Hoạt động của ngành

Quảng Nam phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 12/06/2019 15:04:12
Số lần đọc: 1070
Phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có, huyện Duy Xuyên đã và đang tập trung đầu tư hoàn thiện mạng lưới hạ tầng, xây dựng sản phẩm đặc trưng nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, qua đó góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh và bền vững.

Đầu tư hạ tầng

Xác định du lịch là ngành quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, huyện Duy Xuyên đã xây dựng đề án cụ thể và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT Duy Xuyên cho biết, những năm qua địa phương đã triển khai từng hạng mục trong quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn như hoàn thành kết cấu hạ tầng trung tâm du lịch tại khu vực Khe Thẻ, bao gồm: nhà dịch vụ đa năng, bãi giữ xe và mua sắm mới xe điện, thông tin quảng cáo…

Ông Minh nói: “Đến cuối năm 2018, hạ tầng giao thông đã cơ bản kết nối tất cả điểm đến trên địa bàn Duy Xuyên. Nhiều dự án quy hoạch đô thị, khu dân cư đã và đang hoàn thành như khu đô thị - phố chợ Nam Phước, khu đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa, khu dân cư Kiểm Lâm, khu dịch vụ - thương mại Thu Bồn, chợ Trà Kiệu, khu đô thị đông cầu Chìm. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, khách sạn được các doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện cho phát triển du lịch của huyện. Ngoài ra, địa phương đã phục dựng căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà, trùng tu Khu di tích quốc gia Vĩnh Trinh với tổng kinh phí 57 tỷ đồng”.

Trong chiến lược phát triển du lịch, huyện Duy Xuyên phát huy lợi thế Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, lấy đây làm điểm nhấn, hạt nhân tạo ra sự kết nối với các điểm du lịch khác như làng nghề tráng bánh Thọ Xuyên (Duy Châu), làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu, các vườn rau sạch tại Duy Phước, làng nghề nước mắm Duy Hải, làng chiếu Bàn Thạch (Duy Vinh), nghề gốm Duy Hòa. Đặc biệt, xây dựng được nhiều sản phẩm phục vụ du lịch mang đậm bản sắc văn hóa và đặc trưng bản địa như lụa Mã Châu, trà lá sen, thịt heo sạch, chiếu cói, gốm sứ...

Ông Đặng Văn Minh nói: “Hai năm qua, lượng khách du lịch đến Duy Xuyên không ngừng tăng. Nếu năm 2017 huyện đón 359.182 lượt khách thì năm 2018 tăng lên 397.483 lượt, trong đó riêng Mỹ Sơn chiếm hơn 98%. Theo thống kê, bình quân hằng năm nguồn thu từ dịch vụ du lịch đạt không dưới 57 tỷ đồng, góp phần quan trọng để đầu tư lại cho công tác quản lý, bảo tồn di tích và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật. Đồng thời tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư xung quanh các điểm du lịch”.

Hướng đến phát triển bền vững

Bức tranh kinh tế du lịch Duy Xuyên ngày càng xuất hiện nhiều gam màu sáng nhưng để tạo tốc độ phát triển nhanh, bền vững theo đúng định hướng, địa phương đang gặp không ít thách thức. Theo đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thấy hết tầm quan trọng của kinh tế du lịch, chưa biết quý trọng tài nguyên, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan làng quê, làng nghề. Một số quy hoạch làng nghề triển khai thực hiện chậm, thiếu đồng bộ và chồng chéo. Mặt khác, tâm thế của cộng đồng về làm du lịch chưa được chuẩn bị chu đáo, sản phẩm làng nghề còn nghèo về chủng loại, mẫu mã chưa gắn liền với nhu cầu và thị hiếu khách du lịch nên khó khăn trong khôi phục, phát triển.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, chất lượng quy hoạch vùng, xã còn kém, hiệu quả chưa cao, nguồn lực đầu tư ít so với nhu cầu thực tiễn. Ngoài ra, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, nhất là tại các xã Duy Nghĩa và Duy Hải...

“Để tạo cú hích cho ngành du lịch phát triển, huyện Duy Xuyên cần rà soát lại quy hoạch, xây dựng 3 xã Duy Phước, Duy Thành, Duy Vinh trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch. Mặt khác, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng, tạo chuỗi du lịch từ đông sang tây, riêng Mỹ Sơn cần có thêm sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách vào ban đêm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện với du khách thập phương. Ngoài ra, Duy Xuyên cũng sẽ tăng cường sưu tầm, xuất bản sách, tập nhạc về vùng đất và con người nơi đây” - ông Dũng nói.

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, Duy Xuyên cần khảo sát lại toàn bộ các danh lam thắng cảnh, tập trung giữ gìn các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề và chú trọng xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. “Lấy Mỹ Sơn làm hạt nhân tạo sự liên kết với các điểm du lịch khác, nhất là tăng cường hợp tác với TP.Hội An trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh. Cùng với đó, các cấp, các ngành phải vào cuộc đồng bộ, tâm huyết trong phát triển loại hình kinh tế này. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia và hưởng lợi, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển bền vững” - ông Cường nói thêm. Theo thống kê, đến nay huyện Duy Xuyên đã thu hút được 11 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng nguồn vốn đăng ký lên đến 5.349 tỷ đồng./.

Nguồn: Baoquangnam.vn

Cùng chuyên mục