Về làng trải nghiệm văn hóa truyền thống
Hoạt động tháng 7 có sự tham gia của hơn 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc anh em như đồng bào Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Ê Đê, Khmer… đến từ 11 địa phương trên cả nước. Trong suốt một tháng, không gian Làng Văn hóa - Du lịch sẽ trở thành nơi hội tụ những giá trị văn hóa đặc sắc, nơi du khách - đặc biệt là các em nhỏ có thể tìm hiểu, trải nghiệm, tương tác với các chủ thể văn hóa một cách trực tiếp.
Du khách tham gia trải nghiệm múa sạp cùng đồng bào dân tộc Thái. Ảnh. P. Sỹ
Điểm nhấn của chương trình là không gian giới thiệu văn hóa truyền thống của từng tộc người thông qua các hoạt động như tái hiện kiến trúc dân tộc, trình diễn nhạc cụ, múa dân gian, trò chơi truyền thống, nghi lễ cộng đồng. Tại mỗi điểm làng, du khách không chỉ được nghe kể chuyện, xem trình diễn mà còn được tham gia vào quy trình làm sản phẩm, tự tay tô tượng, làm chuồn chuồn tre, tô tranh cát hay khoác lên mình trang phục dân tộc, để hiểu sâu sắc hơn về đời sống tinh thần của đồng bào.
Bên cạnh đó, không gian ngoài trời sôi động với các trò chơi dân gian như nhảy sạp, đi cà kheo, đánh đu, bập bênh… sẽ mang lại cho các em nhỏ trải nghiệm vui nhộn, gắn kết bạn bè, rèn luyện sự khéo léo, tư duy và khả năng tương tác xã hội - những điều mà cuộc sống công nghệ hiện đại đôi khi khiến trẻ em thiếu hụt.
Hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), các hoạt động tại Làng cũng dành không gian trang trọng cho việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn và tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt, chương trình dân ca, dân vũ cuối tuần với chủ đề “Âm vang nguồn cội” sẽ mang đến những tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, ca ngợi quê hương đất nước, tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Không dừng lại ở các sự kiện theo mốc thời gian, trong suốt tháng 7, các làng dân tộc tại “Ngôi nhà chung” vẫn duy trì các hoạt động hàng ngày như trình diễn ẩm thực truyền thống, thao tác nghề thủ công (dệt vải, đan lát, nấu rượu, chế biến thuốc nam…), tái hiện sinh hoạt đời thường, phục vụ Homestay, giao lưu văn nghệ dân gian. Du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc trưng như cá nướng, thịt gác bếp, xôi màu, khau nhục… phản ánh sự phong phú trong ẩm thực vùng miền.
Các làng dân tộc cũng chủ động tăng cường sắc xanh, tạo không gian nghỉ ngơi thoáng mát cho khách tham quan, bố trí lại khuôn viên, giới thiệu văn hóa tại các điểm làng, tổ chức trò chơi dân gian và các buổi truyền dạy nhạc cụ truyền thống như đàn T’rưng, Chapi, Đinh pút… giúp lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc đến thế hệ trẻ.
Theo ông Trịnh Ngọc Chung - Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, trong thời gian tới, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở khắp các vùng miền sẽ tiếp tục được tái hiện tại Làng Văn hóa. Không chỉ là những sự kiện riêng lẻ, đây sẽ là chuỗi hoạt động được tổ chức đều đặn vào các ngày trong tuần và cuối tuần.
“Qua đó, những giá trị văn hóa không chỉ dừng lại ở các dự án hay phương án bảo tồn trên giấy, mà phải được tái hiện bằng những hành động cụ thể, sinh động. Từ không gian Làng Văn hóa, các giá trị ấy sẽ được truyền tải sâu rộng, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
P. Sỹ