Hoạt động của ngành

Phú Thọ: Việt Trì bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 19/02/2021 07:46:33
Số lần đọc: 721
Những năm gần đây, thành phố Việt Trì đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ, khai thác tốt tiềm năng sẵn có về lịch sử, văn hóa, môi trường sống để phát triển du lịch, phấn đấu sớm trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô thu hút đông du khách.

Trên địa bàn thành phố hiện có tổng số 164 di sản văn hóa, trong đó có 117 di sản văn hóa vật thể, 47 di sản văn hóa phi vật thể.  Đến nay có 54 di tích và cụm di tích đã được xếp hạng bao gồm: 1 di tích xếp hạng cấp đặc biệt Quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 40 di tích xếp hạng cấp tỉnh thuộc 4 loại hình: Di tích khảo cổ; di tích lịch sử; di tích kiến trúc nghệ thuật; danh lam thắng cảnh. Bên cạnh Di tích lịch sử Đền Hùng thì nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố đã được đầu tư tôn tạo và sử dụng hiệu quả như đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình Bảo Đà (phường Dữu Lâu), đền Tam Giang và chùa Đại Bi (phường Bạch Hạc), đình Cổ Tích (xã Hy Cương), khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Chu Hóa), đình Ngoại Lâu Thượng (xã Trưng Vương), các di tích liên quan đến di sản Hát Xoan (Miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Kim Đới, Đình Thét)... Những di sản văn hóa vật thể gìn giữ, đầu tư, tôn tạo chính là gìn giữ không gian thực hành cho các di sản văn hóa phi vật thể.

Trong số 47 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 5 loại hình là nghệ thuật trình diễn văn hóa dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian thì có tới 35 lễ hội được tổ chức hàng năm như lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa, lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô, lễ hội cướp bông ném chài đền Văn Luông, lễ hội ông Khiu bà Khiu, lễ hội đình Hùng Lô… được tổ chức vào các dịp đầu Xuân, thu hút khách du lịch đến với Việt Trì. 

Trong các di sản văn hóa phi vật thể còn được lưu giữ, Phú Thọ có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Trong các di sản văn hóa phi vật thể thì Hát Xoan có sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Cả 4 phường Xoan gốc đều ở trên địa bàn thành phố Việt Trì cùng với rất nhiều nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân đang góp phần gìn giữ,  thực hành và trao truyền di sản Hát Xoan. 

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch cho biết: “Phường Xoan An Thái của chúng tôi thường xuyên trình diễn Hát Xoan phục vụ du khách tại đình Hùng Lô. Đây là hoạt động thiết thực vừa để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, đồng thời cũng là để quảng bá văn hóa vùng Đất Tổ với du khách trong nước, quốc tế”.

Là vùng đất có nhiều di sản văn hóa, Việt Trì đã khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là những di sản để tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa. Một số di tích đang trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp vào phát triển du lịch và kinh tế - xã hội. Sản phẩm du lịch “City tour Việt Trì” mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, mang tính chiều sâu về văn hóa, tín ngưỡng tâm linh thờ Hùng Vương, thưởng thức Hát Xoan và đời sống cư dân vùng đất cổ. Các điểm được du khách lựa chọn nhiều khi đến với Việt Trì bao gồm: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Làng cổ và đình cổ Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn và các địa điểm trình diễn Hát Xoan làng cổ... 

Để trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thành phố Việt Trì tập trung xây dựng không gian trung tâm lễ hội tại 3 khu vực chính: Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng - Trung tâm thành phố Việt Trì - Bến Gót, Bạch Hạc đồng thời xây dựng, phát triển không gian trung tâm lễ hội các khu vực xã, phường được gắn liền với các trung tâm công cộng, các điểm lễ hội tại khu dân cư, khôi phục các làng nghề truyền thống, nâng cao ý thức của người dân- chủ thể gìn giữ, bảo tồn các di sản, phát triển các loại hình du lịch mới, phù hợp với điều kiện của thành phố. Xây dựng các chương trình, tuyến du lịch kết nối các điểm di tích, di sản trong và ngoài tỉnh.

Phương Thanh

 

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục