Tin tức - Sự kiện

Phát triển tour du lịch tham quan làng nghề

Cập nhật: 19/12/2019 08:38:26
Số lần đọc: 905
Gắn với du lịch, các làng nghề ở Huế đã tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Thế nhưng, hướng đi đầy triển vọng này vẫn còn thiếu mặn mà từ nhiều phía.

Khơi dậy đam mê

10 năm trở lại đây, du lịch phát triển, làng hương Thủy Xuân trở thành điểm đến hấp dẫn. Hiện, mỗi ngày có hàng chục đoàn khách du lịch ghé thăm. Nếu trước đây, chỉ có hai màu nâu và đỏ, nay để bắt mắt du khách, những người thợ đã tìm cách nhuộm hương thành nhiều màu. Từng bó hương với đủ loại màu sắc đã "níu chân" nhiều du khách.

Nếu làng hương Thủy Xuân phát triển nhờ vào lượng khách du lịch tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh ngày càng nhiều thì làng nón Phú Cam lại là khát khao của du khách muốn tận mắt nhìn thấy nơi làm ra chiếc nón bài thơ xứ Huế.

Câu chuyện về cô gái Trần Thị Thúy, chỉ còn tay trái vẫn vượt qua số phận, dày công làm nên thương hiệu “Nón Thúy”. Năm 2004, cô Thúy đại diện cho nghề nón Việt Nam, mang 500 chiếc nón sang Yokohama (Nhật Bản) dự Lễ hội Văn hóa Du lịch Việt Nam và trình diễn nghề làm nón.

Cùng với làng nón và làng hương, còn có làng đúc Thủy Xuân cũng là địa điểm không thể bỏ qua của du khách. Chưa kể, nhiều làng nghề ven Huế như tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, cẩn khảm xà cừ Địa Linh…, tạo nên những sản phẩm đặc trưng, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa vùng đất Cố đô.

Đến Huế, tự tay chằm nón, làm hương hay xem đúc đồng… giờ đã là đam mê của bao người. Hai từ du lịch không chỉ gói gọn trong việc đi tham quan từ thắng cảnh này đến thắng cảnh khác mà còn là sự trải nghiệm văn hóa, đặc trưng bản sắc của vùng đất Huế đến từ các làng nghề.

Vang danh từ Festival Nghề truyền thống

Một trong những điểm nhấn của Huế gần đây là việc tổ chức thành công 8 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế (NTTH). Qua các kỳ festival, hầu hết các nghề và làng nghề truyền thống tiêu biểu của Huế đều tích cực tham gia.

Chủ đề của Festival NTTH năm 2005 là nghề thêu và nón lá. Năm 2007, tôn vinh nghề đúc đồng, kim hoàn và chạm khắc. Năm 2009 là cuộc gặp gỡ những nghệ nhân của nghề gốm, pháp lam và sơn mài. Năm 2011, ẩm thực - cây kiểng trở thành điểm nhấn. Từ năm 2013 đến nay, Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế xác định không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề được cố định tổ chức tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kết nối với công viên Tứ Tượng, công viên 3/2.

Ba ngành nghề gồm điêu khắc gỗ, pháp lam và phục dựng trang phục áo dài của Huế tham gia triển lãm tại thành phố Cheongju (Hàn Quốc). Đó là dẫn chứng sinh động cho thấy, hiệu ứng mà các kỳ festival nghề truyền thống Huế, không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và tôn vinh nghệ nhân mà lớn hơn, đó là đưa sản phẩm làng nghề Huế đến với bạn bè quốc tế.

Qua mỗi kỳ Festival nghề truyền thống Huế, một số sản phẩm mới được hình thành và có chiều hướng phát triển tốt như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ giấy trúc chỉ, tranh dán đá, tranh vẽ trên lụa, tranh thư pháp, tranh sáo tre, ứng dụng nghề thủ công truyền thống vào sản xuất giày dép thời trang… đã góp phần làm phong phú thêm cho hàng thủ công mỹ nghệ Huế.

Cần bước đột phá

Khuyến khích làng nghề làm du lịch, UBND TP. Huế đã ưu tiên quỹ đất để hình thành cụm công nghiệp và làng nghề An Hòa, các trung tâm giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Huế trên địa bàn nhằm giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và đặc sản Huế phục vụ người dân và du khách.

Năm 2018, UBND TP. Huế tổ chức hội thi tuyển chọn thiết kế sản phẩm quà tặng từ logo Huế và thiết kế bao bì cho sản phẩm mè xửng và quả thanh trà Huế. Đó là những việc làm rất đáng ghi nhận.

Có tiềm năng lớn và đã đạt được những thành công nhất định gắn với tên tuổi một số làng nghề và đặc biệt là festival NTTH nhưng phát triển du lịch làng nghề ở Huế vẫn đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Cả du khách và doanh nghiệp đều không mấy mặn mà trong việc thiết kế và tham gia tour chuyên biệt đến với các làng nghề. Người dân chưa quan tâm nhiều về tiếp thị, cách tiếp cận khách du lịch. Thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, một số nghề và làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một.

Nguyên Giám đốc Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế - nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng: "Giải pháp trước mắt là khi quy hoạch phát triển các nghề và làng nghề phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quy hoạch phát triển du lịch địa phương; phát triển thị trường và thương hiệu cho các làng nghề; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm, ý thức bảo vệ môi trường...".

Ðể làm được điều này, TP. Huế cần lựa chọn những làng nghề phù hợp để tiến hành quy hoạch không gian làng nghề và đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi nghề, mà còn biết trình diễn và tham gia các hoạt động quảng bá du lịch. Chú ý các tour du lịch làng nghề và có cơ chế chính sách hỗ trợ cho làng nghề bảo tồn và phát triển. Làng nghề cần kết nối với các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành là điều kiện tốt để phát huy thế mạnh của du lịch làng nghề. Bởi khi quan tâm đến loại hình du lịch làng nghề thì đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của mình đến với du khách; bên cạnh đó, các làng nghề cũng sẽ có nhiều cơ hội để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình./.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT