Tinh hoa ẩm thực nơi Đệ nhất danh Trà - Thái Nguyên
Nham trám béo ngậy
Người xưa có câu “ăn Bắc, mặc Nam”. Quả thực, ẩm thực miền Bắc không chỉ đa dạng, tinh tế, hấp dẫn, bắt mắt mà còn đem đến cho người thưởng thức những hương vị khó quên. Riêng với Thái Nguyên - nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển nông nghiệp và nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, ẩm thực mang bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo.
Từ quả trám đen bản địa, người dân Hà Châu đã sáng tạo ra nhiều món ăn dân dã, lạ miệng, hấp dẫn.
"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ mùa nham trám Hà Châu mà về". Ngày Thu tháng Tám đến với mảnh đất Phú Bình, được một lần thưởng thức nham trám Hà Châu, thì chắc hẳn sẽ không thực khách nào có thể quên hương vị của món đặc sản này. Vị ngậy bùi của trám, lạc, cùi dừa hoà quyện với vị ngọt thơm của thịt, cá, lá gừng, củ chuối và vị chát của lá nhội chấm với tương… tạo nên món ăn có một không hai của vùng Hà Châu (Phú Bình). Anh Tạ Quang Đăng, ở xóm Đông, xã Hà Châu, chia sẻ: Trám đen là loại quả được dân vùng Hà Châu gìn giữ như đặc sản riêng của quê hương. Ở làng chúng tôi, già trẻ ai cũng biết làm nham trám.
Không chỉ ở xã Hà Châu mà trám đen còn được bà con ở nhiều địa phương trong tỉnh chế biến thành rất nhiều món ăn ngon khác như: trám kho thịt, cá, trám om, nấu xôi, ngâm mắm... để phục vụ bữa ăn gia đình và trọng đãi thực khách gần, xa.
Bánh chưng - Linh khí đất trời
Trên hành trình khám phá tinh hoa ẩm thực Thái Nguyên, chúng tôi mời bạn ghé thăm làng nghề bánh chưng quanh năm đỏ lửa Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương). Các nghệ nhân trong làng vừa hối hả rửa lá, vo gạo, gói bánh vừa bật mí với chúng tôi: Bánh chưng Bờ Đậu trứ danh phải được làm từ gạo nếp vải ở xã Ôn Lương (Phú Lương) hoặc từ Định Hóa; đỗ xanh và thịt ba chỉ phải chọn loại tươi ngon. Và đặc biệt, nước luộc bánh phải được lấy từ đầu nguồn con suối đá phía sau làng thì bánh mới giữ nguyên màu xanh lá dong, hương vị đậm đà, riêng có so với các vùng miền. Có câu hát truyền tụng: “Bánh chưng luộc nước giếng thần/ Thơm ngon mùi vị có phần trời cho” mang theo niềm tự hào của người Bờ Đậu là vậy.
Bánh chưng vuông, bánh chưng dài chế biến từ gạo nếp ngon dẻo và hương, sắc của nhiều loại lá đã làm nên món ẩm thực riêng của Thái Nguyên. Món ẩm thực này giờ không chỉ được dùng trong những ngày lễ trọng hay bữa tiệc tư gia mà người dân bản địa đã xây dựng thương hiệu, để bánh chưng trở thành sản phẩm đặc sản tiêu thụ khắp muôn phương, bốn mùa trong năm.
Những món ẩm thực đa sắc mầu
Không chiếm số lượng lớn như dân tộc Kinh nhưng đồng bào Tày, Nùng, Dao, Cao Lan cũng có những món ăn riêng, độc đáo như: Bánh coóc mò, bánh ngải, bánh trứng kiến, bánh tro, bánh củ chuối, xôi ngũ sắc, cơm lam, khau nhục... góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng cho văn hóa ẩm thực vùng đất Thái Nguyên.
Các món ăn dân tộc góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng cho văn hóa ẩm thực vùng đất Thái Nguyên.
Trên thực tế, sức hấp dẫn của văn hóa ẩm thực Thái Nguyên không chỉ ở hương vị, màu sắc món ăn mà còn từ kinh nghiệm, kỹ thuật và cả những câu chuyện bí quyết nhà nghề. Anh Đinh Trọng Giang, Chi hội trưởng Chi hội ẩm thực tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Hiện, nhiều đơn vị kinh doanh ẩm thực, dịch vụ du lịch đã đưa đặc sản chè Thái Nguyên vào các nhà hàng, dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của người đầu bếp để tạo nên những món ăn độc đáo, hấp dẫn như: cá kho cốt trà, đậu trà xanh, soup ngọc bích trà xanh, panna cotta trà xanh, lẩu trà Thái…
Cũng bởi vậy mà ẩm thực đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu trải nghiệm về văn hóa, vùng đất và con người Thái Nguyên. Chị Nguyễn Thị Kim Nhung, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Mỗi lần đến Thái Nguyên đều cho tôi những trải nghiệm mới và đặc biệt ẩm thực. Bằng các cách thức chế biến “gia truyền” của người dân bản địa, các món ăn đều có hương vị rất riêng không nơi nào có được như: Lợn mẹt, gà - cá suối nướng, canh rau đắng, nộm rau dớn rừng… Đặc biệt, ngày càng có nhiều các món ăn từ trà xanh - sản phẩm đặc trưng của Thái Nguyên đã giúp trà không còn chỉ là “ẩm” mà còn trở thành “thực” để níu chân du khách đến với mảnh đất đặc biệt này.
Trong nhiều năm gần đây, từ những đặc sản truyền thống, người dân tại các địa phương trong tỉnh đã và đang xây dựng, phát triển thành những sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền để gìn giữ thương hiệu, đảm bảo chất lượng, đưa ẩm thực Thái Nguyên đến với đông đảo thực khách.
Hoài Anh