Hoạt động của ngành

Thành phố Tuyên Quang: Khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch

Cập nhật: 01/10/2012 15:09:09
Số lần đọc: 2726
Thành phố Tuyên Quang hiện có 59 điểm du lịch lịch sử, văn hóa với đa dạng các loại hình như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch lịch sử. Khai thác tiềm năng, thế mạnh này, thành phố phấn đấu đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế.
Đêm hội đường phố diễn ra vào dịp Rằm Trung thu hàng năm tại TP Tuyên Quang.
Đến thành phố Tuyên Quang, khách du lịch không thể quên được những di tích lịch sử nổi tiếng như: Mỏ Than (nay thuộc tổ 15, phường Tân Hà), thành phố Tuyên Quang - nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh, ngày 20-3-1940; Bến Bình ca (nay thuộc địa phận 2 xã Vĩnh Lợi huyện Sơn Dương và An Khang, thành phố Tuyên Quang), nơi quân và dân ta đã viết nên bản hùng ca chiến thắng Bình Ca, bẻ gẫy cuộc hành quân của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc 1947 hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta; di tích Thành Nhà Mạc được xây dựng vào năm 1592 và được sửa chữa vào cuối thế kỷ 19, dưới thời nhà Nguyễn.

Trên địa bàn thành phố còn có 18 điểm di tích đền, chùa từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách cả nước mỗi dịp tết đến, xuân sang. Nhiều di tích được xếp hạng Quốc gia như: Thành nhà Mạc, đền Hạ… Các chùa Linh Thông, đền Mẫu Ỷ La; đền Pha Lô ở xã Nông Tiến; đền Quang Kiều, chùa An Vinh ở xã Hưng Thành, chùa Trùng Quang, đền Đồng Xuân, đền Cảnh Xanh, đền Mỏ Than đều là những điểm đến quen thuộc của du khách thập phương. Hàng năm, thành phố còn tổ chức 5 lễ hội văn hóa độc đáo gồm: Lễ hội đua thuyền trên sông Lô, lễ hội chùa Hương Nghiêm, lễ hội đền Hạ, lễ rước cánh ấn đền Trần và lễ hội Đường phố.

Một điểm nhấn gần đây nhất là sự phát triển ngày càng lớn của các trung tâm buôn bán trên địa bàn, tiêu biểu là các siêu thị, chợ với nhiều sản vật địa phương là nơi du khách có thể tham quan, mua sắm. Số khách sạn, nhà nghỉ phục vụ du lịch phát triển mạnh cả số lượng và chất lượng. Đến nay, thành phố có gần 100 cơ sở lưu trú, trong đó có nhiều cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1 sao trở lên như các khách sạn Tân Trang, Royal, Hà Tuyên, Kim Long...

Từ đầu năm đến nay, thành phố Tuyên Quang đã đón trên 120.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 78,8% kế hoạch năm. Riêng trong Tuần Văn hóa Du lịch Tuyên Quang 2012 gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Đông Bắc lần thứ VIII, thành phố Tuyên Quang đón trên 80.000 lượt du khách. Trong đó, khách quốc tế gần 100 lượt, còn lại là khách nội địa. Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng và thế mạnh vốn có trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay thì tốc độ phát triển ngành du lịch thành phố vẫn còn khá khiêm tốn. Công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch thành phố chưa đồng bộ. Công tác tuyên truyền quảng bá về tiềm năng du lịch của thành phố còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu thu hút khách hướng về thành phố trong mùa du lịch. Việc tổ chức khai thác các điểm, các tour chưa thực hiện hiệu quả. Chưa có chiến lược xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để phục vụ nhu cầu du khách để tăng thêm doanh số thu.

Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) về đẩy mạnh quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố Tuyên Quang nêu rõ, để khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế, thành phố cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh và thành phố để thu hút du khách. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thương mại, xây dựng các siêu thị, khách sạn, nhà hàng, chợ đầu mối. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, giá trị văn hóa các dân tộc; tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa cộng đồng gắn với phát triển kinh tế du lịch./.
Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục