Hoạt động của ngành

Cô Tô hướng tới du lịch chất lượng cao

Cập nhật: 11/07/2019 08:46:12
Số lần đọc: 1366
Nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách có khả năng chi trả cao để tăng doanh thu, giảm áp lực cho một số lĩnh vực, đang được huyện đảo Cô Tô hướng đến trong chiến lược phát triển du lịch địa phương.


Hồng Vàn là bãi tắm đẹp, bình yên, lãng mạn ở Cô Tô, được du khách yêu thích.

Những năm gần đây, lượng khách đến Cô Tô có xu hướng giảm dần, cụ thể, năm 2017 tổng số khách đến Cô Tô đạt 301.000 lượt người; năm 2018, tổng lượng khách là 240.000 lượt người (giảm 20,7%); 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách đến Cô Tô là trên 136.000 lượt, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Nguyễn Hải Linh, Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Cô Tô, cho biết: Nguyên nhân giảm này không mang tính chất tiêu cực mà vì chất lượng dịch vụ du lịch tại Cô Tô được nâng lên, tập trung vào đối tượng khách có khả năng chi trả cao. Từ đầu mùa du lịch năm nay, các hãng liên doanh tàu khách Vân Đồn - Cô Tô đã tăng giá vé từ 200.000 lên 250.000 đồng và không có chính sách miễn giảm cho trẻ em dưới 6 tuổi. Điều này cũng ảnh hưởng tới tổng lượng khách đến Cô Tô, đặc biệt ở giai đoạn cao điểm tháng 6, 7, 8.

Tuy nhiên, số lượng khách giảm nhưng doanh thu du lịch của Cô Tô vẫn tăng, năm 2017 doanh thu đạt 450 tỷ đồng, năm 2018 doanh thu đạt 498 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019, huyện đạt doanh thu 331 tỷ đồng (tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2018). Mức chi tiêu bình quân của du khách khi đến Cô Tô từ 95 USD/người (năm 2018) lên 106 USD/người hiện nay.

Điều này cho thấy, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô những năm qua không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Nhất là từ năm 2013, khi Cô Tô có điện lưới quốc gia. Bộ mặt huyện đảo thay đổi nhanh chóng, thúc đẩy du lịch phát triển, nhà nghỉ, khách sạn mới mọc lên; những cơ sở kinh doanh, ăn uống, điểm dịch vụ, vui chơi, giải trí mới được đầu tư xây dựng nhiều. Tính đến nay, huyện Cô Tô có tổng số 280 cơ sở lưu trú, với 2.779 phòng, đáp ứng nhu cầu cho 9.500 du khách; có 41 cơ sở ăn uống, 34 điểm mua sắm, 21 điểm giải trí, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hài lòng với chất lượng dịch vụ khi đến du lịch tại Cô Tô, chị Hoàng Thị Thái Hòa (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) chia sẻ: Đây là lần thứ ba tôi đến Cô Tô, lần gần nhất cách đây một năm. Tôi thấy ở đây có rất nhiều thay đổi, các món ăn hải sản gắn liền với vùng biển được chế biến rất ngon. Chất lượng khách sạn tương đối tốt, có siêu thị mua sắm, nói chung, ở đây không khác nhiều so với những điểm du lịch nổi tiếng mà tôi đã đến.

Hiện nay, du khách đến với Cô Tô thuận lợi bằng tàu cao tốc, chất lượng phục vụ tốt, an toàn, có nhiều chuyến trong ngày. Hành trình từ Vân Đồn - Cô Tô đã rút ngắn lại, chỉ mất hơn một giờ đồng hồ với 29 tàu cao tốc hiện đại, năng lực vận tải đạt 3.100 khách.

Không chỉ có vận chuyển đưa khách bằng tàu cao tốc đến với Cô Tô mà chất lượng vận chuyển đưa đón khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện đảo cũng rất đa dạng, phong phú. Toàn huyện có 14 xe ôtô, 210 xe điện, 300 xe đạp điện, 500 xe máy phục vụ vận chuyển hành khách. Ngoài ra, còn có các đò chở khách thăm các điểm nổi tiếng trên đảo như Bắc Vàn - Cô Tô con, Cô Tô - Thanh Lân.

Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ kết nối hầu khắp các điểm tham quan du lịch, di tích trên đảo. Với lợi thế nhiều điểm du lịch hấp dẫn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, huyện Cô Tô tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới sự hài lòng của du khách khi đến với Cô Tô.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: Với tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển đảo rất cao, tỉnh đã giao cho huyện nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch thu hút đầu tư phát triển du lịch bền vững. Thời gian qua, chúng tôi đã quan tâm công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên du lịch. Trong đó có việc hạn chế sử dụng túi nilon và phân loại rác thải tại nguồn. Huyện tích cực tuyên truyền người dân và khách du lịch giữ gìn bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Các ngành, đoàn thể huyện, người dân và du khách dịp cuối tuần tiến hành nhặt rác tại các bãi biển, đồng thời, huyện kiên quyết xử lý tình trạng “chặt chém” du khách, kinh doanh trái phép tại bãi tắm. Huyện định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung vào khách du lịch có khả năng chi trả cao. Điều này sẽ tăng doanh thu, giảm áp lực lĩnh vực điện, nước và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng mục tiêu phát triển du lịch bền vững trên huyện đảo.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục