Non nước Việt Nam

Nam Định: Làng Trà Lũ xưa - Vùng quê mang đậm giá trị văn hóa truyền thống

Cập nhật: 15/06/2021 10:45:58
Số lần đọc: 942
Làng Trà Lũ (Xuân Trường) xưa là vùng quê có lịch sử hình thành và phát triển phong phú. Trải qua 5 thế kỷ, các thế hệ người dân nơi đây luôn gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển.



Hát chèo trên sông trong hội làng truyền thống xã Xuân Bắc (Xuân Trường) (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Theo “Trà Lũ xã chí” - sách chữ Hán do Nhĩ Khê cư sĩ Lê Văn Nhưng biên soạn (Đỗ Hữu Trác dịch) thì địa danh Trà Lũ có từ năm 1533 do người dân từ làng Phượng Lũ (Hưng Yên) đến khai phá vùng ven biển Giao Thuỷ lập làng và đặt tên là Trà Lũ để ghi nhớ nguồn gốc quê quán của mình. Xưa kia, làng có 3 thôn gồm: thôn Đông (nằm ở phía đông làng), thôn Bắc (nằm ở phía bắc làng), thôn Trung (nằm ở giữa làng). Ban đầu, thôn Trung có 4 họ: Trần, Phạm, Hoàng, Lưu; thôn Bắc có 6 họ: Bùi, Vũ, Đỗ, Nguyễn, Mai, Lê; thôn Đông có 7 họ: Phan, Lê, Hoàng, Phạm, Đỗ, Bùi, Khổng. Làng Trà Lũ không có những nhà giáo nổi tiếng nhưng tục lệ của làng lại rất chú trọng đến giáo dục và việc học hành của dân làng. Từ thời Lê đến thời Nguyễn, làng Trà Lũ có 9 người đỗ Hương cống, Cử nhân, Phó bảng và nhiều Tú tài. Năm Duy Tân 9 (1915), 3 thôn Trà Lũ tách thành 4 xã: Trà Trung (nay là xã Xuân Trung), Trà Đông (nay là xã Xuân Phương), Trà Bắc (nay là xã Xuân Bắc) và Nam Điền (nay thuộc địa phận xã Xuân Vinh). Dân cư ngày càng đông đúc, các xã dựng chợ họp theo phiên ở khu vực bến sông. Chợ Trung họp vào các ngày 4, 8, 14, 18, 24, 28 hàng tháng; chợ Bắc họp vào các ngày 3, 9, 13, 19, 23, 29 hàng tháng. Nghề chính của người dân Trà Lũ là buôn bán, thông thương chủ yếu bằng đường sông biển đến Thanh Hóa và khắp các tỉnh Bắc Kỳ. Làng thuyền Trà Lũ xưa nổi tiếng với nhiều thuyền nan, thuyền đinh, thuyền mành, thuyền cóc… Hàng hoá của làng được trao đổi, buôn bán là vật liệu xây dựng, chiếu cói, rượu... Ngoài ra, làng còn có các nghề truyền thống như: sơn, mộc, làm vàng mã cũng rất nổi tiếng.

Là vùng đất ven sông biển, sình lầy, lau sậy um tùm, người dân đi lại chủ yếu bằng đường sông nước, người dân Trà Lũ xưa phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt và thường xuyên phải chiến đấu chống giặc phỉ để bảo vệ làng. Hoàn cảnh sống đòi hỏi người dân nơi đây phải có sức khoẻ, tinh thông võ nghệ để tồn tại. Truyền thống vật võ Trà Lũ có từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Triều đình từ thời Lê đến thời Nguyễn tổ chức các giải đấu vật để tuyển chọn lực sĩ. Thời bấy giờ, làng Trà Lũ có nhiều đô vật tham gia thi đấu tại nhiều giải vật võ trong Cung đình và nổi tiếng trong lịch sử như: Ba Hầm, Trần Bất Hựu, Phan Ba, Phan Mã, Trần Diễn, Phan Khánh, Hai Đáng, Đỗ Thị Hinh... Họ đều là các tướng lĩnh tham gia các cuộc khởi nghĩa ở địa phương. Phong trào đấu vật ở Trà Lũ phát triển sôi nổi với những sới vật, đô vật vang danh khắp cả nước. Mỗi khi có làng có hội vật, dân làng từ người già đến người trẻ đều háo hức đến xem các đô vật biểu diễn, thi đấu với những kỹ xảo vật trở thành “đặc sản” mà chỉ nơi đây mới có. Các đô vật địa phương biểu diễn thuần thục, điêu luyện các miếng đánh để chiến thắng trước nhiều đô vật mạnh ở khắp nơi về dự các giải đấu do làng tổ chức.

Về tín ngưỡng tôn giáo, làng Trà Lũ xưa có 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Nơi đây có nhà thờ Phú Nhai to nhất Đông Dương cùng nhiều đền, đình, chùa. Hội làng Trà Lũ được tổ chức vào các ngày mồng 4 và mồng 5 Tết các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Trước ngày hội làng, người dân dựng cổng chào, cột cờ, kéo đèn ven sông. Đền thôn Trung thờ Phan tôn thần; Đền thôn Bắc thờ Đương cảnh Thành hoàng Huệ Chân công chúa; Đền thôn Đông thờ Đương cảnh Thành hoàng Linh Long tôn thần; từ đường các dòng họ thờ các vị Thuỷ tổ lập nghiệp, lập làng. Đám rước thần và các Thủy tổ của các thôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong đám rước có kiệu thần, kiệu bát hương tổ họ, cờ xí, ô lọng, chấp kích... Lễ vật tế thần và Thủy tổ gồm: trâu, bò, lợn cùng các sản phẩm nông nghiệp lúa nước ở địa phương. Hội làng thường diễn ra từ 3-5 ngày với các trò chơi dân gian: hát chèo trên sông, đấu võ, bơi chải, chèo đò, cờ tướng...; trong đó, đấu vật là môn thể thao truyền thống được nhiều người ưa thích. Trước khi thi đấu, hai đô vật cởi trần, đi chân đất, đeo bao đới (khố) vào sân, quỳ vái chào khán giả, bắt tay nhau rồi theo hiệu lệnh trống làm các động tác: hai tay chống cạnh sườn, thực hiện bài “xe đài, cuốn chỉ”, tiến ba bước và lùi ba bước, múa hạc đẹp mắt. Những miếng vật cơ bản như: vét, mói, dắt để hớt gót, gồng ngồi, gồng đứng, gồng quỳ, đòn dọc, sườn tay ngoài, đốc khuỷu tay, bắt bò lật sườn, bắt bò xốc bụng... được các đô vật địa phương vận dụng linh hoạt, hiệu quả, biến ảo khôn lường. Hội làng Trà Lũ là dịp để con cháu hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn tiên tổ, các gia đình, dòng họ thắt chặt tình làng, nghĩa xóm thông qua những sinh hoạt văn hoá truyền thống của quê hương. Ngày nay, trong lễ hội tại các xã Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Vinh, thị trấn Xuân Trường, đấu vật và bơi chải là các môn thể thao truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ của làng Trà Lũ xưa. Các cuộc thi không chỉ đơn thuần thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, rèn luyện sức khỏe mà còn mô phỏng hình ảnh về cuộc sống của tổ tiên thời kỳ khai hoang, lấn biển, lập ấp.

Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, làng Trà Lũ xưa, nay là các xã Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Phương đang đổi thay, phát triển không ngừng. Những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương với những “tên đất, tên làng” đã đi vào sử sách vẫn đang được các bậc cao niên lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Giá trị văn hoá truyền thống làng Trà Lũ xưa đã tạo thành sức mạnh nội lực để người dân vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn: Báo Nam Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT