Non nước Việt Nam

Hà Quảng (Cao Bằng) giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Cập nhật: 04/05/2020 09:00:14
Số lần đọc: 979
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao dân trí, giảm nghèo... Vì vậy, những năm gần đây, Hà Quảng đã quan tâm, chỉ đạo sát sao việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của quê hương, đất nước.

Hà Quảng có các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét đặc trưng văn hóa riêng, do đó đã tạo nên giá trị văn hóa tinh thần thêm phong phú, đa dạng. Để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc trên địa bàn huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Hà Quảng Hà Văn Quân cho biết: Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của các các dân tộc trên địa bàn huyện, trước tiên huyện quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể bằng cách lưu giữ, khôi phục lại một số trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, làn điệu dân ca địa phương, như: Hát then, Tài sli, Nàng ới, Dá Hai, Hà Lều, tung còn, ném pao...

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, hiện nay phần lớn các xóm, tổ dân phố đều có đội văn nghệ. Các đội văn nghệ thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, đặc biệt Đội Thông tin lưu động của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện thường xuyên tổ chức biểu diễn văn nghệ tại các địa phương, kết hợp với tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các xã vùng cao, biên giới.

Bên cạnh hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng nói chung, việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc là một vấn đề cần thiết, góp phần làm phong phú thêm cho hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã hướng dẫn, triển khai, tổ chức kịp thời các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân, đồng thời, khôi phục lại một số lễ hội truyền thống, thành lập Chi hội thơ Đường luật huyện Hà Quảng, mở một số lớp năng khiếu về thể thao cho thiếu nhi trên địa bàn huyện...

Việc lưu giữ, khôi phục các lễ hội truyền thống được tổ chức theo phong tục, tập quán địa phương, hiện nay trên địa bàn huyện Hà Quảng có các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Hội thi bò xuân, Lễ hội mùng 9 tháng Giêng xã Sóc Hà, lễ hội về nguồn Pác Bó, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông...

Ông Hoàng Văn Thịnh, xóm Làng Lỷ, xã Nội Thôn chia sẻ: Hai năm gần đây, huyện tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông nên đồng bào rất phấn khởi bởi văn hóa dân tộc mình được gìn giữ, phát huy và có cơ hội giới thiệu cho nhiều dân tộc khác cùng biết. Ngày hội văn hóa dân tộc Mông và nhiều lễ hội ở địa phương được tổ chức theo phong tục, tập quán, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhớ về cội nguồn, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa được quan tâm, đặc biệt việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, các học sinh đến tham quan, học tập tại các khu, điểm di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích lịch sử Kim Đồng, điểm di tích hang Phja Nọi, di tích Lũng Loỏng… Việc tôn tạo các di tích được quan tâm, thực hiện, các điểm di tích đều có Ban Quản lý di tích, xây dựng quy chế hoạt động, đồng thời giao cho các đoàn thể chính trị - xã hội các xã, thị trấn, trường học trên địa bàn có di tích phối hợp bảo vệ, quản lý.

Các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện sản xuất ổn định, có hiệu quả, như: Làng dệt thổ cẩm xóm Luống Nọi, khẩu sli Nà Giàng, làng hương Nà Kéo, giấy dó xóm Nà Mạ..., đem lại thu nhập, tạo việc làm ổn định cho nhân dân. Ngày 24/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề làm hương Nà Kéo là làng nghề truyền thống. Đây không chỉ là cơ hội, điều kiện cho người dân xóm Nà Kéo nói riêng, huyện Hà Quảng nói chung tiếp tục duy trì và phát triển nghề làm hương truyền thống mà còn là điểm khám phá và trải nghiệm cho khách du lịch khi đến tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Hà Quảng.

Bà Sầm Thị Bời, xóm Nà Kéo bộc bạch: Gia đình tôi gắn bó với nghề làm hương hơn 30 năm, nay tôi rất vui khi thấy nghề làm hương của cha ông mình được Nhà nước công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nghề làm hương đem lại thu nhập không cao như nhiều nghề khác nhưng bà con nơi đây luôn duy trì nghề từ đời này sang đời khác.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc góp phần tạo nên tính bền vững của các giá trị văn hóa, tạo nên bản sắc riêng cho mỗi dân tộc. Thời gian tới, huyện Hà Quảng gắn việc gìn giữ, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn với phát triển du lịch.

Hy vọng với hướng đi mới này trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào, nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết, tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển bền vững.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT