Hoạt động của ngành

Cà Mau đánh thức tiềm năng du lịch

Cập nhật: 19/08/2020 09:41:57
Số lần đọc: 721
Những cánh rừng bạt ngàn nằm xen kẽ với vườn cây ăn trái sum suê gắn với những câu chuyện kể về người và đất phương Nam của Nhà văn Đoàn Giỏi, từ lâu vùng đất U Minh Hạ đã nổi tiếng với những sản vật đặc trưng riêng mà ít nơi nào có được. Đây là điều kiện lý tưởng để huyện U Minh đẩy mạnh phát triển du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan.  


Du khách thích thú được bơi xuồng tham quan Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Đến U Minh, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan vườn dâu Cái Tàu. Nói đến dâu Cái Tàu không chỉ nói đến một loại cây trái bình thường, mà còn là tình cảm, là sự gắn bó sâu xa trong tâm thức của mỗi người dân nơi đây dành cho loại cây ăn trái này. Những năm gần đây, bên cạnh việc duy trì, phát triển cây dâu, địa phương định hướng khơi dậy những tiềm năng du lịch trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Phích, huyện U Minh Phan Văn Đằng cho biết, hiện trên địa bàn xã có 5 điểm du lịch cộng đồng là Hợp tác xã Trang trại Xanh, Hợp tác xã Lâm nghiệp 19/5, vườn dâu Cái Tàu, cam, quýt và sầu riêng, với  diện tích 20 ha. Hàng năm, vào mùa dâu chín, mỗi vườn đón từ 50-100 khách du lịch/ngày, thu nhập từ các dịch vụ như vé vào cổng, phục vụ ăn uống tại chỗ và bán dâu cho khách mang về từ 40-80 triệu đồng/vụ.

Ông Phạm Văn Khởi, Ấp 15, xã Nguyễn Phích, cho biết, đặc trưng của dâu Cái Tàu là lớn trái, mỏng vỏ, mọng nước, vị ngọt thanh, khi chín có màu vàng trông rất đẹp mắt. Một mùa dâu chín có thể cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, kết hợp với doanh thu từ du lịch nên cuộc sống của bà con nơi đây khấm khá và ổn định.

Để khơi dậy tiềm năng du lịch, Bí thư Huyện uỷ U Minh Nguyễn Minh Phụng thông tin, Đề án thí điểm làng văn hoá - du lịch bước đầu hình thành một số điểm du lịch sinh thái - cộng đồng ở xã Nguyễn Phích, Khánh An, để lại dấu ấn trong lòng du khách. Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư khai thác điểm du lịch sinh thái Sông Trẹm, xã Khánh Thuận. Ngoài ra, thực hiện Đề án sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục quy hoạch chương trình mỗi xã một sản phẩm, hứa hẹn mang đến nhiều loại hình du lịch trong tương lai.


Đa dạng các sản phẩm đan đát mở hướng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm trong cộng đồng.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh Phạm Văn Sóng thông tin: “Đến nay, huyện xác định được 9 sản phẩm thế mạnh đặc trưng gồm cây bồn bồn (xã Khánh An), nghề đan đát truyền thống và trái dâu Cái Tàu (xã Nguyễn Phích), rau sạch (thị trấn U Minh), cá lóc đồng (xã Khánh Lâm), cá khô biển (xã Khánh Hội), nấm rơm (xã Khánh Hoà), chả cá phi (xã Khánh Tiến), chuối xiêm (xã Khánh Thuận). Các sản phẩm này được công nhận sẽ tạo sự đa dạng sản phẩm, mở hướng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm trong cộng đồng. Huyện đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh củng cố, tạo thương hiệu các sản phẩm đặc trưng”.

Việc triển khai thực hiện thí điểm làng văn hoá - du lịch trên địa bàn sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khai thác tiềm năng, phát triển ngành nghề nông thôn, chú trọng khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống và hình thành làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm./.

 

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục