Non nước Việt Nam

Cà Mau: Huyền tích ngã ba sông

Cập nhật: 25/01/2022 10:14:31
Số lần đọc: 1164
Lần theo dấu xưa, chúng tôi tìm về vùng đất Thới Bình. Theo đường thiên lý Bắc - Nam ngày trước, đây là nơi mà dấu chân tiền nhân đi mở đất đặt những bước đầu tiên trên xứ Cà Mau. Ông Dương Minh Vĩnh, Phân hội trưởng Phân hội Văn nghệ Dân gian Cà Mau, là người đã dày công nghiên cứu, cung cấp nhiều gợi mở quý báu cho chúng tôi thực hiện một cuộc điền dã đầy những trải nghiệm thú vị. “Riêng ở xã Tân Lộc hiện nay thôi, có rất nhiều câu chuyện lý thú liên quan đến những dấu tích của tiền nhân. Ở đây không chỉ có Ðình thần Tân Lộc, được vua Tự Ðức cấp sắc phong vào năm 1852, mà còn có những câu chuyện liên quan đến các linh nhân, liệt nữ đã được ghi vào chính sử và được thế hệ sau nhắc nhớ, lưu truyền”, ông Vĩnh tiết lộ.


Ðình thần tân lộc với số phận kỳ lạ

Theo ông Vĩnh, số đình thần được cấp sắc và còn lưu giữ nguyên trạng ở Cà Mau hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết sắc phong đình thần đều được ghi nhận là vào thời Tự Ðức ngũ niên, tức năm 1852. Số phận của những ngôi đình cổ theo thời thế thăng trầm, có nơi còn giữ được sắc phong nhưng không xác định được dấu tích, như ở Viên An; có nơi sắc phong thất lạc, như Ðình thần Tân Ân. Riêng Ðình thần Tân Lộc, dù đã tường tận gốc tích, giữ nguyên vẹn sắc phong, nhưng qua nhiều biến động về địa điểm.

Ông Hồ Thanh Sơn, Chánh bái Ðình Tân Lộc, nhẩm tính: “Tôi sưu tra được, từ năm 1939 đến nay, tới tôi là đời thứ bảy làm chánh bái đình thần. Hàng năm, lễ Kỳ yên của đình diễn ra vào ngày 16, 17/2 theo lịch âm. Theo lệ, đến ngày ấy, bà con và Ban Quản trị đình sẽ tiến hành cúng bái theo nghi thức được cha ông truyền lại”. Những ghi chép tỉ mỉ của ông Sơn từ thời điểm 1939 giúp chúng tôi có thêm thông tin quý để hiểu rõ hơn về Ðình Tân Lộc.

Ðịa điểm ban đầu của Ðình Tân Lộc nằm trên đường cái quan, nay ở khu vực Cầu số 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình. Thời kháng Pháp, Ðình Tân Lộc được cơ quan quân sự xã trưng dụng làm địa điểm đánh địch. Lúc này, đình thần hiến tặng lư hương, chân đèn, cả gỗ quý cho cách mạng. Sau này, sân đình cũng là nơi làm nghĩa trang. Những người quản lý đình chỉ thỉnh sắc phong và gởi tạm vào chùa Phước Linh.

Ông Sơn kể: “Trong chiến tranh, bom đạn, người dân Tân Lộc hàng năm vẫn làm lễ Kỳ yên, cúng bái tươm tất, chưa hề gián đoạn. Có năm phải làm ban đêm vì sợ giặc phát hiện. Dù khó khăn đến đâu, vật phẩm cúng dường cũng có 1 con heo trắng”. Sau đó, Ðình Tân Lộc được di dời về ngã ba Bà Ðệ, Ấp 2, xã Tân Lộc ngày nay.

Trong khuôn viên Ðình Tân Lộc, phía hữu có miếu thờ thần Bạch Hổ, gắn với kiến trúc “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” của đình thần truyền thống.

Chuyện sắc phong của Ðình Tân Lộc cũng lắm nỗi tréo ngoe. Những đời trước rước thầy chữ Nho từ vùng Long Xuyên, Châu Ðốc về dịch nghĩa, bổ túc thêm nghi thức cúng bái. Tuy nhiên, do dịch chưa đúng nghĩa, nên có giai đoạn người Tân Lộc phải giấu sắc phong đi, vì bị nghi là “cắp sắc”. Sau này, chính ông Dương Minh Vĩnh đã dày công nghiên cứu, dịch nghĩa rõ ràng, đầy đủ và căn cứ vào cứ liệu lịch sử đã chứng minh rằng, sắc phong cho Ðình thần Tân Lộc là “chính chủ”. Duy có điều, ngày xưa, vùng Tân Lộc được gọi là Tân Mỹ thôn. Ðiều này đã được khẳng định rõ ràng trong chính sử.

Ðất của linh nhân, liệt nữ

Ðiều khiến chúng tôi ngạc nhiên là chỉ một ngã ba sông lại có nhiều câu chuyện lý thú, khai mở biết bao nhiêu hiểu biết quý giá về tiền nhân. Tại ngã ba Bà Ðệ, ngoài Ðình Tân Lộc, còn có mộ bà Trần Thị Ðệ, gắn với những giai thoại nhuốm màu huyền tích.

Ông Sơn là cháu cố của bà Trần Thị Ðệ, nay đã ngót 80 tuổi, hồi nhớ: “Ở đây ai cũng biết chuyện bà cố tôi đỡ đẻ cho bà Thầy”. Xứ Cà Mau xưa, trong đó có vùng Tân Lộc, cọp rất nhiều. Người dân vì sợ quá phải kiêng gọi trúng tên mà gọi là ông/bà Ba Mươi hoặc là ông/bà Thầy. Chuyện kể về bà Trần Thị Ðệ đỡ đẻ cho cọp được ông Sơn miêu tả chi tiết: “Nhà ông bà cố tôi ngày trước ở ngay ngã ba sông. Bà cố tôi làm dâu họ Huỳnh, giỏi giang, lại nức tiếng là bà mụ vườn mát tay. Một bận, bà cố tôi đi đỡ đẻ trong xóm, khi về gần tới nhà thì ông Thầy chặn đường. Sợ quá, bà cố tôi té xỉu. Lúc bà tỉnh dậy, ông Thầy vẫn ngồi ở đó, tư thế như quỳ mọp xuống khẩn cầu. Lấy hết can đảm, bà cố tôi khấn: “Nếu ông có việc gì nhờ, ông đừng làm tôi sợ, tôi sẽ đi theo ông”. Và rồi, sẵn túi đồ nghề đỡ đẻ, bà được ông Thầy chở thẳng vô rừng”.

Chuyện bà mụ vườn Trần Thị Ðệ bị cọp bắt chấn động thôn làng. Dòng họ, bà con đốt đuốc xúm nhau đi kiếm xác bà về nhưng không hề có dấu tích. Mãi đến gần sáng, bà Ðệ trở về nhà, kể lại: “Tôi hạ sanh cho ông bà Thầy được 2 đứa con. Sanh xong thì đi về bình thường, có gì đâu mà sợ”. Ðêm hôm sau, ông Thầy bắt một con heo để trước nhà bà Ðệ để tạ ơn. Ngặt nỗi, nhà mất heo ngay trong xóm, đến nhìn lại được. Chưa hết, hôm sau nữa, lại có một con heo mà ông Thầy đem đến để trước nhà. Lần này, gia đình bà Ðệ nhận lấy heo và làm cơm mời hết xóm làng, kể đầu đuôi sự tình. Bà Ðệ sống một đời nhân nghĩa, làm chuyện tích đức, nổi danh vì đỡ đẻ cho cọp, nên sau khi chết, tên bà cũng thành tên của ngã ba sông.

Hình tượng ông Thầy (ông Cọp) gắn liền với ngã ba sông Bà Ðệ, đất Tân Lộc, Thới Bình.

Nhưng dấu tích xưa cũ nhất ở ngã ba sông này là Miếu thờ Liệt nữ Nguyễn Thị Nương. Theo ông Sơn, liệt nữ là danh phong do vua ban, theo ông biết là từ thời vua Minh Mạng. Chuyện kể rằng, bà Nguyễn Thị Nương quê quán tại Tân Lộc, lấy chồng về xứ Cạnh Ðền. Nhớ nhà quá, bà đi bộ, quá giang ghe chở lá để xuôi dòng Chắc Băng về quê. Bà là người có nhan sắc, chủ ghe có ý xấu, nhưng bà cự tuyệt. Rốt cuộc, bà vì khí tiết mà bị sát hại, vùi thây. Hiện nay vẫn còn nơi gọi là ụ Thị Nương (nơi bà bị vùi thây) ở dòng Chắc Băng.

Vì oan khiêng, bà Nguyễn Thị Nương đạp đồng, tố cáo tội ác của chủ ghe lá, chỉ nơi người ta vùi xác bà. Họ hàng và bà con đến nơi thì quả là đúng như lời chỉ dẫn. Với sự kính trọng, tiếc thương, mọi người cùng nhau dựng miếu thờ bà ngay ở ngã ba sông quê hương. Cố nhà văn Sơn Nam đã từng cảm thán: “Vùng chợ Cà Mau nào phải quá lạc hậu! Ðã có ngôi Cà Mau cổ tự, Thiên Hậu tự, Hải Linh tự (thờ cá ông ở vàm sông Ông Ðốc. Liệt nữ Nguyễn Thị Nương (quê Tân Mỹ thôn) chịu chết giữ vẹn tiết hạnh”.

Ngôi miếu nhỏ thờ Liệt nữ Nguyễn Thị Nương nằm ở mé bên kia sông, đối diện bên này là Ðình thần Tân Lộc, sát cạnh đình là phần mộ của gia tộc họ Huỳnh, trong đó có phần mộ tháp cao thờ ông bà Ðệ. Chỉ một vàm sông nhỏ cũng đủ nói lên tinh anh của vùng đất linh nhân, liệt nữ với những câu chuyện còn sống mãi với hậu thế.

 

Thực tế cho thấy, ngoài sự linh thiêng, con người thường thờ phụng những gì là nỗi kinh sợ lớn nhất. Riêng ở Ðình Tân Lộc còn có am thờ ông Thầy, nằm ở phía hữu đình, khói hương không dứt. Bên ngoài am có tượng của ông Thầy, trong tư thế oai phong. Ðó là biểu tượng gợi nhớ một thời mà xứ Tân Lộc nói riêng, Cà Mau nói chung, với cảnh “Cà Mau khỉ khọt trên bưng/ Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp đua”. Và ở đó, là hành trình khai đất, lập làng, sống thuỷ chung sau trước của tiền nhân. Lấy việc nghĩa, khí tiết, đạo lý luân thường làm lẽ sống, bất chấp cả hiểm nguy tính mạng.

Về một ngã ba sông để nghĩ về đất và người Cà Mau. Ẩn sâu trong mạch sống ngàn đời là những giá trị trường tồn của khí phách, tinh anh, là sự trao truyền từ trong huyết quản và nỗi thương nhớ khôn nguôi...

Phạm Quốc Rin

 

 

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT