Hoạt động của ngành

Chất lượng sản phẩm – chìa khóa cơ cấu lại ngành du lịch

Cập nhật: 10/07/2019 07:32:39
Số lần đọc: 877
Hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Thanh và có thương hiệu, là mục tiêu đặt ra khi thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch. Muốn vậy, bên cạnh việc tập trung đầu tư, khai thác các sản phẩm thế mạnh; thì việc xây dựng, giới thiệu và chào bán các sản phẩm mới, cũng là một điều kiện để hấp dẫn du khách.

Lễ hội Bà Triệu.

Với hơn 100 km bờ biển và hệ thống đảo lớn nhỏ rải rác, Thanh Hóa đã và đang có trữ lượng tài nguyên tự nhiên lớn, phục vụ phát triển du lịch. Cùng với Sầm Sơn có lịch sử hơn 1 thế kỷ khai thác và đã hình thành diện mạo của một đô thị du lịch động lực; Thanh Hóa còn một hệ thống bãi biển đang và sẽ được khai thác trong tương lai gần. Trong đó phải kể đến những cái tên quen thuộc như Hải Tiến, Hải Hòa, Nghi Sơn và những cái tên còn khá mới với khách du lịch như Nam Sầm Sơn, Quảng Lợi (Quảng Xương), Bãi Đông (Tĩnh Gia)... Nắm bắt lợi thế đó, Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Trong đó, du lịch biển đảo tại các khu du lịch trọng điểm Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nam Sầm Sơn và Nghi Sơn - đảo Mê, được xác định là sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh. Việc xác định này là cơ sở cho việc đầu tư các nguồn lực một cách có trọng tâm, trọng điểm. Thực tế cho thấy, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và năng lực đóng góp vào GDP, du lịch biển – đảo đã và đang khẳng định được vai trò như là đầu máy kéo cả đoàn tàu du lịch Thanh Hóa chuyển động. Đồng thời, đây cũng là nam châm thu hút các nguồn lực xã hội, các nhà đầu tư vào du lịch.

Một trong những giải pháp có tính chìa khóa, nhằm cơ cấu lại ngành du lịch đó là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hệ thống sản phẩm, cũng như điểm đến du lịch. Trong đó, ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch. Đồng thời, phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế về tự nhiên và văn hóa, gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch. Như vậy, xét trên nhiều khía cạnh như khả năng thu hút lượng khách và doanh thu lớn, phù hợp với thị trường, có khả năng cạnh tranh, có thể tạo dựng hình ảnh, thương hiệu và khả năng phát triển độc lập, cũng như liên kết, thúc đẩy các sản phẩm khác... có thể nói, du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo chính là sản phẩm du lịch chủ đạo của du lịch Thanh Hóa. Mặc dù sản phẩm này đã từng bước tạo dựng được thương hiệu nổi trội tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung. Tuy nhiên, những bất cập trong phát triển sản phẩm, ví như tính mùa vụ, môi trường, an toàn..., cũng đang đặt ra cho Thanh Hóa không ít thách thức. Do đó, tập trung cải thiện hình ảnh, chất lượng, tăng sức hấp dẫn cho dòng sản phẩm này là điều kiện để Thanh Hóa cơ cấu lại ngành du lịch.

Bên cạnh đó, để tăng cường sự trải nghiệm và thời gian lưu trú của du khách, thì cần hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế như du lịch trải nghiệm các loại hình văn hóa (trình diễn nghệ thuật, tìm hiểu lịch sử, tinh hoa ẩm thực, phong tục, tập quán, lối sống...). Đồng thời, phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên; du lịch tìm hiểu đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên và các vùng có giá trị cảnh quan độc đáo... Thanh Hóa hiện đã xây dựng và từng bước triển khai các đề án phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi; đề án lựa chọn, đề xuất phương án tổ chức lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch... Từ đó, khai thác ngày càng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên tự nhiên và văn hóa; đồng thời, từng bước điều chỉnh hướng ưu tiên sang các nguồn lực tài nguyên phi vật thể, nhằm giới thiệu được nhiều giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc.

Vài năm trở lại đây, sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa, tâm linh đã có được bước chuyển đáng kể, kể cả việc đầu tư lẫn khả năng thu hút du khách. Theo đó, tỉnh đã xây dựng được các đề án khai thác, phát huy giá trị tại Khu di sản thế giới Thành Nhà Hồ và Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; đề án nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội, các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lịch... Hàng năm, đã phê duyệt danh mục và triển khai dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; trong đó đặc biệt ưu tiên các di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hóa có giá trị khai thác phục vụ du lịch. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích, đền, chùa có kết quả tích cực. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống quy mô lớn đã trở thành một phần quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng và làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh. Điển hình là lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu, lễ hội đền Sòng Sơn, lễ hội Đền Nưa – Am Tiên...

Sản phẩm du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng đã và đang khẳng định được vị thế của nó, dựa vào lợi thế to lớn là nguồn tài nguyên du lịch rừng núi, sông hồ, hang động vô cùng phong phú và đa dạng. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các huyện Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Thanh, Vĩnh Lộc... Từ đó, hình thành nên nhiều điểm đến, tuyến du lịch và các sản phẩm du lịch cộng đồng tương đối hoàn thiện, thu hút khách du lịch nhất là khách quốc tế. Điển hình trong đó là bản Năng Cát (Lang Chánh), bản Hiêu, bản Đôn (Bá Thước), bản Hang (Quan Hóa), bản Ngọc (Cẩm Thủy)... Ngoài ra, việc xây dựng các sản phẩm du lịch bổ trợ khác cũng được tỉnh quan tâm. Trong đó, phát triển tuyến du lịch đường sông đang được chú trọng, với sản phẩm du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã được khai thác nhiều năm nay; tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ đã được xây dựng và đưa vào khai thác thử nghiệm, bước đầu nhận được sự quan tâm của du khách.

Mỗi sản phẩm du lịch có một đặc trưng riêng, sức hấp dẫn riêng. Song, nét riêng đó đều nằm trong tổng hòa các sản phẩm và có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, cần đẩy mạnh sự kết nối và nâng cao chất lượng trong chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý điểm đến, các khu vực động lực du lịch, bảo đảm môi trường an toàn, thân thiện, văn minh. Có như vậy, sản phẩm du lịch mới làm tốt vai trò của nó như là yếu tố tạo nên sự khác biệt và tăng tính cạnh tranh cho du lịch Thanh Hóa.

 

Nguồn: baothanhhoa.vn

Cùng chuyên mục