Hoạt động của ngành

Cần Thơ: Phát triển sản phẩm OCOP, gia tăng giá trị nông sản địa phương

Cập nhật: 23/06/2022 11:49:44
Số lần đọc: 799
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc địa phương, phát triển mạnh, tạo giá trị gia tăng. Để khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương, thành phố tiếp tục phát triển, đưa các sản phẩm chất lượng trên địa bàn tham gia vào chương trình OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.


Khai thác tiềm năng sẵn có

Sầu riêng Tân Thới là một trong những sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện Phong Điền. Trong ảnh: Trưng bày, giới thiệu Sầu riêng Tân Thới tại Hội chợ trái cây nhà nông huyện Phong Điền đầu tháng 6-2022.

Từ khi chương trình OCOP được triển khai rộng khắp vào năm 2018, đến nay TP Cần Thơ có 41 sản phẩm OCOP đã được công nhận đều là sản phẩm tiêu biểu của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ dân, hợp tác xã. Trong đó, có 25 sản phẩm đạt 4 sao, 16 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao. Những sản phẩm OCOP đang dần khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường không chỉ đối với người tiêu dùng Cần Thơ mà còn khắp cả nước.

Tận dụng lợi thế về vùng nguyên liệu sẵn có của xứ cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Công ty TNHH MTV Minh Ðức Thành (Kocana) đã khai thác vùng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp tăng cường đầu tư công nghệ chế biến hiện đại tạo ra nhiều món ăn mới từ cá tra, với nhiều hương vị đặc trưng. Đây cũng là một doanh nghiệp có tới 7 sản phẩm đặc sản đạt OCOP 4 sao trong năm 2021 của thành phố, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Theo ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Kocana, khi các sản phẩm đạt OCOP 4 sao khách hàng yên tâm khi chọn mua và sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Từ đó sẽ tạo đà cho doanh nghiệp nâng cao giá trị và vị thế thương hiệu Kocana trên thị trường. Doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho sản xuất để sản phẩm OCOP vừa có được hình thức đẹp, vừa đạt chất lượng cao, với giá cả phải chăng, đáp ứng tối ưu nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu...

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Cần Thơ cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện sản phẩm OCOP, thành phố không chủ trương chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Quá trình đánh giá chặt chẽ, một số sản phẩm đưa ra hội đồng phải điều chỉnh, bổ sung vài lần mới hoàn thiện và được chứng nhận đạt sao. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Qua khảo sát của Văn phòng, các sản phẩm sau khi đạt OCOP của thành phố doanh thu tăng gần 22%, lợi nhuận tăng trên 17% so với trước đó. Với minh chứng từ thực tế, việc vận động các chủ thể tham gia chương trình OCOP thuận lợi hơn so với thời điểm mới triển khai chương trình…

Phát triển sản phẩm OCOP

Bên cạnh tiêu chuẩn hóa và nâng cấp cho 41 sản phẩm OCOP hiện có, trong năm 2022, thành phố đề ra mục tiêu phát triển thêm 20-25 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao trở lên, trong đó có từ 1-2 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể. như định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Việc triển khai chương trình OCOP trên địa bàn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao. Huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình OCOP. Đối với các sản phẩm lựa chọn tham gia OCOP, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, xây dựng dữ liệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và những yêu cầu khắt khe mà OCOP đưa ra...

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ, đã có 17 sản phẩm OCOP tổ chức đánh giá cấp quận, huyện và đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP cấp thành phố đợt 1 năm 2022 sắp tới đây. Cụ thể, huyện Vĩnh Thạnh có các sản phẩm gồm: Gạo My Hậu (ĐT8), Gạo My Hậu (ST24), Chả lụa Kim Ngân, Chả chiên Kim Ngân, Giò thủ Kim Ngân; huyện Phong Điền có sản phẩm Sợi sấy thăng hoa Đông trùng Hạ thảo Agrimush và Sầu riêng Tân Thới; quận Ô Môn có sản phẩm Giá sạch Hồng Nhung và Nước mắm cá sặc Tư Hon; quận Ninh Kiều có các sản phẩm gồm: Trà hòa tan Đinh Lăng hygie, Trà hòa tan gừng - mật ong hygie, Trà hòa tan gừng chanh sả, Trà hòa tan rau om tía, Trà hòa tan diếp cá hygie, Nước Mãng cầu gai, Nước Xoài, Nước Thanh long ruột đỏ.

Để khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương, phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố, ông Lê Văn Tính cho biết: Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện khảo sát những sản phẩm “tiền OCOP”. Từ đó, xây dựng kế hoạch để các địa phương đồng hành cùng chủ thể phát triển sản xuất theo chu trình OCOP và bổ sung, hoàn thiện những tiêu chí còn thiếu so với bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Văn phòng phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hỗ trợ các chủ thể xây dựng hoàn thiện bao bì, nhãn mác, các thủ tục liên quan sở hữu trí tuệ; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP của thành phố…

Bài, ảnh: T. Trinh

 

Nguồn: Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn - Ngày đăng 23/6/2022

Cùng chuyên mục