Hoạt động của ngành

Đa dạng hóa sản phẩm - Yếu tố then chốt tạo nên sức cuốn hút của Du lịch Việt Nam

Cập nhật: 08/07/2025 08:21:03
Số lần đọc: 19
(TITC) - Trong những năm gần đây, du lịch đang ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc đa dạng hóa hệ thống sản phẩm và dịch vụ không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, gia tăng trải nghiệm và giá trị cho du khách.

4 dòng sản phẩm chính

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên của từng vùng, địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Du lịch biển đảo được xác định là trụ cột mũi nhọn, động lực thu hút khách du lịch. Giải pháp là ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo và du lịch thể thao, giải trí biển phù hợp định hướng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Với đường bờ biển dài hơn 3.200km và hàng nghìn đảo lớn nhỏ, cùng nhiều vịnh nổi tiếng như Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang, Vĩnh Hy, Phú Quốc, Lý Sơn... cho thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch biển, đảo. Đây là dòng sản phẩm mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế và nội địa. Các địa phương ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh… đã và đang hình thành các trung tâm du lịch biển với hệ thống dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao dưới nước, du lịch tàu biển. Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng biển đang được đầu tư mạnh mẽ như: Bãi Dài, Phú Quốc, Hồ Tràm, Vân Đồn… Loại hình du lịch biển đảo không chỉ bao gồm nghỉ dưỡng, tắm biển, mà còn mở rộng sang du lịch thể thao biển, du lịch khám phá, du lịch tàu biển và du lịch kết hợp hội nghị (MICE).

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long

Du lịch văn hóa được xem là bản sắc và chiều sâu của du lịch Việt Nam, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc. Có thể nói, du lịch văn hóa là dòng sản phẩm có thế mạnh đặc biệt, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa phong phú gồm 6 di sản văn hóa thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á được UNESCO công nhận. Cùng với đó là hàng chục nghìn di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, các lễ hội truyền thống, làng nghề, nghệ thuật dân gian... tạo nên nền tảng vững chắc giúp Việt Nam có thể phát triển du lịch văn hóa theo chiều sâu.

Hiện nay, Việt Nam đang khai thác nhiều sản phẩm nổi bật như: tham quan di tích lịch sử, văn hóa (Cố đô Huế, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Hùng...); Du lịch tâm linh, lễ hội (Yên Tử, Bái Đính, Chùa Hương, Núi Bà Đen…); Du lịch trải nghiệm di sản, nghệ thuật dân gian (Hát xoan, ca trù, quan họ…); Du lịch làng nghề truyền thống (gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ…).

Du khách quốc tế ngày càng quan tâm đến trải nghiệm văn hóa bản địa và các sản phẩm có chiều sâu tri thức; các địa phương khai thác tiêu biểu như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình, Bắc Ninh, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam. Trong đó, xu hướng “trải nghiệm sống” đang được khai thác hiệu quả như homestay tại làng dân tộc, học nấu món ăn Việt, tham gia lễ hội dân gian... Từ đó tăng khả năng giữ chân khách lâu hơn, tăng chi tiêu và giá trị lan tỏa.

Văn miếu - Quốc tử giám

Du lịch sinh thái lại là hướng đi chú trọng phát triển xanh và bền vững. Sở hữu hệ sinh thái rừng, núi, sông hồ và vườn quốc gia đa dạng, Việt Nam có điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, góp phần bảo tồn tài nguyên và thúc đẩy phát triển xanh. Với 02 di sản thiên nhiên, 01 di sản hỗn hợp, 04 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận; cùng với đó là 11 khu dự trự sinh quyển thế giới, 09 khu Ramsar và hơn 30 khu vườn quốc gia, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng phục vụ du khách trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu hệ động thực vật, trải nghiệm không gian xanh. Nhiều điểm đến nổi bật đã được đưa vào khai thác hiệu quả như Vườn quốc gia Cúc Phương, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cát Bà, Tràm Chim, Nam Cát Tiên, Mũi Cà Mau… Loại hình này không chỉ phục vụ du khách yêu thiên nhiên mà còn phù hợp với xu hướng du lịch có trách nhiệm, du lịch học tập và nghiên cứu. Bên cạnh đấy, Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - nông thôn. Nhiều địa phương đã triển khai có hiệu quả như Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Cà Mau...

Du lịch đô thị tập trung khai thác thế mạnh gắn với sự phát triển nhanh chóng của các trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội lớn. Du lịch đô thị ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu khách du lịch với các sản phẩm city tour; du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm. Các đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… không chỉ là điểm trung chuyển với thế mạnh về kết nối hàng không mà còn là điểm đến với nhiều sản phẩm đặc sắc như mua sắm, ẩm thực, giải trí, du lịch MICE, phố đi bộ, du lịch đêm… Du lịch đô thị đang dần được chú trọng với việc quy hoạch phát triển không gian văn hóa, tiện ích công cộng và các tuyến phố du lịch thông minh, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân và trải nghiệm cho du khách.

Nâng tầm và chuyên biệt hóa

Trước đây, sản phẩm du lịch chủ yếu xoay quanh các tour tham quan truyền thống, nghỉ dưỡng hoặc khám phá danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam đã phát triển đa dạng hơn bao giờ hết. Du khách có thể lựa chọn kết hợp trải nghiệm lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, du lịch thể thao - mạo hiểm, hay các loại hình du lịch theo chủ đề như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm)... Đặc biệt, các sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm bản địa, mang đậm tính cá nhân hóa đang trở nên phổ biến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chiều sâu văn hóa và sự độc đáo. Trong bối cảnh sau dịch Covid-19, xu hướng này càng trở nên rõ ràng khi nhu cầu, thị hiếu và hành vi của khách du lịch đã thay đổi khá nhiều, ưu tiên các trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, sống chậm lại, chú ý đến sức khỏe, tinh thần, trải nghiệm văn hóa sâu sắc…

Thời gian qua, với vai trò quản lý nhà nước định hướng phát triển ngành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động kết nối du lịch với nhiều ngành, lĩnh vực liên quan khác để đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy giá trị gia tăng trong trải nghiệm của du khách.

Ngày 01/6/2024, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL và Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp & Môi trường) đã tổ chức Tọa đàm Phát huy giá trị tích hợp du lịch nông nghiệp với chủ đề “Hai là một, một của hai” và ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030. Theo đó, hai Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, tạo ra giá trị mới cho du lịch và nông nghiệp.

Lễ ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030

Đặc biệt, cuối năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Bộ VHTTDL phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất tại Quảng Nam. Tại đây, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh, du lịch đã đóng góp không nhỏ trong việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành “vùng quê đáng sống”, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.

Phiên Thảo luận Xây dựng chính sách thúc đẩy du lịch nông thôn tại Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất tại Quảng Nam

Ngày 09/7/2024, tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã ký kết ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị nhằm xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch đường sắt giai đoạn 2024-2030. Đây là hoạt động rất ý nghĩa thể hiện bước đi chiến lược nhằm thắt chặt sự hợp tác giữa hai ngành Du lịch và Đường sắt trong sự phát triển của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ký kết ghi nhớ hợp tác mở ra bước đi chiến lược thắt chặt sự hợp tác giữa hai ngành, mang đến những sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm độc đáo cho du khách

Ngày 28/11/2024, tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục thể thao, Công ty TNHH 54 Việt Nam tổ chức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển du lịch Golf tại Việt Nam. Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Việt Nam đang nỗ lực phát triển các sản phẩm du lịch mới, dựa trên thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của mình. Trong đó, du lịch Golf là một trong những loại hình du lịch mới, nhiều tiềm năng phát triển và đã được đưa vào các chiến lược, quy hoạch phát triển lâu dài của du lịch Việt Nam. Trước đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã tham mưu Bộ VHTTDL bổ nhiệm huyền thoại golf Greg Norman làm Đại sứ Du lịch Việt Nam; hiện ông Greg Norman đang tiếp tục làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2025 - 2030 sau khi được bổ nhiệm lại theo Quyết định số 1746 ngày 11/6/2025 của Bộ VHTTDL.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển du lịch Golf tại Việt Nam

Ông Greg Norman trong video clip quảng bá du lịch Golf ở Việt Nam

Tháng 9/2024, lần đầu tiên Bộ VHTTDL tổ chức chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, mở ra hướng đi mới về thúc đẩy quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, thu hút các nhà làm phim đến quay các bộ phim bom tấn tại Việt Nam, thu hút khách quốc tế đến tham quan các phim trường... Một số bộ phim nổi tiếng như Kong: Skull Island, Hành trình tình yêu của một du khách, Indochine, Người Mỹ trầm lặng… đều đã lấy bối cảnh quay ở Việt Nam, mang lại hiệu ứng rất tốt thu hút khách du lịch đến khám phá các địa điểm quay phim.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và ứng dụng di động, đã làm thay đổi toàn diện cách thức cung cấp dịch vụ du lịch. Các nền tảng đặt phòng, vé máy bay, tour trọn gói, dịch vụ hướng dẫn viên, thanh toán điện tử… được tích hợp dễ dàng và tiện lợi, tạo điều kiện cho du khách chủ động hơn trong hành trình của mình. Không chỉ dừng lại ở sự thuận tiện, nhiều doanh nghiệp du lịch còn đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng dịch vụ: từ cơ sở lưu trú, ẩm thực, vận chuyển đến chăm sóc khách hàng. Các mô hình khách sạn thông minh, resort sinh thái, homestay cao cấp… là minh chứng rõ ràng cho xu hướng nâng cao trải nghiệm du khách.

Thời gian qua, ngành du lịch đang tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách. Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã triển khai xây dựng nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ số như ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” dành cho du khách trong và ngoài nước khi du lịch ở Việt Nam, hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, tra cứu doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đặt phòng, đặt vé, thanh toán điện tử, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng… Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia tích hợp các công nghệ hiện đại, an toàn, bảo mật, kết nối liên thông với nhiều tiện ích khác, giúp hình thành và thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó tiết kiệm thời gian, tăng trải nghiệm và tiện ích cho khách du lịch. Hệ thống vé điện tử “trực tuyến - liên thông - đa phương thức” kiểm soát vé vào cửa tại các điểm tham quan, khu du lịch, khu vui chơi giúp giảm thiểu rác thải, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Hệ thống thuyết minh đa phương tiện giới thiệu thông tin du lịch tích hợp trên ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” trên cả hệ thống Android và iOS để nâng cao trải nghiệm du khách khi tham quan tại các điểm di tích, bảo tàng, điểm du lịch...

Theo Euronews, mạng lưới truyền hình tin tức toàn châu Âu, năm 2025 sẽ là năm lên ngôi của 7 xu hướng du lịch, gồm có: (1) Trải nghiệm mới lạ: khám phá những điểm đến hoang sơ; (2) Du lịch điện ảnh: khám phá các phim trường; (3) Hành trình kỹ thuật số: ưu tiên sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ lập kế hoạch; (4) Kỳ nghỉ hạ nhiệt: tìm đến những nơi có khí hậu mát mẻ, các vùng núi cao hoặc bãi biển; (5) Du lịch có trách nhiệm: ưu tiên hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, văn hóa; (6) Du lịch đường sắt: lựa chọn lý tưởng cho du khách thích sống chậm, thư giãn, ngắm cảnh; (7) Du lịch thiên văn: ngắm bầu trời về đêm, tìm đến những vùng đất xa thành phố, xa ánh đèn đô thị.

Với việc hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam ngày càng được bổ sung, hoàn thiện sẽ là điểm cộng trong mắt du khách bốn phương, thu hút họ đến với Việt Nam để trải nghiệm, khám phá. Trong 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch. Kỳ vọng rằng, với sự cuốn hút và hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch đặc sắc, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng đối với du khách trên toàn cầu trong thời gian tới, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 07/7/2025

Cùng chuyên mục