Non nước Việt Nam

Văn hóa cổ truyền và văn hóa truyền thống

Cập nhật: 09/07/2025 11:11:00
Số lần đọc: 35
Cổ truyền, truyền thống là hai khái niệm được sử dụng khá phổ biến trong văn hóa song có lẽ vì chưa rạch ròi về nội hàm mà thường được xem xét hoặc sử dụng nhầm lẫn.


Cần hiểu rõ các khái niệm cổ truyền, truyền thống, cách tân để phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Ảnh: Quang Hưng

1. Trước hết, cổ truyền là các giá trị được thế hệ đi trước làm ra, truyền lại nguyên vẹn cho thế hệ đương đại. Ở Việt Nam, bánh chưng, áo tứ thân, nhà mái chảy… là các giá trị cổ truyền.

Còn truyền thống là khái niệm chỉ các giá trị cổ truyền được thế hệ sau sử dụng hoặc bổ sung yếu tố mới khiến vẫn có thể tồn tại, như bánh chưng, áo dài, mái chảy trên ngôi nhà ống… Qua đó truyền thống không bất biến, không chỉ là giá trị của quá khứ; và truyền thống mang tải cả ý nghĩa hiện đại, vì được cách tân, bổ sung yếu tố mới. Hơn nữa, nếu không chứa đựng yếu tố mới thì truyền thống không thể vận hành trong thời hiện đại. Đến thời điểm nào đó truyền thống của hôm nay sẽ trở thành cổ truyền của ngày mai, và sẽ được kế thừa, bổ sung, từ đó truyền thống mới sẽ ra đời…

2. Đó là lý giải từ tính liên tục lịch sử của văn hóa, khi mà mỗi thế hệ đã sản xuất, sử dụng các sản phẩm văn hóa phù hợp với quan niệm, điều kiện của mình và thế hệ kế tục kế thừa có chọn lọc là đương nhiên. Với bánh chưng, đó là chiếc bánh không thuần túy để ăn mà còn mang tải giá trị tinh thần, vật phẩm quy ước khi đón xuân nhớ về tổ tiên, ông bà, nên được thế hệ tiếp theo tiếp nhận, giữ gìn. Áo tứ thân đẹp nhưng không còn phù hợp với thời đại đòi hỏi đẹp hơn, đa dạng hơn, sinh động hơn; áo dài ra đời là sự kế thừa hoàn hảo để áo tứ thân cổ truyền vẫn có ý nghĩa.

Tương tự, khi nhận thức đã phát triển, xã hội có luật pháp về hôn nhân gia đình thì quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” cũng phai nhạt rồi biến mất khỏi sinh hoạt xã hội, nghĩa là một giá trị cổ truyền đã bị loại bỏ… Nhìn chung hiện tượng cổ truyền “bị lỗi mốt” là khá phổ biến. Như đề cao bình đẳng nam nữ khiến thói “trọng nam khinh nữ” bị phê phán; như khi ngày Tết các bậc cha mẹ không còn khắt khe, vì con cái sinh sống ở xa mà chấp nhận tạt qua nhà vài ngày trước Tết, hoặc vui vẻ nghe lời chúc Tết qua điện thoại, video call...

Văn hóa, trước hết là sự khác nhau. Dù lớn hay nhỏ thì mỗi tộc người đều có hệ thống giá trị văn hóa riêng, không thể xóa bỏ, hoặc áp đặt. Lấy văn minh làm quy chiếu để phán xét, áp đặt lên văn hóa dân tộc khác là phản văn hóa; mỗi dân tộc đều có lựa chọn văn hóa riêng, không có hơn kém giữa ăn bằng thìa và nĩa với ăn bằng đũa, hoặc bốc; không có dân tộc thượng đẳng, không có dân tộc hạ đẳng, cũng không có văn hóa dân tộc là “cái rốn của vũ trụ”.

Đặc biệt, trong khi giữ gìn, phát huy văn hóa, mỗi tộc ít người luôn có xu hướng hướng đến văn hóa của tộc chủ thể (ở Việt Nam là văn hóa của người Việt - Kinh), để rồi mọi sự còn phức tạp hơn. Bởi mỗi dân tộc ít người vừa phải giải bài toán cổ truyền, truyền thống của mình, vừa tham gia giải bài toán cổ truyền, truyền thống trên phạm vi quốc gia. Thí dụ điển hình cho hiện tượng này là sau nhiều năm ít chú ý, ở Tây Nguyên số nghệ nhân có khả năng chỉnh cồng chiêng hầu như rất ít, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền từ Hà Nội vào phải mày mò học hỏi khôi phục lại các kỹ năng rồi chính anh trở thành người dạy chỉnh cồng chiêng cổ truyền ở Tây Nguyên. Như vậy Bùi Trọng Hiền vừa giúp đồng bào khôi phục một giá trị âm nhạc cổ truyền, vừa giúp bảo quản, lưu giữ một tài sản âm nhạc của quốc gia.

3. Trong bản chất của nó, truyền thống có sức ì nhất định. Nếu không có sức ì, cộng đồng dễ quên quá khứ, đánh mất quá khứ, thậm chí thiếu sức ì thì trước sự xâm nhập văn hóa của bên ngoài, một cộng đồng có thể đánh mất “căn cước văn hóa”. Hiểu như thế sẽ không bị truyền thống trì néo, kìm hãm mà còn thấy có trách nhiệm làm cho truyền thống tiếp tục phát triển. Toàn cầu hóa đang diễn ra trong kinh tế, khoa học, công nghệ. Về logic hình thức, khi kinh tế, khoa học, công nghệ phát triển sẽ tác động tới văn hóa, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa như đã phát lộ thì khó có thể coi là tác động tất yếu. Và để giải quyết, văn hóa sẽ phải điều chỉnh để giữ bản sắc, hiện thực hóa điều vẫn gọi là “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Thực tế cho thấy, khi bị áp đặt văn hóa từ bên ngoài thường có mấy tình huống xảy ra như: hoặc cam chịu, chấp nhận; hoặc kháng cự quyết liệt; hoặc vừa gìn giữ văn hóa, vừa giải quyết linh hoạt, hài hòa quan hệ cổ truyền với truyền thống, vừa tiếp biến giá trị tích cực để củng cố sức mạnh của chính mình. Trong quá khứ mỗi khi bị xâm lăng văn hóa, cha ông chúng ta luôn chọn tình huống thứ ba, và rất thành công.

Nguyễn Hòa

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 07/07/2025

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT