Non nước Việt Nam

Tuyên Quang: Giữ gìn, phát huy sắc màu văn hóa các dân tộc

Cập nhật: 18/04/2020 11:57:39
Số lần đọc: 1131
Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng bảo tồn, khuyến khích đồng bào phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị các phong tục, tập quán đặc sắc, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.

Học sinh trường PTDT nội trú THPT tỉnh trong trang phục truyền thống. Ảnh: Cảnh Trực.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ngành Văn hóa tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội truyền thống; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương. Nhờ đó, nhiều phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc như Lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; kéo co truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... được khôi phục, bảo tồn, dần trở thành món ăn tinh thần độc đáo của nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Ở mỗi dân tộc đều có những lễ hội truyền thống riêng biệt, độc đáo, một nét sinh hoạt văn hóa lâu đời. Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm duy trì, phục dựng các lễ hội truyền thống các dân tộc như: Lễ hội Lồng tông ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình; lễ hội Cầu May đình Hồng Thái, lễ hội Cầu Mùa đình Tân Trào; lễ hội đình Như Xuyên, đình Thọ Vực (Sơn Dương); lễ hội Động Tiên - Chợ quê (Hàm Yên); lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn (Lâm Bình)... Qua đó, thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó, hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên.

Phụ nữ dân tộc Dao thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) thêu trang phục truyền thống.

Hiện toàn tỉnh có 2.600 tổ, đội văn nghệ; trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... được duy trì hoạt động thường xuyên. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng, bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô xã Ninh Lai (Sơn Dương) được thành lập từ năm 2009, sau 10 năm hoạt động, đến nay đã thu hút trên 100 thành viên tham gia. Ông Lục Văn Bảy, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai nói, Soọng cô là một thể loại hát ví, đối đáp gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Khi tiếng hát cất lên nghe dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm bổng làm say mê lòng người. Những câu hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu thủy chung vợ chồng, công lao ông bà, cha mẹ, răn dạy con cháu sống có nhân, có đức... Soọng cô được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Sán Dìu.

Thông qua các CLB bảo tồn văn hóa, nhiều lớp trẻ đã được truyền dạy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Từ đó, giúp các em thêm tự hào và tích cực đóng góp vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa ở địa phương. Em Hà Mai Anh, thành viên câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Thanh Tương (Na Hang) nói, tham gia CLB không chỉ giúp em thêm hiểu và yêu thích những làn điệu Then mà còn tiếp thêm cho em tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, chúng em còn được dạy thêu thùa, may trang phục truyền thống; làm các món ăn dân tộc, chơi các trò chơi dân gian; giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc thông qua giao tiếp hàng ngày.

Một buổi sinh hoạt của đội văn nghệ thôn Bản Tát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa).

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những nét đặc trưng vốn có còn thể hiện trên các hoa văn trang trí trên trang phục truyền thống các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Cao Lan... và được người dân sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, hay trong các dịp lễ, Tết. Những bộ trang phục mang vẻ đẹp, sự độc đáo riêng của từng dân tộc. Năm 2019, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Sơn Dương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là niềm tự hào của đồng bào Dao trong tỉnh. Bà Phượng Thị Lai, dân tộc Dao đỏ, xã Tân Thành (Hàm Yên) cho biết, trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.

Với sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, như phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống... đã được bảo tồn và phát huy giá trị.

Bài, ảnh: Dương Châu

 

 

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT