Hoạt động của ngành

Tuyên Quang: Du lịch được chọn là lĩnh vực đột phá

Cập nhật: 01/10/2012 17:03:04
Số lần đọc: 2219
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, thu hút 1 triệu lượt khách du lịch/năm, du lịch được chọn là một trong bốn lĩnh vực kinh tế đột phá của Tuyên Quang.

Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết để tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch, hiện tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt tổng thể các khu du lịch “trọng điểm” định hướng đến năm 2020, đồng thời xây dựng, khôi phục các làng văn hóa truyền thống gắn với du lịch cộng đồng như làng văn hóa – du lịch Tân Trào (huyện Sơn Dương), Nà Tông (huyện Lâm Bình), Giếng Tanh (huyện Yên Sơn), làng văn hóa–du lịch Dao Tiền, xã Minh Hương (huyện Hàm Yên)...; ban hành quy định cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng của các tổ chức, cá nhân, có đủ năng lực về tài chính, uy tín trong kinh doanh lĩnh vực du lịch vào các khu du lịch của tỉnh.

 

Tỉnh triển khai tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trên địa bàn về công tác phát triển du lịch; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch đến với các khu, điểm du lịch; phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sưu tầm, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số...

 

Để thực hiện mục tiêu thu hút 1 triệu lượt khách du lịch/năm, Tuyên Quang đang thực hiện giải pháp gắn kết phát triển du lịch với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa.

 

Tỉnh tổ chức đầu tư phục hồi và tôn tạo 110 di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh, đưa các khu di tích lịch sử cách mạng thành điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Trong số các di tích đã và đang được đầu tư tu bổ đáng chú ý như Khu di tích Tân Trào, với 66 di tích như Lán Nà Lừa - nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lán họp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, Lán Điện đài, di tích Đội Cứu quốc quân III, di tích chiến thắng Cầu Cả, Khe Lau....; khu di tích xã Kim Quan (huyện Yên Sơn), với 15 di tích như các căn hầm an toàn của Bác Hồ, Trung ương Ðảng, Chính phủ...; khu di tích xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng vào tháng 2/1951 (Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước)...

 

Những năm gần đây, các khu di tích lịch sử cách mạng đang là những điểm thu hút nhiều nhất khách du lịch tới Tuyên Quang. Điển hình như Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương chỉ trong tám tháng đầu năm nay đã đón trên 300.000 lượt khách đến tham quan (chiếm gần 70% lượng khách du lịch đến tham quan tỉnh Tuyên Quang).

 

Ngoài chú trọng đầu tư các khu du lịch lịch sử cách mạng, tỉnh Tuyên Quang còn quan tâm đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái như: Khu du lịch sinh thá i Na Hang; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm…

 

Khu du lịch sinh thái Na Hang, được ví như "nàng tiên xanh" giữa đại ngàn hiện đang là điểm đến lý tưởng của khách du lịch ưa thích khám phá. Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang cho biết các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ cũng được hình thành từ bảy năm trở lại đây. Đi du thuyền trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang trong sáu giờ, với chiều dài khoảng 70km, du khách sẽ được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây.

 

Những ngày này, các cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đang bước vào Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch vùng Đông Bắc, sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 30/9/2012, tại Tuyên Quang với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như Liên hoan nghệ thuật quần chúng vùng Đông Bắc; triển lãm ảnh với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc;” giới thiệu ẩm thực đặc trưng vùng Đông Bắc; trình diễn trang phục các dân tộc gắn với Chung kết cuộc thi “Người đẹp Tuyên Quang;” đêm hội Trung Thu; tham quan Khu du lịch lịch sử và sinh thái Tân Trào; tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc…

 

Tuyên Quang là thủ đô kháng chiến, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, với 22 dân tộc cùng chung sống. Xác định du lịch là một thế mạnh đặc biệt của địa phương, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện nhiều giải pháp “đột phá” để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, tỉnh Tuyên Quang đặc biệt chú trọng gắn việc phát triển các loại hình du lịch với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương./.

Nguồn: website Cinet

Cùng chuyên mục