Hoạt động của ngành

Tạo sinh kế bền vững từ du lịch ở Hoàng Su Phì, Hà Giang

Cập nhật: 21/10/2020 14:56:44
Số lần đọc: 882
Mảnh đất phía Tây của tỉnh Hà Giang – Hoàng Su Phì từ lâu đã nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình cùng những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp đã được công nhận di sản cấp quốc gia. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền trong việc tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã góp phần đem đến diện mạo mới cho cuộc sống của đồng bào nơi đây. Những bản làng bình yên nằm dưới thung sâu đang dần được đánh thức bởi bước chân của du khách…


Homestay của anh Phạm Đức Hiếu, xã Bản Phùng thu nhập 200 triệu đồng/năm.

Làng văn hóa du lịch thôn Na Léng, xã Bản Phùng thời điểm này đang thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang mùa lúa chín. Khác với nhiều năm trước, người dân thường “mạnh ai nấy làm”, cấy nhiều loại giống và thời điểm khác nhau nên lúa thường chín không đều. Những năm gần đây, được sự tuyên truyền của lãnh đạo xã, bà con đã áp dụng “5 cùng” trong sản xuất: Cùng một loại giống, cùng thời điểm, cùng chăm sóc, cùng bón phân và cùng thu hoạch nên hạn chế được sâu bệnh hại, đem lại năng suất lúa cao hơn. Không những thế, những sóng lúa chín vàng đồng đều trải dài ngút mắt còn tạo cảnh quan tuyệt đẹp, thu hút đông đảo khách du lịch. Đồng chí Triệu Tiến Quang, Bí thư Đảng ủy xã Bản Phùng cho biết: Nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch sẵn có, những năm qua, xã đã tích cực vận động người dân chú trọng áp dụng “5 cùng” trong sản xuất để tạo cảnh quan đẹp khi vào mùa lúa chín. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Đến nay, xã có 6 hộ làm dịch vụ homestay, thu nhập đạt từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong đó, điển hình phải kể đến homestay của anh Phạm Đức Hiếu. Hiện, gia đình anh đang đầu tư 3 ngôi nhà để làm dịch vụ với tổng chỗ nghỉ khoảng 200 lượt khách/đêm. Không chỉ phục vụ chỗ nghỉ, anh còn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực tại chỗ của du khách. Vào cao điểm mùa lúa chín, gia đình anh thuê từ 5 – 7 lao động thời vụ. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. Anh Hiếu tâm sự: Được sự tuyên truyền của lãnh đạo xã, tôi đã mạnh dạn đầu tư 3 homestay phục vụ du lịch. Sau một thời gian đi vào hoạt động, đã đem lại thu nhập khá cho gia đình. Không những vậy, còn góp phần giải quyết việc làm thời vụ cho người dân trong thôn.

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao đỏ, những năm gần đây, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên đang khoác lên mình diện mạo mới nhờ phát triển du lịch cộng đồng. Sau khi thành lập HTX Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng vào năm 2017, 100% hộ dân trong thôn đều tham gia làm du lịch từ xe ôm, hướng dẫn viên, hỗ trợ nấu ăn, biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách, nhờ đó các hộ đều có nguồn thu từ 30 – 50 triệu đồng/năm. Đặc biệt, gia đình anh Triệu Mềnh Kinh đã mạnh dạn kết hợp cùng một số thành viên HTX xây dựng 2 khu nghỉ dưỡng bungalow đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Những năm gần đây, các hộ dân trong thôn đã đổi thay nhiều trong nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển dịch vụ homestay. Nhờ đó cuộc sống ngày càng được nâng lên, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống chỉ còn 5%.

Đến nay, toàn huyện có 7 làng văn hóa du lịch cộng đồng được huyện phê duyệt, trong đó có 1 làng văn hóa du lịch tiêu biểu đã được UBND tỉnh công nhận. Có 14 hộ được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở, mua sắm vật dụng để kinh doanh dịch vụ homestay với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Trên 50 mô hình homestay đang hoạt động, đem lại nguồn thu từ 80 – 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc tập trung xây dựng các cụm du lịch, kết nối tour tuyến với các công ty lữ hành trong cả nước, huyện Hoàng Su Phì đang tích cực phát huy những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc bản địa nhằm tạo điểm nhấn thông qua hình thái du lịch văn hóa, trải nghiệm đời sống lao động, sản xuất cũng như các hoạt động văn hóa giàu bản sắc của người dân nơi đây.

Từ năm 2010 đến nay, lượng khách đến với huyện Hoàng Su Phì tăng bình quân 25%/năm, doanh thu từ du lịch – dịch vụ tăng đáng kể, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện, Nguyễn Việt Tuân cho biết: Việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng đã tạo bước đột phá trong lĩnh vực du lịch của huyện. Nhận thức của người dân về khai thác dịch vụ - du lịch bền vững ngày càng được nâng cao. Các hộ đã chủ động trong việc đầu tư, mua sắm xây dựng homestay, tự học thêm ngoại ngữ cũng như các kỹ năng làm du lịch, có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như bảo vệ môi trường. Nhờ đó, đã tạo việc làm, tăng thu nhập; mang lại những thay đổi tích cực trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM ở địa phương.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục