Hoạt động của ngành

Bạc Liêu: Tạo sức bật cho làng nghề làm du lịch

Cập nhật: 07/10/2020 09:18:41
Số lần đọc: 1482
Du lịch làng nghề là xu hướng hấp dẫn du khách hiện nay. Ngoài mang lại giá trị về kinh tế, du lịch làng nghề còn góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Làng nghề đan đát ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) là một trong những địa chỉ có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này.

Làng nghề đan đát ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long). Ảnh: H.T

Làng nghề đan đát truyền thống vĩnh phú đông

Hơn 10 năm trước, huyện Phước Long đã tổ chức lễ công nhận làng nghề đan đát ở ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông là làng nghề truyền thống. Đây là làng nghề đầu tiên trong tỉnh được công nhận theo Nghị định 66/2006 của Chính phủ về “Phát triển các ngành nghề truyền thống địa phương”. Toàn ấp Mỹ 1 có gần 200 hộ dân tham gia nghề đan đát, với hơn 1.200 lao động. Sản phẩm làm ra chủ yếu là các mặt hàng gia dụng như: cần xé, mê bồ, thúng, nia, xịa, rổ, bội gà…

Ở ấp Mỹ 1 gần như nhà nào cũng biết nghề đan đát. Nghề này gắn bó với họ từ nhỏ và là sinh kế của người dân địa phương. Những đứa trẻ sinh ra ở đây nhìn thấy bờ tre, bụi trúc là hình ảnh đầu đời. Và đó cũng là khoảng không gian mà từ trẻ nhỏ đến người lớn gắn với đời mình. Trúc là loại cây được trồng nhiều nhất ở đây. Bà Lương Nhiên Em, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông, cho biết: “Toàn xã có diện tích trồng tre, trúc hơn 40ha tại ấp Mỹ 1 nói riêng, và trồng rải rác ở các ấp khác hơn 3ha nữa. Nhìn chung, lượng tre, trúc ở đây đủ cung ứng cho người dân làm các sản phẩm đan đát”.

Từ những cây trúc được trồng xung quanh nhà, với sự sáng tạo và tỉ mỉ của người dân đã biến chúng thành những sản phẩm độc đáo. Từng bộ phận của cây trúc được người dân tận dụng và sử dụng vào những mục đích khác nhau để tạo ra sản phẩm. Sản phẩm đan đát của làng nghề này khá phong phú và đa dạng, nhưng đặc trưng là làm cần xé các loại.

Trung bình mỗi ngày, một người có thể làm ra từ 5 - 10 sản phẩm (tùy độ lớn nhỏ). Sau khi trừ chi phí, người dân trong ấp cũng có nguồn thu nhập khá ổn định. Hiện tại, những sản phẩm đan đát của làng nghề không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh, mà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây. Nhờ đó, nghề đan đát không chỉ lưu giữ nét độc đáo của làng nghề truyền thống, mà còn tạo việc làm cho người dân quê, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Làng nghề làm du lịch

Du lịch trải nghiệm làng nghề đang trở thành xu hướng “đốt cháy” tua tuyến của các hãng lữ hành. Bạc Liêu có nhiều làng nghề nhiều tiềm năng để kết hợp tua du lịch sinh thái, nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để làng nghề Vĩnh Phú Đông hay một số làng nghề trong tỉnh trở thành cái tên trong nhiều lựa chọn du lịch làng nghề để các hãng lữ hành đưa vào tua kết hợp trong cụm liên kết du lịch ĐBSCL?

Không thể để người dân làm nhỏ lẻ, phát triển một cách tự phát, ngành chức năng cần tổ chức các khóa tập huấn, thậm chí “cầm tay chỉ việc” để mỗi hộ là một cá thể làm du lịch độc lập. Du khách đến xã, đầu tiên là được nghe tiểu sử về làng nghề, tiếp đến là đi tham quan khu trồng trúc, tre, các sản phẩm trưng bày đạt chuẩn, và sau đó là trải nghiệm làm ra sản phẩm… Để mô hình này trở thành hiện thực, các ngành, các cấp cần bắt tay nhau vào cuộc thì mới có thể khai thác hết tiềm năng của làng nghề.

Theo bà Lương Nhiên Em, nhiều năm nay xã Vĩnh Phú Đông đã được hỗ trợ máy chuốt, máy chẻ tre, trúc để bà con làm đỡ vất vả hơn. Đây là một trong những động thái mà chính quyền đồng hành cùng người dân trong việc tạo điều kiện để vùng quê này “vẫy cánh” trên bước đường làm du lịch.

Ngoài các sản phẩm truyền thống, làng nghề này còn cho ra đời nhiều sản phẩm mỹ nghệ vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, vừa làm quà lưu niệm cho du khách. Bên cạnh đó, xã đã vận động được hai hộ dân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đó là hộ ông Phạm Văn Huệ - nghệ nhân đan đát và ông Đặng Hữu Hùng với sản phẩm bắp sạch. Những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện đưa làng nghề làm du lịch. Ngành chức năng có thể hướng dẫn người dân phương thức làm du lịch theo hướng như: sau khi tham quan làng nghề, trải nghiệm cách làm sản phẩm đan đát, du khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản miền quê dưới tán trúc như các món ăn làm từ trái bắp...

Để tạo sức bật cho làng nghề làm du lịch, điều cần làm trước tiên chính là xây dựng đề án phát triển du lịch làng nghề mới cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương; xây dựng kênh truyền thông để hấp dẫn du khách gần xa tìm về “check-in” tại làng nghề. Sau cùng là đào tạo đội ngũ làm du lịch tại địa phương, cùng với việc huy động sức dân đồng hành với chủ trương của huyện. Có như vậy, du lịch làng nghề sẽ có bước đột phá mới!

Ngọc Trân

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Cùng chuyên mục