Non nước Việt Nam

Nghi lễ cấp sắc Tào của người Tày Bảo Lạc (Cao Bằng)

Cập nhật: 20/04/2020 08:14:42
Số lần đọc: 905
Tôi may mắn và bất ngờ khi được tham dự nghi lễ cấp sắc của anh Lãnh Sinh Trưởng, 26 tuổi, dân tộc Tày, xóm Nà Đỏm, xã Xuân Trường (Bảo Lạc). Lễ cấp sắc Tào là một đại lễ lớn trong các nghi lễ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nói chung của người Tày Bảo Lạc.  


Anh Lãnh Sinh Trưởng (áo xanh) đang thực hiện nghi lễ cấp sắc Tào.

Đón tiếp chúng tôi là chủ nhà Lãnh Trọng Huyến, bố của anh Trưởng - người đang được cấp sắc. Ông Huyến vui vẻ nói: Các anh từ xa đến cứ tự nhiên, tối nay ở lại ăn cơm với gia đình tôi, hôm nay tôi làm lễ cấp sắc cho con trai tôi để nó chính thức được làm nghề thầy Tào.

Nghề thầy Tào mang tính chất tâm linh có từ rất lâu đời, trở thành phong tục văn hóa đặc sắc trong đời sống của người Tày. Tuy nhiên đây cũng là nghề rất kén người, chỉ được truyền trong dòng họ hoặc ai có “duyên” mới theo nghề nhưng phải tuân thủ những quy định bắt buộc, nếu phạm phải một trong những quy định đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người thầy Tào và người thân trong gia đình, vì vậy người trẻ theo nghề thầy Tào hiện nay không có nhiều.

Để tổ chức buổi lễ phải xem ngày, sau đó chuẩn bị nhân lực phụ giúp ngày làm lễ, chủ yếu nhờ người thân, anh em, họ hàng giúp chuẩn bị nhưng nhất định phải có gạo nếp, gạo tẻ, gà, lợn, rượu. Trong buổi lễ, một người thầy làm lễ chính, một người phụ giúp thầy làm lễ cấp sắc cho người mới vào nghề; ngoài ra có các bà bụt ngồi hành lễ ở gian giữa nhà, tay phải cầm chùm sóc nhạc, tay trái cầm quạt. Những điệu múa nàng chàu cũng được thực hiện trong nghi lễ này, tay phải cầm chùm sóc nhạc theo nhịp chân bước, tay trái cầm quạt uốn quanh, có khi lại đưa tay sang hông di chuyển dần đều tiến hoặc lùi theo vòng, đó là những động tác cơ bản của điệu múa nàng chàu trong nghi lễ cấp sắc.

Theo quan sát, trong nhà có 4 bàn thờ khác nhau, bên tay trái ngay cửa vào có bàn thờ nhỏ đặt sát tường, dưới sàn có 6 bát gạo thắp hương, 6 chén rượu, 1 lồng gà, đặt trên cùng là 1 bó gạo nếp, 3 con gà đã luộc sơ qua, 1 con vịt sống đặt trong lồng đậy bằng 1 bó gạo nếp và lá bưởi. Những bậc thang làm bằng sống tàu lá chuối tượng trưng cho ngôi nhà của gia chủ, cùng những hình nhân cắt bằng giấy tượng trưng cho người được cấp sắc chứa đựng linh hồn.

Bàn thờ tiếp theo là bàn thờ hành lễ, được bố trí khá lạ mắt, phía trên dán giấy vàng, đỏ có ghi chữ Nho, bàn thờ chia làm 2 tầng khác nhau đều có bát hương đựng gạo, có một vài bát hương dựng trứng gà. Trên bàn đặt những quyển sách cổ viết toàn chữ Nôm. Tấm vải phủ lên bàn vẽ kỳ lân, rồng, hổ rất đẹp. Nghi lễ ban đầu để làm lễ cấp sắc sẽ thực hiện ở bàn thờ đó, thầy Tào chính đứng giữa, thầy phụ đứng bên cạnh cầm một chiếc chiêng sau mỗi lần đọc câu niệm chú, còn người được cấp sắc đọc theo sau nhịp của thầy Tào.

Bàn thờ ở giữa gian nhà là nơi dành cho các bà bụt, bà bụt chính ngồi ở giữa, bà bụt phụ ngồi cạnh, còn những người phụ giúp ngồi xung quanh. Khi hành lễ, bà bụt chính hát những làn điệu riêng, tay cầm quạt phe phẩy, còn những người phụ ngón tay đeo chuông hòa nhịp theo khiến cho buổi lễ mang nhiều màu sắc khác nhau.

Bàn thờ lớn hơn cạnh chỗ các bà bụt làm lễ là bàn thờ tổ tiên, được kê một chiếc bàn, bên dưới bàn thờ là nơi học chữ của người được cấp sắc trong vòng 40 ngày không được ra ngoài, khi muốn đi đâu phải được thầy Tào chính cho phép. Bàn thờ trang trí rất đẹp mắt, phông nền dán giấy màu vàng, ở giữa dán giấy màu đỏ ghi chữ Nho. Dưới sàn 1 con lợn tế, cùng 2 con gà luộc chín, 2 bát hương, 5 chén rượu. Đặc biệt là trên trần có dải lụa đỏ, xanh, 1 sợi chỉ đỏ kết nối từ bát hương chính của bàn thờ dọc qua lưng con lợn cho đến cuối đuôi.

Trong khi nghi lễ diễn ra, họ hàng của người được cấp sắc đến chung vui với gia đình, họ đem theo 1 bó lúa nếp, 1 nhánh lá bưởi cùng với những lời chúc tốt đẹp. Tất cả đồ vật họ mang đến được treo lên cây sào sát mép tường nhà tạo thành một hàng lúa nếp rất đẹp mắt.

Tranh thủ lúc thầy Tào nghỉ ngơi, mọi người được gia chủ mời rượu cùng những lời cảm ơn. Tôi đến trò chuyện với anh Lãnh Sinh Trưởng, người được cấp sắc để chính thức là một thầy Tào. Anh Trưởng cho biết: Đây là lễ cấp sắc đầu tiên của tôi, tôi đã đi theo thầy phụ việc từ năm 13 tuổi, hôm nay làm lễ cấp sắc để trở thành một thầy Tào chính thức. Sau này đi làm lễ theo thầy, tôi có thể thay thầy làm một số nghi lễ quan trọng.

Sau khi thầy Tào chính đọc sớ tấu lên các vị thần linh và tổ tiên, hoàn thiện xong các nghi lễ và tẩy rửa hết mọi ô uế trần tục, anh Trưởng sẽ được mặc một bộ đồ màu đỏ, một đai đỏ, đó chính là chiếc áo hào quang và bố mẹ sẽ là người mặc cho anh. Tiếp đó, anh Trưởng dùng một chiếc khăn màu đỏ để rửa mặt bằng nước lá bưởi, thể hiện sự biết ơn đấng sinh thành cùng sư phụ của mình, sau đó anh Trưởng mới quỳ lạy bố mẹ, quỳ lạy thầy Tào, quỳ lạy bà bụt, lạy 4 phương, 8 hướng mang ý nghĩa tạ ơn thần linh, trời đất.

Anh em họ hàng chúc mừng vì từ nay anh Trưởng là một thầy Tào người Tày thực thụ, có đủ phẩm chất, địa vị để thực hiện các nghi lễ tâm linh trong cộng đồng người Tày. Sau khi hoàn thành các nghi lễ, toàn bộ số giấy màu có ghi chữ Nôm đem dán trên xà nhà đều được xé xuống, những hình nhân đem đốt, còn những bó gạo nếp kèm lá bưởi vứt hết ra ngoài.

Được tham dự một buổi lễ cấp sắc linh thiêng là điều may mắn, có lẽ những người trẻ tuổi tiếp nối nghề thầy Tào như anh Trưởng không nhiều vì nghề này mang tính chất tâm linh, với nhiều quy định nghiêm ngặt không phải ai cũng theo được, anh Trưởng đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Tày.

 

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT