Non nước Việt Nam

Năm hổ nhớ về Hổ Quyền

Cập nhật: 11/02/2022 10:20:29
Số lần đọc: 1004
Nhắc đến năm hổ - một trong 12 con giáp thể hiện cho sức mạnh và quyền uy, không thể không nhắc đến di tích nổi tiếng gắn liền với con giáp này: Hổ Quyền. Di tích này đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn, xưa kia từng là nơi tổ chức những trận đấu giữa hổ và voi dưới triều Nguyễn.


Hổ Quyền nhìn từ trên cao. Ảnh: N. Anh

Đấu trường xếp vào loại “hàng hiếm”

Hổ Quyền được xây dựng vào năm 1830, dưới thời vua Minh Mạng, là đấu trường dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và hổ, phục vụ nhà vua, triều thần và một bộ phận dân chúng đương thời. Trong lịch sử triều Nguyễn, Hổ Quyền đã từng diễn ra hàng chục trận đấu giữa voi và hổ cho đến trận cuối cùng được ghi nhận dưới thời vua Thành Thái vào năm 1904. Tất cả các trận đấu đều theo “kịch bản” voi thắng, hổ thua (cắt móng vuốt hoặc giam đói hổ), bởi voi là một trong những biểu hiện sức mạnh của vương quyền…

Đây được xem là đấu trường duy nhất ở khu vực Đông Nam Á đang tồn tại, không chỉ được xếp vào “hàng hiếm” của châu Á mà còn cả trên thế giới. Những người dân sống quanh khu vực Hổ Quyền nói rằng, từ khi sinh ra đã thấy một tường thành vòng tròn đồ sộ. Dù chỉ nghe qua sử sách và những ông bà thế hệ trước kể lại, nhưng họ cũng phần nào hình dung được vai trò của di tích này trong một giai đoạn lịch sử. Ông Phan Văn Cư, 62 tuổi có nhà cạnh Hổ Quyền nói rằng, là thế hệ hậu sinh nên chỉ nghe lớp đi trước kể lại qua những câu chuyện ở những cuộc trà rượu. Có chăng những điều ông chứng kiến đó là từng có giai đoạn di tích này xuống cấp, rồi vì nhiều lý do người dân từ nhiều nơi tới dựng nhà cửa tạm bợ, ít nhiều xâm lấn di tích.

“May sao, những năm gần đây di tích này cùng với Voi Ré cách đó không xa được trùng tu, bảo tồn. Nếu ngày chưa có dịch, du khách tây ta tới đây tham quan nhiều lắm”, ông Cư kể. Cũng theo người đàn ông tuổi lục tuần này, nhà của ông cũng như một số bà con sống quanh Hổ Quyền nay đã được cơ quan chức năng lên danh sách di dời đi nơi khác, để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. “Chúng tôi cũng đồng tình, và mong rằng sẽ được di dời trong nay mai, phần để yên ổn cuộc sống, phần để góp phần bảo tồn di sản cha ông để lại”, ông Cư nói.

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho biết, những trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức sớm nhất có tư liệu ghi chép lại là vào thời các chúa Nguyễn. Tất nhiên không phải tổ chức ở Hổ Quyền, vì bấy giờ công trình này chưa được xây dựng.

Trước khi có Hổ Quyền, các vua chúa cũng từng tổ chức những cuộc đấu giữa voi và hổ và xem đó là những ngày hội lớn cho cả triều đình và dân chúng. Tuy nhiên, thay vì không có đấu trường bài bản nên vẫn có nhiều sự cố nguy hiểm xảy ra. Vì thế, năm 1830, vua Minh Mạng đã chọn vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, nằm về phía tây Kinh thành, xây dựng một đấu trường kiên cố để tổ chức an toàn những cuộc đấu nói trên.

Di dời dân để phát huy giá trị di tích

Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5,90m. Vòng thành ngoài cao 4,75m. Thành ngoài nghiêng một góc khoảng 10-15 độ tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145m, đường kính lòng chảo là 44m.

Theo quan sát, khán đài vua ngồi ở mặt bắc của đấu trường. Từ khán đài này nhìn qua phía đối diện, người ta có thể nhận ra 5 chuồng cọp nằm ngay trong lòng đấu trường. Người ta lợi dụng hai vòng tường trong và ngoài của đấu trường để tạo ra vách chuồng. Giữa hai tường thành sẵn có, xây thêm các bức vách bằng gạch để tạo 5 cái chuồng riêng biệt. Hệ thống cửa ở các chuồng hổ là các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống. Từ khi xây xong Hổ Quyền, nghi thức tổ chức các trận quyết đấu sinh tử giữa voi và hổ trở nên trang trọng hơn trước.

Với tính độc đáo của di tích này, từng có bộ phim tái hiện lại di tích cũng như trận đấu giữa voi và hổ dưới triều Nguyễn theo công nghệ kỹ thuật số 3D, do Viện Khoa học công nghệ kỹ thuật cao Hàn Quốc thực hiện, hoàn tất vào năm 2010. Các chuyên gia đã lập dữ liệu quét chính xác, chụp ảnh, quay phim và thu thập tư liệu về Hổ Quyền nhằm phục dựng không gian kiến trúc và cảnh quan Hổ Quyền cùng khu vực xung quanh bằng kỹ thuật 3D, làm cứ liệu phục vụ công tác nghiên cứu sau này.

Năm 2018, công trình này cũng được bảo tồn, tu bổ với rất nhiều hạng mục, như tu bổ cầu thang bậc cấp lên xuống bằng gạch vồ không tô trát, phục hồi lan can 2 bên bậc cấp, phục hồi hai bậc cấp đá thanh ở cầu thang thứ nhất; bảo tồn, tu bổ khán đài vua ngồi; tu bổ cửa voi ra vào, chuồng cọp, khối tường xây; phục hồi các đầu cá thoát nước mặt đỉnh tường thành theo vết tích còn lại.

Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cho biết, dự án di dời, tái định cư cho 34 hộ dân ở khu vực Hổ Quyền – Voi Ré sẽ được thực hiện trong năm 2022. Theo đó, người dân sẽ được bồi thường và tái định cư ngay tại khu vực gần Hổ Quyền (thuộc phường Đúc và phường Thủy Biều, TP. Huế). Tổng kinh phí dự án, bao gồm cả việc đền bù, tái định cư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang khu vực này là hơn 94 tỷ đồng.

Sau khi di dời dân cư, TP. Huế sẽ tiến hành chỉnh trang lại khu vực di tích Hổ Quyền và xây dựng các tuyến đường đi bộ, bãi đỗ xe... và bàn giao lại cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có phương án phát huy giá trị của cụm di tích.

Nhật Minh

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT