Hoạt động của ngành

Quảng Trị chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa

Cập nhật: 10/09/2024 15:06:05
Số lần đọc: 316
Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích; giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của các di tích trên địa bàn tỉnh. 


Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa các cấp đã được quy hoạch, bảo tồn, phát triển với nhiều địa danh là điểm đến nổi tiếng như Thành Cổ Quảng Trị, Dốc Miếu, Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, Vịnh Mốc, Đường 9, Khe Sanh, Tà Cơn... những di tích này không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống, văn hóa cho nhân dân, mà còn tạo nên điểm đến độc đáo, phục vụ khách du lịch. 

Với những giá trị quan trọng của những di tích trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị xác định rõ việc xây dựng các điểm đến trên trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt, đó là trải nghiệm di tích lịch sử, văn hóa. Công tác phát triển du lịch tại di tích lịch sử, văn hóa gắn với các tour, tuyến được tỉnh luôn quan tâm. Tháng 12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 167/NQ-HĐND về đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. 

Sau gần 3 năm triển khai công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh đã được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc cắm mốc, khoanh vùng, cắm bia, biển, nhiều điểm di tích đã được số hóa bằng quét mã QR code. Công tác quy hoạch, lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý được các đơn vị, địa phương chú trọng.

Công tác quy hoạch 03 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Di tích thành phần Cảng Quân sự Đông Hà; Di tích Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh được quan tâm triển khai thực hiện. Công tác xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, tôn tạo các di tích được các địa phương chú trọng và tích cực thực hiện, huy động nhiều nguồn đóng góp. Công tác khảo sát, lập nhiệm vụ quy hoạch, lập dự án đầu tư, xây dựng đề cương trưng bày, sưu tầm hiện vật đối với 04 di tích quốc gia dự kiến xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và các nguồn xã hội hoá đang được triển khai gắn với Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí là 124.600 triệu đồng, tuy nhiên đến nay đang chờ Chính phủ phân bổ kinh phí để thực hiện.

Tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích; giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của các di tích trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 167/NQ-HĐND trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn: Việc bố trí kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn chậm và đạt thấp so với mục tiêu của nghị quyết đề ra; nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí hàng năm chưa đảm bảo theo danh mục đầu tư và lộ trình thực hiện Nghị quyết 167/NQ-HĐND. 

Đến tháng 6/2024, UBND tỉnh mới phân bổ 3.670 triệu đồng vốn ngân sách tỉnh để đầu tư, tôn tạo di tích và 820 triệu đồng để hoàn thành hồ sơ khoa học trên kế hoạch 35.338 triệu đồng, đạt khoảng 12,7% so với chỉ tiêu nghị quyết. Công tác quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, dẫn đến một số nghị quyết HĐND tỉnh về phê duyệt chủ trương đầu tư công đối với các di tích quốc gia đặc biệt như: Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị chậm được tổ chức thực hiện. Di tích Cảng quân sự Đông Hà có diện tích là 1.552,6 ha, hiện nay đang là bãi đất trống, chưa thực hiện cắm mốc, lập hồ sơ pháp lý, khoanh vùng bảo vệ, gây mất mỹ quan đô thị và có nguy cơ mất dấu gốc của di tích.

Nhiều di tích đã được xếp hạng nhưng xuống cấp, hư hỏng, chưa được bố trí kinh phí đầu tư, tôn tạo, tu bổ nên không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Việc thực hiện các thủ tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích còn một số vướng mắc, nhất là ở các cơ quan chuyên môn cấp huyện, song chưa kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ nên khó khăn trong công tác phân bổ vốn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nghị quyết.

Việc hoàn thiện hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý đã được các địa phương triển khai tích cực, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt tiến độ của nghị quyết; một số di tích loại hình lịch sử chưa xác định cụ thể về vị trí và di tích loại hình khảo cổ chưa được cơ quan có thẩm quyền xác định quy mô, diện tích hoặc đang có sự chồng lấn về đất đai nên không có cơ sở lập hồ sơ pháp lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích, trong đó có các di tích đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia.  

Nhiều di tích còn lại hiện nay là phế tích chưa được rà soát cụ thể để đưa ra khỏi danh mục. Công tác cắm bia, biển được phân cấp cho các địa phương nhưng chưa thực sự được chú trọng, một số di tích thông tin trích dẫn trên bia, biển chưa chính xác, thiếu sự thống nhất về hình thức và nội dung, hình mẫu nên mỗi địa phương có cách làm khác nhau. Nguyên liệu sử dụng làm bia, biển một số nơi chưa đảm bảo chất lượng, chưa phù hợp với quy mô, tính chất của các di tích.

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết số 167/NQ-HĐND, Ban Văn hóa Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh kiến nghị: UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo bố trí kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện nghị quyết đúng tiến độ và đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2022 - 2025. Chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư đúng quy định để kịp thời phân bổ vốn đầu tư, tôn tạo các di tích đã được HĐND tỉnh thông qua. Sớm hoàn thành công tác quy hoạch đối với các di tích Quốc gia đặc biệt để tập trung đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công đã bố trí trong giai đoạn 2020-2025.

Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích, trong đó chú trọng công tác hoàn thiện hồ sơ pháp lý, hồ sơ khoa học của các di tích. Chủ động phối hợp với các địa phương rà soát đưa ra khỏi danh mục các di tích không phát huy được giá trị hoặc các thông tin lịch sử chưa chính xác. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về công tác đầu tư theo kiến nghị của các địa phương. Nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định về phân cấp quản lý nhà nước đối với các di tích.  

UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của nghị quyết, huy động nguồn lực xã hội trong công tác bảo tồn, tôn tạo, đầu tư nhằm phát huy giá trị của di lịch. Quan tâm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư, tôn tạo gắn với phát huy hiệu quả của các di tích lịch sử trên địa bàn. 

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án được giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) giai đoạn 2021 - 2025 cho danh mục thuộc Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030,  UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai các dự án thuộc lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Quảng Trị.

Theo đó, yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung hoàn thành thủ tục đầu tư, chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch tiến độ tổng thể, chi tiết (theo hướng rút ngắn quy trình), phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách và cử công chức, viên chức bám sát, theo dõi tiến độ thực hiện các dự án: Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; Công viên Thống Nhất tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và các dự án thành phần thuộc dự án Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng trọng điểm tỉnh Quảng Trị.

Đồng thời chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm tổ chức thi công, giải ngân theo kế hoạch vốn được giao.

Các Sở Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng và Công an tỉnh cùng các đơn vị liên quan ưu tiên bố trí nhân lực, tập trung thẩm định các dự án mục thuộc Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030 và các dự án thành phần thuộc dự án Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng trọng điểm tỉnh Quảng Trị (gồm: Dự án Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị và dự án Khu di tích Địa đạo Vịnh Mốc) trong thời gian ngắn nhất để sớm triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

Lê Ban

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 09/9/2024

Cùng chuyên mục