Non nước Việt Nam

Đầu tư tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Bến Tre

Cập nhật: 29/03/2024 11:12:40
Số lần đọc: 1095
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tỉnh giai đoạn 2024-2023, tầm nhìn đến 2050. Đề án nhằm đánh giá thực trạng hệ thống tích lịch sử - văn hóa, đề ra giải pháp huy động nguồn lực cho việc bảo quản, phục hồi và nâng cao giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.


Tượng đài Đồng Khởi Bến Tre. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tỉnh sẽ tu bổ, tôn tạo 2 di tích quốc gia đặc biệt, 11 di tích quốc gia và 23 di tích cấp tỉnh trong giai đoạn 2024 - 2030. Giai đoạn này, nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo và tôn tạo chống xuống cấp di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh dự kiến hơn 1.312 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 51,5%, ngân sách tỉnh 33,6%, còn lại là ngân sách huyện và vận động xã hội hóa.

Bến Tre phấn đấu đến năm 2025 có trên 40% và năm 2030 có 45 - 50% di tích lịch sử - văn hóa gắn kết tour, tuyến sản phẩm du lịch. Năm 2025, lượng khách đến tham quan các di tích lịch sử - văn hóa đạt khoảng 15 - 20% trong tổng số lượng khách du lịch đến tỉnh; năm 2030 đạt khoảng 20 - 30%.

Năm 2050, địa phương sẽ tu bổ, tôn tạo 2 di tích quốc gia đặc biệt (giai đoạn 2), 13 di tích quốc gia và 37 di tích cấp tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu có khoảng 80% di tích lịch sử - văn hóa gắn kết tour, tuyến sản phẩm du lịch. Giai đoạn 2030 - 2050, nguồn vốn đầu tư tu bổ và tôn tạo chống xuống cấp di tích lịch sử - văn hóa dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 71,7%, ngân sách tỉnh 27,5%, còn lại là vận động xã hội hóa.

Người dân đến dâng hương tưởng nhớ cụ Đồ Chiểu tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Để đạt được mục tiêu trên, Bến Tre tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tỉnh thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa, vận dụng linh hoạt các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Bến Tre tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về các giá trị của di tích lịch sử - văn hóa; tập trung tăng cường, quảng bá giới thiệu rộng rãi các di tích cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan…

Theo UBND tỉnh, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và bước đầu có những kết quả khích lệ. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, phục hồi, tôn tạo 24 di tích; trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh với tổng kinh phí gần 160 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Một số di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, tôn tạo và phát huy được hiệu quả. Công tác quản lý Nhà nước về về di sản văn hóa vật thể được tăng cường. Nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền và trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, trùng tu, tôn tạo được nâng cao.

Bến Tre hiện có hai di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia và 62 di tích cấp tỉnh được xếp hạng. Một số di tích đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế như: Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Nhà cổ Huỳnh Phủ, Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam (Đường Hồ Chí Minh trên biển).

Công Trí

Nguồn: Báo Dân tộc miền núi - dantocmiennui.vn - Ngày 27/03/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT