Hành trang lữ khách

Ngưỡng vọng Văn miếu Hà Tĩnh

Cập nhật: 09/07/2020 09:09:14
Số lần đọc: 887
  Chúng tôi đến Văn miếu Hà Tĩnh đúng dịp Ban quản lý Di tích tổ chức long trọng và trang nghiêm ngày giỗ lần thứ 231 năm Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (ngày 9/5/1789 Âm lịch)... và cũng là nơi thờ tự các bậc hiền tài Chu Văn An, Nguyễn Thiếp, Hải Thượng Lãn Ông, đại thi hào Nguyễn Du. 

 


Toàn cảnh Văn miếu Hà Tĩnh

Văn miếu Hà Tĩnh xây dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) tại làng Hoàn, xã Đông Lộ, nơi lưu danh các bậc hiền tài, niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh “địa linh nhân kiệt”. Do chiến tranh tàn phá nên chỉ còn dấu tích. Năm 2010, căn cứ Luật Di sản, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Dự án Phục hồi và Phát huy giá trị Di tích Văn miếu Hà Tĩnh. Tháng 12/2014, trên nền đất cũ tại phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh hiện nay, Di tích được phục dựng với tổng diện tích khuôn viên 1,67 ha. Tổng kinh phí ban đầu đầu tư 79 tỷ đồng, bằng 2 nguồn, ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Tháng 12/2019, tuy công trình chưa hoàn thiện, nhưng chính quyền địa phương mở cửa để người dân tham quan và tiếp tục góp ý kiến. Kế hoạch đón khách rộng rãi đầu năm 2020 lại phải lùi lại tháng 5 vừa rồi do dịch COVID-19. 

Công trình Văn miếu Hà Tĩnh được góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, từ tổng thể đến hoa văn sao chép nguyên bản của Văn miếu cũ. Theo thiết kế, phía trước là cổng tam quan (cổng chính cao khoảng 5 m, hai cổng tả và hữu cao khoảng 2,3 m, đều bằng gỗ lim, có nghê đứng chầu). Một con đường lát gạch chạy thẳng tới hồ bán nguyệt, vòng hai lối tả và hữu đến sân rộng, 2 bên là lầu chuông, lầu trống; tả vu hữu vu là nơi tiếp khách và nhà chờ; trung tâm là nhà tiền tế để du khách dâng hương; kế sau là nhà đại bái thờ 5 danh nhân có công với nền giáo dục, văn hóa, y khoa...của nước nhà. Các cột trụ, vì kèo làm bằng gỗ lim, chạm trổ bay bổng và tinh tế; các bức hoành phi, câu đối trang trọng. Các tòa nhà xếp hình chữ “môn”, 4 mái (2 mái dài, 2 mái ngắn), lợp ngói âm dương, đỉnh nóc đắp nổi họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt”. Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hà Tĩnh Phạm Mạnh Hiền, công trình tiếp tục hoàn thiện các hạng mục để ngoài việc thờ tự còn là nơi diễn ra những buổi tôn vinh học sinh giỏi, các hoạt động liên quan giáo dục, văn hóa…

Từ trái qua phải mỗi gian nhà đại bái là ban thờ một vị với bức tượng quang minh và gần gũi: Đại thi hào Nguyễn Du, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nhà giáo Chu Văn An, Đại danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác và Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. 

Nguyễn Du quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tên chữ Tố Như, tên hiệu Thanh Hiên, sinh ngày 3/1/1766. Ông xuất thân trong gia đình quý tộc, nhiều đời làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh. Nguyễn Du để lại di sản văn chương đồ sộ với những tác phẩm kiệt xuất. Trong 3 tập thơ chữ Hán gồm 250 bài, có những kiệt tác như: “Đọc Tiểu Thanh kí”, “Sở kiến hành”, “Long Thành cầm giả ca”, “Thái Bình mại ca giả”, “Phản chiêu hồn”… Hai kiệt tác thơ Nôm là “Truyện Kiều” gồm 3.254 câu thơ lục bát và “Văn tế thập loại chúng sinh” gồm 184 câu song thất lục bát. Công trạng lớn của Đại thi hào Nguyễn Du là đưa ngôn ngữ văn học tiếng Việt lên trình độ điêu luyện, cổ điển. Năm 1965, ông được Hội đồng hòa bình thế giới của UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. 

Nguyễn Thiếp tên hiệu là La Sơn phu tử, sinh ngày 25/8/1723, tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Áo, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay). La Sơn phu tử là một trong những học giả được vua Quang Trung tin cậy nhất. Tại khoa thi Hương đầu tiên triều đại Quang Trung, năm 1789, Nguyễn Thiếp là Đề điệu kiêm Chánh chủ khảo. Là Viện trưởng Viện Sùng Chính do vua Quang Trung bổ nhiệm, Nguyễn Thiếp đã có những cải cách văn hóa, giáo dục; trong đó, chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước ta. 

Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Ông có học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa; được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp (hiệu trưởng) Văn miếu Quốc tử giám, “trường đại học đầu tiên” của Việt Nam. Công lao lớn nhất của Chu Văn An là sáng lập trường học trong Nhân dân với chất lượng cao, ảnh hưởng lớn tới nền giáo dục Việt Nam. Tư tưởng nổi bật của ông là tự học, tự lập, học tập suốt đời và là tấm gương tôn sư trọng đạo. Năm 2018, Việt Nam đã xây dựng hồ sơ khoa học về danh nhân Chu Văn An để đề nghị UNESCO phối hợp tổ chức kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông vào năm 2020 này. 

Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh năm 1720, quê cha ở làng Lưu Xá, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), quê mẹ ở xã Bầu Thượng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, mở trường dạy học. Hải Thượng Lãn Ông là bậc đại danh y, vừa giỏi về y thuật, nhân thuật, vừa là nhà tư tưởng, nhà khoa học lớn, nhà giáo dục, nhà văn bậc thầy của dân tộc Việt Nam. Năm 1770, bộ bách khoa y thư toàn diện có tên “Lãn Ông Tâm Lĩnh” là kết quả của sau 10 năm biên soạn và 40 năm kinh nghiệm. Ông được tôn vinh là Sư tổ của nền Y học Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ. 

Nguyễn Huy Oánh húy là Xuân, tự là Kính Hoa, hiệu là Thạc Đỉnh, sinh năm 1713. Ông quê làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1732, ông đỗ Giải nguyên, kỳ thi Hương; năm 1748, ông đỗ Đình Nguyên, Đệ nhất Giáp tiến sĩ cập đệ, Đệ tam danh (tức Thám hoa, đứng thứ ba trong hàng tam khôi). Nguyễn Huy Oánh được bổ dụng lần lượt các chức quan trong triều đình. Công lao của ông là đề cao việc đào tạo, giáo dục; coi trọng chất lượng đội ngũ quan lại. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh để lại 40 tập sách về văn học, lịch sử, địa lý, y học…; lưu danh là vị đại khoa đầu tiên và sáng chói nhất của dòng họ Nguyễn đất Trường Lưu. 

Việc thờ tự này là tôn vinh truyền thống hiếu học và là nơi để các thế hệ hậu sinh của Việt Nam đến chiêm ngưỡng và học tập phát huy… Đây sẽ là một trong những địa chỉ văn hóa đặc biệt của miền Trung”./.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục