Non nước Việt Nam

Nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk): Còn nhiều dư địa để khai thác và phát triển du lịch

Cập nhật: 26/03/2024 14:18:40
Số lần đọc: 689
Từ khi được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2019, Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột được quan tâm trùng tu, tôn tạo trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm cho đông đảo du khách, nhất là thế hệ trẻ (học sinh, sinh viên) trên địa bàn Đắk Lắk cũng như cả nước. 


Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết: Trong dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 vừa qua, Ban quản lý Di tích đã ra mắt sản phẩm du lịch mới với tên gọi “Những năm tháng lịch sử hào hùng” phục vụ hàng trăm học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Khi đến đây, học sinh sẽ được giới thiệu đầy đủ, sinh động về chế độ hà khắc, tàn bạo của Nhà đày Buôn Ma Thuột đối với tù chính trị thời kỳ tiền khởi nghĩa; những câu chuyện xúc động và giàu ý nghĩa của những người yêu nước đã “biến nhà đày thành trường học lớn của cách mạng” trong những tháng năm bị đày đọa, giam cầm.

Học sinh trên địa bàn T.P Buôn Ma Thuột tìm hiểu, trải nghiệm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Đặc biệt là các em còn được hóa thân thành những chiến sĩ cách mạng tham gia cuộc duyệt binh ngày 25/01/1944 (đúng ngày mùng Một Tết Giáp Thân năm 1944) nhằm biểu dương tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và ý chí quật cường trước kẻ thù. Đây được xem là sự kiện “có một không hai” diễn ra trong hệ thống lao tù, của thực dân Pháp ở Đông Dương nói riêng và các nước thuộc địa trên toàn thế giới nói chung. Được biết, sản phẩm du lịch này được tổ chức thường xuyên tại Nhà đày Buôn Ma Thuột giúp du khách cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn về giá trị lịch sử của di tích đặc biệt này.

“Để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, ngoài sự mẫn cảm của người làm du lịch, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực trong xã hội. Đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ các cấp và ban, ngành chức năng, trong đó sự phối hợp giữa ngành văn hóa - du lịch là không thể tách rời” - ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk.

Theo ông Đinh Một, di tích trên còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển ngành du lịch Đắk Lắk. Ví như sản phẩm “Đêm thiêng Nhà đày” nhằm tái hiện chân thật hoàn cảnh sống, học tập, rèn luyện và phấn đấu của những chiến sĩ cách mạng trong môi trường khắc nghiệt vào loại bậc nhất Đông Dương thời Pháp thuộc. Từ cuối năm 2023, Bảo tàng Đắk Lắk đã cử đoàn nghiên cứu, học tập cách thức tổ chức sản phẩm du lịch “Đêm thiêng Hỏa Lò” được Sở Du lịch Hà Nội triển khai, phục vụ du khách gần hai năm qua - sản phẩm đã nhận được sự ủng hộ, tâm đắc của du khách trong và ngoài nước. Nếu ngành du lịch Đắk Lắk khai thác yếu tố lịch sử nổi bật ấy tại Nhà đày Buôn Ma Thuột thì sẽ tạo sản phẩm du lịch vừa làm “sống lại” và lan tỏa giá trị của di tích; vừa giải quyết được “bài toán” giải trí, trải nghiệm về đêm của du khách khi đến TP. Buôn Ma Thuột mà chúng ta vẫn đang trăn trở lâu nay - ông Đinh Một chia sẻ thêm.

Hiện Bảo tàng Đắk Lắk đang nỗ lực xúc tiến liên kết, kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn lực để thực hiện ý tưởng trên. Ngoài việc triển khai và hoàn thiện hai sản phẩm du lịch “Những tháng năm lịch sử hào hùng” và “Đêm thiêng Nhà đày”, đơn vị quản lý di tích đặc biệt này còn hướng đến mục tiêu dài hơi hơn nhằm biến “địa chỉ đỏ” ấy trở thành tour trải nghiệm lịch sử - văn hóa đúng nghĩa, phục vụ nhu cầu ngày càng thực chất của du khách. Theo Ban quản lý di tích, mong muốn đầu tiên là phục dựng lại nguyên vẹn các yếu tố lịch sử (vật thể và phi vật thể) cấu thành giá trị Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đó là một nhà đày do thực dân Pháp dựng lên với quy mô kiên cố gồm bốn bức tường cao dày (4m x 40cm) có dây thép gai giăng mắc phía trên, bốn góc có bốn vọng gác, điện chiếu sáng và lính canh 24/24 giờ. Ở giữa là 6 nhà lao tập thể, dãy xà lim biệt giam và một số hạng mục khác phục vụ cho việc cai trị, quản lý tù nhân như xưởng đồ mộc, nhà kho, bếp ăn, bệnh xá và khu cai ngục… Nếu tất cả được trùng tu, phục dựng lại đúng với nguyên mẫu thì có thể khai thác, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù nữa.

Học sinh tìm hiểu, trải nghiệm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột qua Chương trình giáo dục và trải nghiệm “Những năm tháng lịch sử hào hùng”.

Ví như các cuộc tra tấn, hành xử khổ sai trong nhà lao, xà lim sẽ được mô phỏng lại từ đầu đến cuối, hoặc theo từng nội dung dưới sự trợ giúp của công nghệ (hình ảnh, âm thanh, ánh sáng), qua đó cho người xem thấy được mức độ tàn bạo và rùng rợn ở “địa ngục trần gian” này. Chuyên nghiệp và bài bản hơn còn có thể hình thành và phát triển thêm một số sản phẩm du lịch như: Tái hiện lại những cuộc vượt ngục của tù chính trị; các hình thức đấu tranh với kẻ thù; hoạt động lao dịch, khổ sai của các chiến sĩ cách mạng tại nhà đày trong những hoàn cảnh, điều kiện tồi tệ và cùng khổ nhất. Nếu được tổ chức, khai thác tốt các giá trị lịch sử có tính chất “gốc” và tiêu biểu trên của di tích để vừa bảo tồn, vừa phát triển du lịch thì chắc chắn đây là một điểm đến hấp dẫn, du khách không thể bỏ qua khi đến với vùng đất giàu truyền thống cách mạng và giàu bản sắc văn hóa này.

Đình Đối

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 24/3/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT