Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Đồng bộ giải pháp, vực dậy ngành du lịch

Cập nhật: 15/01/2021 13:55:07
Số lần đọc: 828
Trong năm 2021, ngành du lịch triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, cơ cấu lại ngành, nhất là thị trường khách và sản phẩm phù hợp.

Năm 2021, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 3 - 3,5 triệu lượt khách đến Huế

3 kịch bản phát triển

Dù mới trải qua một năm 2020 khó khăn, ngành du lịch Cố đô vẫn đặt mục tiêu phục hồi và phát triển khả quan trong năm 2021.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch phân tích, khách du lịch đến Huế năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào diễn biến dịch bệnh và khả năng kiểm soát dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới. Dù thế, 2021 là năm quyết định quan trọng trong việc phục hồi ngành du lịch Huế, duy trì đón khách nội địa và chuẩn bị sẵn sàng khi đón khách quốc tế trở lại.

Dựa vào những phân tích, đánh giá và nghiên cứu thị trường, ngành du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển du lịch năm 2021 với 3 kịch bản, gồm phương án thấp, trung bình và cao. Trong đó, nếu dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát tốt trong nước và quốc tế, các chỉ tiêu du lịch dự kiến sẽ như năm 2020, Huế sẽ đón khoảng 1,8 - 2 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa, bằng hoặc khả năng chỉ tăng 10% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, nếu dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt trong nước, nhưng chưa mở lại được nhiều đường bay quốc tế, mà chỉ ở một số thị trường gần, đã tương đối an toàn phòng dịch, thì dự ước năm 2021, Huế sẽ đón khoảng 3 – 3,5 triệu lượt khách; tăng hơn 75% so với cùng kỳ; trong đó, khách nội địa chiếm khoảng 80%; doanh thu du lịch tăng 60 - 70%.

Trong năm 2021, ngành du lịch cho biết sẽ xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới để thu hút khách

Còn khả năng dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước và trên thế giới, ở phương án này, dự kiến du lịch Huế sẽ phục hồi nhanh, đón khoảng 4 - 4,5 triệu lượt khách, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách nội địa chiếm khoảng 70 - 80%; doanh thu du lịch ước đạt gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Ông Lê Hữu Minh cho rằng, trong 3 kịch bản, phương án đón khoảng 3 – 3,5 triệu lượt khách là khả quan hơn cả. Do đó, các chính sách, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch cũng sẽ được tập trung xoay quanh kịch bản này. Trong năm 2021, các thương hiệu du lịch “Huế - thành phố của lễ hội”, “Huế - Kinh đô ẩm thực” và “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” được tiếp tục xây dựng, tạo động lực nhằm góp phần thu hút khách với Huế.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Lãnh đạo ngành du lịch nhìn nhận, để hoàn thiện các mục tiêu trên không phải dễ dàng, bởi những khó khăn, thách thức còn rất lớn ở phía trước. Đặc biệt, ngành du lịch không thể nắm thế chủ động, mà phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, không chỉ trong tỉnh mà trong nước và thế giới.

Dù thế, nhiều giải pháp sẽ được triển khai một cách đồng bộ, kịp thời nhằm phục hồi và phát triển ngành “công nghiệp” không khói. Trước hết là triển khai các cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ, kích cầu, phát triển du lịch đối với doanh nghiệp, người lao động, như miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho vay, khoanh nợ đối với các doanh nghiệp du lịch. Chính sách giảm 50% phí tham quan các điểm di sản trong năm 2021, trước mắt là 6 tháng để đánh giá tình hình, miễn phí các điểm di tích trong một số sự kiện đặc biệt trong năm.

“Giải pháp quan trọng nhất, tăng khả năng thu hút khách luôn là sản phẩm du lịch. Trong năm 2021, ngành du lịch sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sẵn có và hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng, như tổ chức các sự kiện, lễ hội phục vụ du lịch: Festival Nghề truyền thống Huế, Liên hoan phim lần thứ XXII, Ngày hội áo dài Huế, Lễ hội ẩm thực Huế, lễ hội Lân, Sen, Hiphop, các giải thể thao... Xây dựng các sản phẩm mới, tập trung sản phẩm sinh thái, cảnh quan, điểm đến vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch nội địa. Làm mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch di sản bằng cách huy động nhiều nguồn lực đầu tư khai thác các dịch vụ về đêm tại Đại Nội và khu vực phụ cận. Tăng cường các loại hình dịch vụ trải nghiệm cung đình ở Đại Nội và các điểm di tích; kết hợp một số điểm đến sinh thái, giáo dục, tâm linh và bối cảnh phim trường trong chương trình tour truyền thống. Phát triển mạnh các dịch vụ du lịch trên sông Hương, cũng như hai bờ sông Hương. Xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy dọc theo sông Ngự Hà, sông An Cựu, sông Đông Ba…”, ông Lê Hữu Minh thông tin.

Cần xây dựng chiến lược dài hạn cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức mới, nhất là quảng bá trực tuyến trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp là mục tiêu hướng đến. Tập trung quảng bá trực tuyến trên các trang mạng xã hội, website du lịch; quảng bá “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài” thông qua các kênh mạng xã hội, các blogger, youtuber và KOLs nổi tiếng (những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng).

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Xúc tiến Du lịch tỉnh chia sẻ, trong năm 2021, cuộc thi ảnh “Huế trong tôi” theo từng chủ đề riêng biệt và theo từng tháng bằng hai hình thức ảnh đẹp, clip đẹp sẽ được tổ chức. Trung tâm cũng sẽ tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presrtrip và các hội chợ, road show quy mô lớn tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm thu hút thị trường khách nội địa. Liên kết, hợp tác kích cầu, phục hồi phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước, đặc biệt liên kết 5 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành du lịch Huế chỉ đón được 1,7 triệu lượt khách, giảm 65% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế ước đạt khoảng 558 ngàn lượt, đạt khoảng 25,56% so với cùng kỳ; khách do các cơ sở lưu trú phục vụ ước khoảng 1 triệu lượt, đạt khoảng 45% so với năm 2019.

          Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục