Hoạt động của ngành

Du lịch Yên Bái vẫn khởi sắc

Cập nhật: 04/01/2021 15:20:53
Số lần đọc: 701
Năm 2020, có thể nói, loại hình du lịch cộng đồng nở rộ, nhiều homestay đã được nhắc đến trong hành trình du lịch của mỗi đoàn khách, ngoài những điểm đến truyền thống trong lịch trình đến Yên Bái. Bản thân những mô hình du lịch mang tính cộng đồng này cũng đang tự làm mới mình, để đáp ứng nhu cầu của du khách.


Du khách tham quan các gian hàng trưng bày tại Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông, huyện Văn Yên năm 2020.

Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Yên Bái đã phải chịu những tác động không nhỏ, song do làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá cùng các giải pháp kích cầu thị trường du lịch nội địa và tập trung khai thác tốt tiềm năng sẵn có, tạo dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch mang “thương hiệu” riêng nên lượng du khách đến Yên Bái đã tăng so với cùng kỳ và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao theo Quyết định số 1438 ngày 10/7/2020 về điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm.

Quý I/2020, là thời điểm du lịch tâm linh, tuy nhiên tỉnh đã phải dừng tổ chức tất cả các lễ hội, sự kiện. Lượng khách giảm kỷ lục, đạt hơn 55.200 lượt giảm 58,9% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 33,7 tỷ đồng, giảm 57,2% so với cùng kỳ. Dịch bệnh không chỉ khiến các nhà hàng, khách sạn, vận tải gặp khó khăn vì lượng khách sụt giảm mạnh mà các công ty lữ hành cũng chịu thiệt hại khi hợp đồng đã ký đều bị hủy… 

Nhưng đó là những con số, những khó khăn của những tháng đầu năm, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát bằng các giải pháp phát triển du lịch an toàn và đặc biệt là thực hiện Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, một Yên Bái bình yên, an toàn giữa đại dịch đã là sự lựa chọn, điểm đến của đông đảo du khách.

 Để rồi tổng kết năm 2020, tiếp tục là năm thành công với du lịch Yên Bái khi đã đón và phục vụ 760.000 lượt du khách, tăng 4,5% so với cùng kỳ, vượt 31,8% so với kế hoạch tỉnh giao sau khi đã điều chỉnh kịch bản tăng trưởng. Doanh thu từ du lịch đạt 475 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ, vượt 36,1% so với kế hoạch tỉnh giao sau khi đã điều chỉnh kịch bản tăng trưởng. 

Đó là thành quả của công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tích cực tạo hình ảnh, thương hiệu về du lịch Yên Bái đối với du khách thông qua các sự kiện lễ hội, hội chợ trong nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, mạng xã hội… Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch tỉnh xây dựng, triển khai kích cầu du lịch, giới thiệu các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý, ưu đãi để thu hút du khách. 

Ngoài ra, tỉnh đã tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt với dòng sản phẩm du lịch chính như: du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Thái, Mông; du lịch mạo hiểm, dù lượn, săn mây; du lịch tâm linh dọc sông Hồng với hệ thống đền, chùa kết nối với các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai... 

Bên cạnh các sản phẩm du lịch chính, việc phát triển các dòng sản phẩm bổ trợ góp phần đa dạng hóa và phong phú hơn các chương trình du lịch để tăng cường thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách dần được hình thành, như: du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch sự kiện… cũng được triển khai trong năm.

Cùng với đó, năm qua, bằng những nỗ lực của tỉnh, ngành chuyên môn và các địa phương, du lịch Yên Bái đã để lại ấn tượng sâu sắc với du khách qua các hoạt động văn hóa, lễ hội như: Festival Dù lượn “Bay trên mùa nước đổ”; Lễ hội Văn hóa - Du lịch và khám phá Di tích đặc biệt quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đền Đông Cuông, Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông; Hội chợ Thương mại - Du lịch huyện Yên Bình; Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” huyện Lục Yên; Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò. 

Năm 2020, có thể nói, loại hình du lịch cộng đồng nở rộ, nhiều homestay đã được nhắc đến trong hành trình du lịch của mỗi đoàn khách, ngoài những điểm đến truyền thống trong lịch trình đến Yên Bái. Bản thân những mô hình du lịch mang tính cộng đồng này cũng đang tự làm mới mình, để đáp ứng nhu cầu của du khách. 

Đặc biệt, giờ đây người dân đã năng động dịch chuyển khi thấy được thế mạnh của kinh tế du lịch, không ít nông dân trở thành “đại sứ” du lịch, tự mình quảng bá, giới thiệu và tạo dựng nên những mô hình, sản phẩm du lịch thực sự mang sắc màu văn hóa đặc trưng của Yên Bái, góp phần để Yên Bái  trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.  

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục