04/2022 10:18:51
Số lần đọc: 788
Là vùng đất cố đô, Huế mang trong mình bao trầm tích văn hóa. Ngoài những di sản vật thể và phi vật thể đã được nhân loại vinh danh, nét văn hóa, đạo đức, lối sống và cốt cách của người Huế cũng là “đặc sản” làm nên bản sắc riêng của vùng đất này. Đây là cơ sở vững chắc cho sự phát triển của Thừa Thiên Huế - cố đô di sản, trên lộ trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.


Nhiều đặc trưng văn hóa truyền thống Huế được đông đảo các tầng lớp phụ nữ, thanh niên tiếp nối và giữ gìn.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển”. Để giữ gìn, phát huy giá trị tinh hoa văn hóa Huế, cốt cách của con người Huế, điều quan trọng là khơi dậy sự tự tôn, niềm tự hào, sự hiểu biết và tự tin vào các giá trị văn hóa, đạo đức cốt lõi để sẵn sàng đổi mới, năng động, sáng tạo..., đặc biệt là với thế hệ trẻ.

Nhận diện văn hóa Huế

Trong lịch sử dân tộc, Huế nổi lên như một hiện tượng đặc biệt, từ một vùng biên viễn phương nam “Ô châu ác địa” trở thành một trọng trấn rồi thủ phủ vùng miền, là kinh đô của cả nước thời Nguyễn, kế thừa rực rỡ nhiều thành tựu của đất nước. Tất cả chồng lớp, hòa quyện để làm nên “chất Huế” riêng có. Huế là thành phố di sản còn lưu giữ khá đậm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa tinh thần.

Nhận diện bản sắc văn hóa Huế, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Văn hóa Huế tồn tại trong không gian vùng Huế qua hơn 700 năm hình thành và phát triển của Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế, được gìn giữ bao đời nay. Di sản văn hóa Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là năm di sản thế giới: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc, Mộc bản, Châu bản, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Và Huế cũng đóng góp vào hai di sản văn hóa thế giới khác của đất nước là Tín ngưỡng thờ Mẫu và Nghệ thuật bài chòi. Đó còn là di sản văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, áo dài, ca Huế, kiến trúc nhà vườn Huế, lễ hội dân gian, truyền thống đất học...

Người Huế vốn coi trọng văn hóa, lễ giáo, hiếu học, tôn sư trọng đạo trong mỗi gia đình; sống khoan dung, hòa thuận; mẫu mực, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên. Chính các giá trị đặc sắc nêu trên là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Thừa Thiên Huế ngày nay. Tất cả đã tạo nên cốt cách con người Huế, văn hóa Huế đặc trưng, phát triển trong sự hài hòa với thiên nhiên.

Theo nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương), chúng ta có thành tích và kinh nghiệm về bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhưng phần di sản tinh thần được nuôi dưỡng và bảo lưu trong mỗi con người Huế - phần di sản quan trọng, vẫn chưa được đánh giá, bảo vệ và phát huy đầy đủ. Đó là lòng yêu nước; tinh thần hiếu hòa, nhân hậu, trọng lễ nghĩa; coi trọng tri thức, các giá trị tinh thần, luật pháp; ý thức về bản sắc ngôn ngữ, giọng nói, nếp sống, truyền thống văn hóa... Những giá trị này cũng không nằm ngoài những phẩm chất của dân tộc, có điều ở Huế nó được hội tụ theo một cách riêng, tạo nên vẻ khác biệt trong con người Huế.

Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường...”. Để thực hiện thành công Nghị quyết số 54, mới đây, đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển” do UBND tỉnh phê duyệt, nêu rõ nhiệm vụ: Chú trọng nghiên cứu về những giá trị văn hóa của con người Huế xưa và nay, những điều kiện hình thành tính cách, phong cách con người Huế, những tác động của điều kiện tự nhiên xã hội, những ưu điểm và nhược điểm; con người Huế trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế… Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Huế trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tiếp theo là yêu cầu mang tính cấp thiết.

 Áo dài ngũ thân nam và nữ truyền thống Huế được nhiều nhóm thanh niên yêu thích cổ phục quan tâm.

Giữ gìn cốt cách Huế

Các nhà nghiên cứu văn hóa Huế đã đúc kết: Văn hóa, đạo đức, lối sống và cốt cách của người Huế là “đặc sản” làm nên bản sắc riêng có của vùng đất cố đô. Nhịp sống chậm rãi, từ tốn của Huế giúp con người trầm tư, chiêm nghiệm, không vội vàng chạy theo cái mới, giúp họ giữ những nét đẹp xưa. Người Huế sống nặng lòng với tổ tiên, quyến luyến với văn hóa truyền thống.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: “So với các địa phương khác, người Huế biết bảo tồn di sản văn hóa tinh thần của cha ông. Tính cách ấy khiến họ xứng đáng là những “thủ từ”. Vì vậy, Huế chắc chắn sẽ là nơi giữ gìn văn hóa truyền thống tốt nhất và định hướng xây dựng Huế trở thành đô thị di sản là phù hợp”.

Cùng quan điểm nhìn nhận này, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho rằng, hồn cốt và sự bền vững của đô thị di sản đặc thù chính là con người. Xây dựng giá trị văn hóa cho con người chính là hướng đến xây dựng một đô thị di sản đặc thù. Vì vậy, gìn giữ, phát huy, lan tỏa được những giá trị đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán tốt đẹp sẽ đưa những nét đẹp đó trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Huế.

Tại một diễn đàn bàn về bản sắc văn hóa Huế, nhiều ý kiến cho rằng, tính cách Huế không chỉ có ưu điểm mà còn nhiều hạn chế, đó là tính trì trệ, bảo thủ, khép kín, chậm đột phá... Trọng giá trị truyền thống nên người Huế ngại tiếp cận với cái mới, đòi hỏi phải có thời gian gạn lọc, thử thách mới tiếp nhận. Chính điều đó nhiều khi làm cho Huế chưa bắt kịp với sự chuyển động của xã hội.

Bởi vậy, trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa con người Huế, cần nhận thức những lợi thế để phát huy, nhưng cũng phải nhìn thấy nhược điểm để khắc phục, loại bỏ những điều không phù hợp. Một mặt, giữ gìn bản sắc của người Huế, nhưng mặt khác, tạo hướng đi tích cực, hạn chế sự bảo thủ, dè dặt; chọn lọc những gì tinh túy, phù hợp, gìn giữ, bồi đắp, hòa quyện vào cuộc sống hiện đại một cách hài hòa.

Thế hệ trẻ chính là người sẽ giữ gìn bản sắc, cốt cách, phẩm hạnh của người Huế, vì thế, quan trọng nhất là giáo dục về truyền thống văn hóa để hình thành nhân cách cho lớp trẻ. Chương trình giáo dục kỹ năng gia chánh và phát triển văn hóa ẩm thực Huế vừa được Trường THPT Hai Bà Trưng (thành phố Huế) đưa vào giảng dạy là một trong những việc làm thiết thực để góp phần hình thành cho học sinh các kỹ năng may vá, thêu thùa, nấu nướng cũng như những hiểu biết về nét đẹp truyền thống Huế. Tín hiệu vui là ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm về với văn hóa di sản của cha ông. Nhiều nhóm bạn trẻ ở Huế thường xuyên tổ chức những chương trình trải nghiệm tìm hiểu, khám phá di sản và các giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh, sinh viên ở các làng nghề, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh...

Để thực hiện đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển”, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quy hoạch, trùng tu các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng tiêu biểu. Di chuyển các nhà máy, xí nghiệp, công sở ra khỏi khu vực Kinh thành Huế; giải tỏa, di dời dân cư sinh sống trên khu vực 1 Kinh thành Huế; đồng thời, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế gắn với xây dựng môi trường văn hóa, thân thiện mến khách.

Thành phố Huế cũng đã có động thái tích cực khi ban hành nghị quyết về việc tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị đạo đức, lối sống và phong tục, tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, các giá trị đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán Huế đặc sắc được hệ thống hóa; lựa chọn các giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xu thế phát triển của xã hội, cập nhật thêm các giá trị văn hóa mới, hiện đại để xây dựng các nội dung, tiêu chí; xây dựng thành tài liệu tuyên truyền, giáo dục theo phương châm cô đọng, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hành trong trường học và cộng đồng. Đồng thời, rà soát, cụ thể hóa hệ thống các giá trị đạo đức, lối sống Huế thành các quy định phù hợp, đưa vào hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, nội quy của cơ quan, tổ chức… từng bước đưa các giá trị này vào cuộc sống.

Bài và ảnh: Nguyễn Công Hậu

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 04/4/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT