Hoạt động của ngành

Nét đẹp làng gốm Bồ Bát (Ninh Bình)

Cập nhật: 02/10/2019 10:00:30
Số lần đọc: 1115
Tuy mới được khôi phục lại từ hơn 10 năm trở lại đây, gốm Bồ Bát với dòng men độc đáo đã khẳng định được chất lượng của mình, dần trở thành thương hiệu gốm có tiếng trong nước và được thị trường một số nước trên thế giới ưa chuộng.


Gốm Bồ Bát hồi sinh đã mang lại việc làm cho nhiều người dân địa phương. Ảnh: Thế Minh

Làng gốm cổ Bồ Bát xưa cách đây hơn 1.000 năm, là làng Bạch Bát, Bồ xuyên Chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu Sơn, nay là làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Vào năm 1999, các nhà Khảo cổ học tiến hành khai quật khu di chỉ Mán Bạc thuộc thôn Bạch Liên và đã tìm thấy 15 mộ và 17 cá thể cùng nhiều đồ dùng làm từ gốm như: chuỗi hạt, vòng gốm, nồi gốm, các đồ gốm thô, gốm men trắng.

Theo sử sách ghi lại, chính những nghệ nhân của thôn Bạch Liên đã theo triều đình nhà Lý (năm 1010) dời đô về Thăng long, định cư ở vùng ven sông Hồng nơi có nhiều đất sét tốt để làm gốm và lập nên làng gốm Bát Tràng ngày nay.

Thời Lý - Trần, những sản phẩm của làng gốm Bồ Bát rất được ưa chuộng. Rất nhiều những di vật như gạch đất nung“Đại Việt quốc quân thành chuyên” - loại gạch chuyên dùng để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng...đã được tìm thấy khi khai quật khảo cổ tại khu vực đền Vua Đinh, Vua Lê (Ninh Bình).

Đặc biệt, gốm Bồ Bát chỉ sử dụng một loại đất sét trắng quý hiếm gọi là đất sét Bồ Di, chỉ riêng ở vùng này mới có. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng số 1 hiện nay và chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác.

Cùng với đó, là việc nung ở nhiệt độ cao nên sản phầm gốm được tạo ra không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng, cũng như giữ được nét đặc trưng, độ bền bóng của men, hạn chế sứt mẻ, rất phù hợp cho gia dụng của các nhà hàng, khách sạn – những nơi thường xuyên phải sử dụng máy rửa bát.

Để tạo nên sự độc đáo riêng cho dòng gốm Bồ Bát, anh Phạm Văn Vang – người đã khôi phục lại nghề gốm cổ của quê hương, tập trung vào sản xuất các mảng tranh gốm ghép, dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng, như Ðông Hồ, với những nét văn hóa vùng, miền tiêu biểu trong cả nước. Trong đó, có khá nhiều hình ảnh các khu, điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình như: Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Ðộng.

Nhờ vậy, sau một thời gian, sản phẩm gốm Bồ Bát có chỗ đứng trên thị trường, không chỉ trong nước mà còn ra thị trường một số nước, như Nga, Ðức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản...

Những nỗ lực phục dựng lại nghề gốm cổ Bồ Bát này có ý nghĩa rất lớn trong việc hồi sinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô cổ kính, góp phần bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của cha ông./.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục