Hoạt động của ngành

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc dự Hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh

Cập nhật: 25/04/2022 10:39:47
Số lần đọc: 1962
(TITC) - Ngày 22/4, tại TP. Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh" năm 2022.

Tham dự hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các sở, ban, ngành, và doanh nghiệp của tỉnh; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam; các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp từ Mỹ tham gia và đầu tư vào Thừa Thiên Huế… Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự và phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị

Sau một buổi làm việc với 03 phiên thảo luận theo các chuyên đề và 01 phiên cấp cao, các đại biểu đã trao đổi về các chủ đề như du lịch, nông nghiệp và môi trường, điện và năng lượng, hướng đến những giải pháp để phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Theo đó, hướng phát triển nông nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trước hết là trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sau đó là các loại rau, hoa, cây ăn quả và cây dược liệu. Phát triển chăn nuôi trang trại và gia trại đảm bảo an toàn sinh học đối với các vật nuôi chủ lực. Tiếp tục phát triển trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý, trên cơ sở chú trọng phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, đồng thời củng cố tổ chức hợp tác xã để làm hạt nhân trong các khâu kiên kết. Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là rà soát ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý, quy trình sản xuất theo từng lĩnh vực của ngành…

Về du lịch xanh, cần được phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Để du lịch xanh trở thành một trong những sản phẩm chủ đạo của tỉnh trong thời gian đến, ngành du lịch tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện với môi trường; không làm tổn hại đến các giá trị tài nguyên; không làm biến tướng, mất đi các giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản; không đánh đổi tài nguyên, môi trường với phát triển du lịch bằng mọi giá…

Toàn cảnh Hội nghị

Đối với điện và năng lượng, các chuyên gia, đại biểu cho rằng, tỉnh đang có tiềm năng điện mặt trời trên mặt đất và mặt nước; có thể phát triển điện khí, điện gió trong tương lai.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội nghị và khẳng định tăng trưởng xanh là một chủ đề quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đang khởi động lại sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Du lịch là một lĩnh vực kinh tế tiêu biểu mà thông qua đó có thể thúc đẩy các hướng tăng trưởng xanh một cách bền vững.

Thông tin đến các đại biểu dự hội nghị, Phó Tổng cục trưởng cho biết giai đoạn 2015-2019, du lịch Việt Nam có sự phát triển ngoạn mục, được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào nhóm các quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng lượng khách, đạt 21%-25%/năm. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa. Mặc dù đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ và giảm đà tăng trưởng nhưng hiện nay, du lịch đang dần khôi phục nhanh chóng ở các địa phương trên cả nước.

Du lịch, dịch vụ là những ngành kinh tế quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ vai trò vị trí của ngành du lịch. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có quan điểm “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế)

Để thúc đẩy hướng tăng trưởng kinh tế xanh, những năm qua, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã định hướng cho các địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường; quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2022 đã được Bộ VHTTDL xác định là “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” nhằm thúc đẩy các hoạt động ở Quảng Nam và các địa phương trong cả nước theo hướng du lịch xanh.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc khẳng định, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương trọng điểm của du lịch Việt Nam, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển du lịch của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Cùng với các địa phương trong cả nước, việc đẩy mạnh phát triển du lịch xanh ở Thừa Thiên Huế là định hướng quan trọng, mang tính bền vững, hướng đến phát triển kinh tế xanh. Phát triển kinh tế du lịch ở các địa phương trọng điểm với những cách làm, những mô hình du lịch xanh tiêu biểu chính là những điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế xanh. 

Vui mừng tham dự hội nghị, Phó Tổng cục trưởng bày tỏ hy vọng kết quả hội nghị sẽ góp phần vào việc thúc đẩy các hành động cụ thể, đề xuất những giải pháp thiết thực và gắn kết các đối tác cho một tương lai tăng trưởng kinh tế xanh và bền vững. Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch luôn đồng hành cùng các Bộ, ngành, các địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp trong các hành động thúc đẩy sự phát triển bền vững, vì một nền kinh tế xanh.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và cho biết hiện nay tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư vào 4 khu vực trọng điểm, đó là Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Khu công nghiệp tỉnh, Khu đô thị mới An Vân Dương, các khu vực ven biển.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế)

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh mong muốn đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp Thừa Thiên Huế và doanh nghiệp Mỹ, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, tiếp cận với các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư và công nghệ quốc tế để giới thiệu và kết nối đến cộng đồng địa phương và ngược lại; tạo cơ hội gặp gỡ trực tiếp giữa các nhà đầu tư; hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động hợp tác, giao lưu, cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh; giới thiệu quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế, tranh thủ nguồn đầu tư của Mỹ trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển Thừa Thiên Huế thành một thành phố văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, xanh và thông minh trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trung tâm Thông tin du lịch/Vụ KHTC

Cùng chuyên mục