Hoạt động của ngành

Công nhận cồng chiêng dân tộc Cor là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc Gia

Cập nhật: 30/08/2019 13:59:44
Số lần đọc: 1049
Tối 28/8, tại huyện Trà Bồng(Quảng Ngãi), đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chính thức công bố Quyết định công nhận cồng chiêng dân tộc Cor là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.


Biểu diễn đấu chiêng của đồng bào Cor tại lễ hội điện Trường Bà. (Nguồn: báo Quảng Ngãi)

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Cor, nghệ thuật cồng chiêng là một sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Cor. Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor ở Trà Bồng có lịch sử lâu đời, được bắt nguồn từ truyền thống sinh hoạt văn hóa cồng chiêng trong các lễ hội tiêu biểu với những bài chiêng và cách thức diễn tấu đã đạt đến trình độ cao về nghệ thuật và kỹ thuật.

Do đó, nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor có tính đại diện, thể hiện được bản sắc văn hóa của cộng đồng, mang đậm dấu ấn và sức sống riêng của dân tộc Cor.

Đặc điểm sáng tạo nổi bật của nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor là tạo ra các bài chiêng với ý nghĩa thiết thực, linh hoạt, dung hòa như các bài chiêng chào khách, cúng thần, tiễn khách; được diễn tấu kết hợp với múa cà đáo một cách hợp tình, hợp lý theo trình tự nghi thức cúng thần nhưng lại hài hòa được với nhau trong một tổng thể ở lễ hội ăn trâu, đồng thời, sự sáng tạo của nghệ thuật cồng chiêng còn được thể hiện ở chỗ, người Cor sinh hoạt sử dụng cồng chiêng khi là phương tiện giao tiếp với thần linh như trong lễ hội ăn trâu; khi là phương tiện đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng như trong phần hội của lễ hội mùa. Đó là việc sử dụng ba bài chiêng chào khách, tiễn khách, cúng thần linh kết hợp múa cà đáo trong lễ hội ăn trâu hay để trình diễn phục vụ người xem trong lễ Tết Ngã rạ.

Di sản cồng chiêng của dân tộc Cor tuy không đồ sộ nhưng vẫn có sự đa dạng, độc đáo riêng, trong đó đấu chiêng là bộ môn nghệ thuật có giá trị đặc sắc nổi bật. Người Cor còn dựa vào hai bài chiêng chào khách, tiễn khách có tiết tấu rộn ràng vui tươi dùng trong lễ hội ăn trâu để phát triển thành bài đấu chiêng có tiết tấu dồn dập, sôi động, hùng tráng cùng với sự ngẫu hứng cao độ của người chơi vừa mang tính giải trí, sáng tạo cao vừa có khả năng gắn kết cộng đồng.

Hiện nay, Lễ hội Cồng chiêng của dân tộc Cor trở thành lễ hội lớn, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Hằng năm nhân dịp lễ hội có hàng nghìn người tham dự. Lễ hội đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn được du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Việc công nhận cồng chiêng dân tộc Cor là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đã góp phần bảo tồn, phát huy lễ hội nghệ thuật cồng chiêng, giữ gìn bản sắc văn hóa người đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục