Hoạt động của ngành

Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 07/05/2020 15:08:30
Số lần đọc: 859
Lạng Sơn đang tập trung nhiều nguồn lực nhằm phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái bởi sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Một góc làng du lịch cộng đồng tại xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. 
 
Với nhiều danh lam, thắng cảnh, địa danh nổi tiếng, Lạng Sơn được đánh giá có tiềm năng ở khía cạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa tín ngưỡng, du lịch cửa khẩu biên giới. Hai mô hình du lịch cộng đồng là làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) và làng du lịch cộng đồng Hữu Liên (Hữu Lũng) đang mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy được thế mạnh văn hoá của các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống của người dân. 
 
Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) có 8 hộ gia đình xây dựng homestay đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách; việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển nhà sàn và sưu tầm, phục dựng các công cụ sản xuất, sinh hoạt, nghề truyền thống đáp ứng được nhu cầu khách du lịch đến thăm, tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày. Hàng năm, làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn đón khoảng 10.000 lượt khách tham quan du lịch. Từ khi có loại hình du lịch này, một bộ phận người dân nơi đây đã chuyển đổi ngành nghề, giảm bớt công việc đồng áng, phát triển dịch vụ, du lịch. Trong khi đó, làng du lịch cộng đồng Hữu Liên (Hữu Lũng) cũng với 8 hộ gia đình thực hiện mô hình home stay đã thường xuyên đón tiếp, phục vụ nhu cầu lưu trú, ẩm thực, tạo dịch vụ cho du khách trải nghiệm các hoạt động của người dân địa phương (bắt cá, gặt lúa, chèo thuyền, làm bánh,...). Mỗi năm, làng du lịch đón tiếp, phục vụ hơn 1.100 lượt khách góp phần tạo công ăn, việc làm và nâng cao đời sống cho nhiều gia đình người dân bản địa nơi đây.
 
Từ thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng đang mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Từ những mô hình du lịch cộng đồng thành công ở Quỳnh Sơn, Hữu Liên, hiện nay, một số xã trên địa bàn tỉnh đang hướng tới phát triển mô hình du lịch cộng đồng như: Mẫu Sơn (Lộc Bình), Vũ Lăng (Bắc Sơn), Hải Yến (Cao Lộc), Mông Ân (Bình Gia),... Với mục tiêu nhân rộng loại hình du lịch cộng đồng, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tiếp tục tổ chức nhiều cuộc khảo sát tiềm năng du lịch cộng đồng tại các huyện Hữu Lũng, Bình Gia, Bắc Sơn; tổ chức 5 lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho 120 hộ gia đình; 2 lớp huấn luyện du lịch dân gian làng nghề du lịch truyền thống với hàng trăm học viên tham gia,... 
 
Thời gian tới, Lạng Sơn xác định đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực, kể cả các nguồn lực từ bên ngoài như vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để phát triển du lịch. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. 
 
Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường quản lý, phát triển hệ thống thông tin, truyền thông; quản lý, tổ chức tốt các chương trình, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ các ngày lễ lớn, các lễ hội truyền thống; chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng thể thao thành tích cao; xã hội hóa và đa dạng hoá nguồn lực đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao. Triển khai thực hiện, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. /.
 
 
Bài, ảnh: Đức Luận
Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục