Hoạt động của ngành

Du lịch Việt Nam 65 năm chuyển mình mạnh mẽ và vươn tầm hội nhập sâu rộng

Cập nhật: 09/07/2025 11:22:31
Số lần đọc: 35
(TITC) - Từ một ngành kinh tế non trẻ, trải qua 65 năm hình thành, xây dựng và phát triển, ngành Du lịch Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và vươn tầm hội nhập ngày càng sâu rộng. Du lịch đã trở thành một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, có tốc độ tăng trưởng khá. Ở mỗi giai đoạn, ngành Du lịch đều có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giai đoạn 1960 - 1975: Xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho ngành Du lịch

Vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước, các đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam và khách du lịch quốc tế vào nước ta theo các Nghị định thư (chủ yếu là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa), Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/CP ngày 9/7/1960, thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương, mở đầu cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Công ty Du lịch Việt Nam là một tổ chức kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, có nhiệm vụ cụ thể như sau: đặt quan hệ và ký kết hợp đồng với các tổ chức du lịch nước ngoài để cho khách nước ngoài vào du lịch ở nước Việt Nam; tổ chức, quản lý những cơ sở và những phương tiện cần thiết để phục khách du lịch.

Quyết định số 537- BNT/TCCB ngày 3/10/1964 về việc tổ chức lại bộ máy của Công ty Du lịch Việt Nam. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở Nghị định 26/CP của Hội đồng Chính phủ, ngày 16/3/1963, Bộ Ngoại thương đã ban hành Quyết định số 164-BNT-TCCB quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Công ty Du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn này, vì có chiến tranh phá hoại nên Công ty Du lịch Việt Nam chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ: phục vụ khách của Đảng và Nhà nước, phục vụ thủy thủ tàu nước ngoài chở hàng đến Việt Nam, phục vụ khách nghỉ đông của Liên Xô (cũ)...

Khi phạm vi kinh doanh của ngành Du lịch được mở rộng, ngày 13/6/1964, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 61/TTg về việc mở rộng công tác du lịch và cung ứng tàu biển. Trong bối cảnh đó, Chỉ thị 61/TTg thực sự đã vạch ra một hướng phát triển mới của ngành Du lịch, tạo ra bước ngoặt trong phương thức kinh doanh, tạo điều kiện cho ngành Du lịch có thể tiếp cận phục vụ nhiều đối tượng khách quốc tế.

Đến ngày 18/8/1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 145/CP về việc chuyển giao Công ty Du lịch Việt Nam từ Bộ Ngoại thương sang Phủ Thủ tướng quản lý, đánh dấu một bước chuyển mới trong tổ chức hoạt động của Du lịch Việt Nam. Nghị định nêu rõ chuyển giao Công ty Du lịch Việt Nam và các tổ chức, các cơ sở thuộc công ty này do Bộ Ngoại thương quản lý sang trực thuộc Phủ Thủ tướng. Đồng thời, chuyển các khách sạn Thống Nhất, Hòa Bình do Cục Phục vụ - Ăn uống Bộ Nội thương quản lý sang Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Phủ Thủ tướng quản lý.

Trong suốt giai đoạn 1960 - 1975, ngành Du lịch Việt Nam hoạt động trong điều kiện rất khó khăn bởi đất nước còn chiến tranh, bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. Xuất phát từ tình hình của đất nước, mặt khác để đảm bảo an toàn cho khách quốc tế và an ninh của đất nước, ngày 12/9/1969 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 94/TTg-NC giao cho Văn phòng kinh tế Phủ Thủ tướng cùng Bộ Công an nghiên cứu phương hướng củng cố và phát triển du lịch. Trên thực tế, ngành Du lịch đã khẳng định được vị trí của mình vừa kinh doanh để phục vụ khách, vừa bảo vệ an ninh tổ quốc để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Ông Hồ Văn Phong, Cục trưởng cục KD6 Bộ Công an, được cử làm giám đốc.

 

Để tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển thuận lợi, ngày 17/11/1971, Chính phủ đã ra quyết định tách Công ty du lịch và cung ứng tàu biển thành 2 công ty: Công ty Du lịch và Công ty cung ứng tàu biển, dưới sự quản lý của Công ty Du lịch Việt Nam; đồng thời tăng cường cơ sở vật chất cho ngành Du lịch, mà cụ thể là chuyển giao một số cơ sở khách sạn từ ngành Giao tế, chuyên gia, nội thương sang cho ngành Du lịch quản lý. Hoạt động du lịch đã mở rộng thêm ra các thị trường du lịch ngoài khối XHCN như Nhật Bản, Pháp, Australia, Italia… Hãng du lịch thuộc khối TBCN có quan hệ đầu tiên với Du lịch Việt Nam là FUJI (của Đảng CS Nhật Bản).

Giai đoạn này, ngành Du lịch đã nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi thách thức, từng bước mở rộng nhiều cơ sở du lịch như: Hà Nội, Đồ Sơn, Hòn Gai (nay là Hạ Long - Quảng Ninh), Tam Đảo, Sầm Sơn, Cửa Lò… Ngành Du lịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ an toàn, có chất lượng một lượng lớn khách của Đảng và Nhà nước, các đoàn chuyên gia các nước XHCN vào giúp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, các thủy thủ của các tàu nước ngoài chở hàng hóa cho Việt Nam.

Giai đoạn 1975 - 1990: Củng cố tổ chức và chuẩn bị ra đời Tổng cục Du lịch

Trong những năm đầu thống nhất đất nước, các khách sạn lớn ở các thành phố, thị xã ở các tỉnh được giao cho các tỉnh quản lý và UBND các tỉnh thành lập các công ty du lịch, vì thế các công ty du lịch trực thuộc các tỉnh, ngành Du lịch chỉ quản lý một số cơ sở do chế độ cũ để lại như ở Đà Nẵng, Nghĩa Bình…, hoạt động du lịch tại các địa phương hình thành gần như có tính tự phát. Năm 1977, phần nhiệm vụ cung ứng tàu biển được tách khỏi các công ty du lịch và thành lập các công ty cung ứng tàu biển trực thuộc các địa phương.

Lễ đón khách quốc tế thứ 2 triệu đến Việt Nam (12/2000)

Như vậy, trong giai đoạn này một loạt các công ty du lịch ra đời, tập trung ở các khu vực kinh tế nhà nước dưới hai hệ thống quản lý: trực thuộc trung ương (cụ thể là Công ty Du lịch Việt Nam) và trực thuộc UBND địa phương. Phạm vi hoạt động kinh doanh du lịch đã có điều kiện mở rộng trên phạm vi cả nước, song thiếu một tổ chức thống nhất quản lý toàn diện. Hơn nữa do yêu cầu của hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung cũng như hoạt động du lịch trong phe XHCN nói riêng lúc này đòi hỏi Việt Nam phải có một tổ chức ngang tầm làm đầu mối để quan hệ và trao đổi kinh nghiệm, thị trường… trong lĩnh vực du lịch.

Trước các yêu cầu đòi hỏi phải có đầu mối quản lý nhà nước, năm 1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Quyết nghị số 262/NQ/QHK6 ngày 27/6/1978 về việc thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở nước ta ở cấp tổng cục. Nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch Việt Nam được quy định tại Nghị định số 32/CP ngày 23/1/1979 của Hội đồng Chính phủ.

Năm 2005, ngành Du lịch Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Tuy có Nghị định số 32/CP của Chính phủ, nhưng do xảy ra chiến tranh biên giới Việt - Trung và thiếu người đứng đầu triển khai nên việc hình thành bộ máy hoạt động Tổng cục Du lịch chưa được thực hiện. Tổng cục Du lịch bắt đầu triển khai bộ máy hoạt động từ năm 1981 theo Nghị định 32/CP và theo Quyết định số 157/CP ngày 15/4/1982 về công tác du lịch của Chính phủ.

Năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 01/HĐBT ngày 3/1/1983 giao cho Tổng cục Du lịch Việt Nam kiêm nhiệm vụ trực tiếp hoạt động kinh doanh du lịch; đồng thời giải thể Công ty Du lịch Việt Nam.

Năm 1987, để tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về du lịch trên phạm vi cả nước, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 120-HĐBT ngày 15/8/1987 quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch Việt Nam. Theo nghị định này, Tổng cục Du lịch Việt Nam là cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng có chức năng quản lý nhà nước về công tác du lịch và chỉ đạo hệ thống kinh doanh du lịch trong cả nước. 

Đoàn diễu hành Du lịch Việt Nam nhân dịp Quốc khánh năm 2005. Ảnh tư liệu

Trong giai đoạn này, ngành Du lịch đã phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức mới. Ngoài chức năng phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước, các cơ sở du lịch ở hầu hết các tỉnh, thành phố tiếp cận nhanh với việc tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch. Du lịch đã góp phần tích cực tuyên truyền, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới và tổ chức cho nhân dân đi du lịch giao lưu hai miền Nam - Bắc; thiết thực góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Thông qua du lịch, thế giới hiểu rõ thêm quan điểm, nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sau chiến tranh muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới; phấn đấu vì “hòa bình, độc lập và phát triển”, góp phần phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Về mặt kinh tế - xã hội, ngành Du lịch đã phát triển thêm một bước. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng và được sự tài trợ của UNDP, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng Dự án VIE 89/003 về Chỉ đạo phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1990 - 2000.

Giai đoạn 1990 - 2005: Phát triển du lịch trong nền kinh tế nhiều thành phần

Cuối những năm 80, đất nước lâm vào những khó khăn hết sức trầm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở các cơ sở đều chịu sự tác động mạnh mẽ của lệnh bao vây, cấm vận của Mỹ. Trước bối cảnh đó, chủ trương rút gọn đầu mối quản lý, Chính phủ buộc phải sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các bộ theo hướng tinh giảm bộ máy. Ngày 31/3/1990, Tổng cục Du lịch sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch.

Diễn đàn Du lịch ASEAN - ATF 2009

Thời kỳ du lịch sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, kinh doanh du lịch vô hình chung bị thu hẹp lại trong một bộ quá rộng với những nguồn chi ngân sách là chủ yếu, quản lý nhà nước về du lịch chỉ giải quyết được một số việc liên quan đến công tác tổ chức, quan hệ quốc tế, hợp tác đầu tư… còn việc chỉ đạo về nghiệp vụ đối với các doanh nghiệp trực thuộc Tổng cục quản lý thay thế bằng Tổng Công ty Du lịch Việt Nam, nhưng thực tế hoạt động theo “liên hiệp lỏng” các thành viên gần như hoạt động độc lập với tổng công ty… Vì thế, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 9, du lịch lại tách khỏi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, chuyển sang Bộ Thương Mại và Du lịch.

Kể từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách “đổi mới”, “mở cửa” ra thế giới bên ngoài, Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nền kinh tế nước ta phát triển ổn định và đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Năm 1992, ghi nhận tầm quan trọng của du lịch trong thời kỳ đổi mới và tiềm năng phát triển du lịch to lớn của đất nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/CP ngày 26/10/1992 về việc thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam thuộc Chính phủ. Tiếp theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 20-CP ngày 27/12/1992 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch.

Ngày 19/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2003NĐ-CP về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch. Theo nghị định này, Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về du lịch trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong du lịch và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc. Cơ quan tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý nhà nước về du lịch từ năm 1993 (đến trước khi tái sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được quan tâm thành lập, củng cố và phát triển. Trước hết là việc thành lập các Sở Du lịch ở các tỉnh, thành phố là trung tâm du lịch; các tỉnh khác thành lập phòng du lịch nằm trong Sở Thương mại - Du lịch. Một số địa phương ở cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đã thành lập phòng quản lý du lịch.

Lễ đón khách quốc tế thứ 5 triệu đến Việt Nam tại sân bay Nội Bài (12/2010)

Đến trước thời điểm tái sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bộ máy quản lý nhà nuớc về du lịch ở địa phương có 15 Sở Du lịch, 2 Sở Du lịch - Thương mại, 46 Sở Thương mại - Du lịch và 1 Sở Ngoại vụ - Du lịch, hình thành một hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương.

Giai đoạn 2005 - 2025: đẩy mạnh đổi mới và hội nhập

Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 8/8/2007 sáp nhập Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiếp theo, Chính phủ ban hành Nghị định số 185/NĐ-CP ngày 25/12/2007 quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo Quyết định số 63/2008/QĐ-TTg ngày 19/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về du lịch trong phạm vi cả nước. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công tác quản lý nhà nước về du lịch được chuyển giao từ Sở Du lịch hoặc Sở Thương mại - Du lịch sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong giai đoạn này, ngành Du lịch Việt Nam đã thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch một cách đồng bộ và toàn diện; chú trọng và tập trung đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch… Đây thực sự là “cú hích” tạo thuận lợi cho việc thu hút các nguồn vốn khác cho phát triển du lịch.

Ngày 30/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2473/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 22/1/2013 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 201/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 19/6/2017, Luật Du lịch 2017 đã chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14… Đây là những văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo khung pháp lý để quản lý các hoạt động liên quan đến du lịch, tạo động lực và môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Ngày 16/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 01/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hiệu lực từ 20/2/2023. Trong đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đổi tên thành Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Ngày 6/6/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Quyết định số 1536/QĐ-BVHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023.

Với những thành tựu đạt được trong 65 năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã vinh dự được trao tặng nhiều huân chương, bằng khen, danh hiệu cao quý dành cho tập thể và nhiều cá nhân. Đặc biệt, năm 2005 Đảng, Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Du lịch Việt Nam.

Travel+ tháng 7.2025

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 09/7/2025

Cùng chuyên mục