Non nước Việt Nam

Nhảy múa trong Tết nhảy của người Dao Quần chẹt – Tuyên Quang

Cập nhật: 05/05/2020 09:39:29
Số lần đọc: 1052
Trong nghi lễ tín ngưỡng, người Dao Quần chẹt ở các xã Thanh Phát, Hợp Hoà, Kháng Nhật (Sơn Dương) có Tết nhảy (Nhảng chầm đao), được thực hiện trong ba năm liên tục.  

Năm thứ nhất, sau khi thực hiện các nghi lễ cúng khấn mời tổ tiên về để trả ơn, báo hết năm và gia đình đã hoàn tất được các thủ tục để có bộ tranh thờ, cúng giả lễ cho Tam Thanh thì bắt đầu nhảy múa. Lần nhảy múa thứ nhất gọi là “lạm miên”, được thực hiện để động viên quân binh, nhạc cụ đựơc sử dụng là chuông, chũm choẹ, cháo. Lần thứ hai là “sấp peng”, múa để đưa quân binh đi tập luyện. Lần múa thứ ba được lặp lại như lần thứ nhất, để tiếp tục động viên quân binh. Đến lần nhảy múa thứ tư được gọi là “pịa peng”, thực hiện với ý nghĩa là chiêu quân binh về. Lần thứ năm lại được tiếp tục thực hiện như lần thứ nhất và lần thứ ba. Đến lần thứ sáu thầy cúng và các thanh niên cầm kiếm để múa như lần thứ hai để đưa quân binh đi luyện tập. Lần thứ bảy và cũng là lần cuối cùng, việc nhảy múa được kết hợp giữa nhảy múa lạm miên và “sấp peng” và “pịa peng” theo trình tự khi sáu lần nhảy múa trên đã thuần thục để động viên quân binh, đưa quân binh đi luyện tập.

Giữa các lần nhảy múa, thầy đồng sẽ nhập bất kỳ vào giữa một lần nghỉ, lúc này thì thầy cúng và các thanh niên phải nhảy múa chạy ba ba (Pẻo lộ). Để nhảy múa chạy ba ba, thầy cúng phải chọn trong những thanh niên đến giúp mỗi họ một người. 

Năm thứ hai, tết nhảy được gọi là "tà nhậy nhảy y nòi muôn". Nhảy múa Toong sâu diễn ra trình tự như năm thứ nhất nhưng làm 2 lần. Việc này có ý nghĩa khi năm thứ 2 quân binh của thánh thần sẽ được luyện tập cứng cáp hơn năm thứ nhất.

Năm thứ ba (tà pham pua noi muôn) diễn ra trình tự như năm thứ nhất, thứ hai nhưng khi nhảy múa "Toong sâu" sẽ thực hiện ba lần. Việc này cũng có ý nghĩa là quân binh của thánh thần đã được luyện tập cứng cáp, thuần thục. Sau khi làm lễ cúng để thần thánh, tổ tiên hoà nhập Đại đồng, các thầy cúng sẽ thực hiện nghi lễ mời Ngọc Hoàng xuống chứng kiến việc làm tết nhảy của gia đình, trình báo với Ngọc Hoàng việc gia đình đã làm xong tết nhảy, xin Ngọc Hoàng phù hộ cho gia đình mạnh khoẻ, mùa màng bội thu. Sau đó, thầy cả làm lễ cầu cho gia đình khi gieo hạt lúa sẽ nhanh nẩy mầm, dù nắng hạn đến mấy thì lúa vẫn xanh tươi, mùa màng bội thu.

Tết nhảy thể hiện sự kính trọng của con cháu đối với tổ tiên. Ngoài những yếu tố tâm linh, nghi lễ chứa đựng những nét văn hóa dân gian trong các điệu nhảy múa, cùng với những yếu tố đặc sắc được thể hiện trên trang phục, nhạc cụ, đây là nét đặc sắc trong nghi lễ truyền thống của người Dao Quần Chẹt ở Tuyên Quang.      

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT