Non nước Việt Nam

Hà Nội bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù: Tạo sức sống lâu bền

Cập nhật: 07/06/2021 14:37:50
Số lần đọc: 934
Sau 12 năm được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009), ca trù của Việt Nam đã trở lại mạnh mẽ. Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội, nơi được coi là một trong những cái nôi ca trù lớn nhất cả nước, loại hình nghệ thuật này đang từng bước lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động của các giáo phường, câu lạc bộ ở cả nội, ngoại thành đã, đang góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù, từ đó tạo sức sống lâu bền cho di sản...


Các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ca trù. Trong ảnh: Tiết mục trình diễn của ca nương Đặng Thị Lụa tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ hai. Ảnh: TTXVN

Gìn giữ, trao truyền di sản

Dù phải tạm hoãn nhiều chương trình tập luyện, biểu diễn vì dịch Covid-19 nhưng Nghệ nhân ưu tú Bùi Thế Tiên, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức) vẫn lạc quan, tin tưởng vào sự phát triển của câu lạc bộ cũng như việc bảo tồn di sản ca trù tại quê nhà bởi sau nhiều năm nỗ lực khôi phục, ca trù Ngãi Cầu đã có lực lượng kế cận bảo đảm để đi “đường dài”. “Trong những ngày dừng tập trung đông người để phòng, chống dịch, chúng tôi yêu cầu các thành viên câu lạc bộ tự trau dồi, ôn luyện và tìm kiếm các bài, bản ca trù có nguy cơ thất truyền, để bổ sung vào nội dung rèn, tập”, Nghệ nhân ưu tú Bùi Thế Tiên chia sẻ.

Tương tự, với ca nương Nguyễn Kim Ngọc thuộc Câu lạc bộ Ca trù Phú Thị (huyện Gia Lâm), sau nhiều năm gắn bó, ca trù như đã “ngấm” vào máu, thịt nên việc gián đoạn lịch biểu diễn do dịch Covid-19 không gây nhiều biến động cho người thực hành di sản. “Tôi vẫn duy trì thời gian rèn giũa kỹ năng, tiếp cận các làn điệu cổ để làm giàu thêm kiến thức cho mình”, ca nương Nguyễn Kim Ngọc cho biết.

Giống với ca trù Ngãi Cầu và Phú Thị, nhiều câu lạc bộ ca trù khác trên địa bàn thành phố Hà Nội không gặp khó trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này phần nào khẳng định kết quả nhiều năm nỗ lực đưa ca trù từ ngưỡng thất truyền trở lại mạnh mẽ với đời sống đương đại. Nếu như vào thời điểm ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009), Hà Nội chỉ có một vài giáo phường hoạt động cầm chừng, thì nay trên địa bàn thành phố đã có gần 20 nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt, biểu diễn đều đặn; hơn 50 người có khả năng truyền dạy với hàng trăm người theo học. Các câu lạc bộ đã lưu giữ được trên 30 thể cách, điệu múa cổ và phát triển thêm gần 20 làn điệu mới.

Điều đáng nói, Hà Nội cũng là nơi dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú (26 người); tổ chức được nhiều điểm biểu diễn ca trù thường xuyên, thu hút đông đảo công chúng. Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, các không gian quảng bá nghệ thuật ca trù không chỉ tạo điểm nhấn hấp dẫn cho chuỗi hoạt động du lịch phố cổ, mà còn mang đến cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm gìn giữ, trao truyền di sản. 

Ca nương Câu lạc bộ Ca trù Phú Thị (huyện Gia Lâm) dạy nghệ thuật ca trù cho du khách tại phố cổ Hà Nội, tháng 9-2020. Ảnh: Nguyễn Thủy

Cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa

Việc UNESCO đưa ca trù của nước ta vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định giá trị của di sản đối với nhân loại. Để bảo tồn, phát huy, tạo sức sống bền vững cho nghệ thuật ca trù, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho rằng, bên cạnh nỗ lực của các cộng đồng nắm giữ di sản, cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương trong việc tạo nguồn kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức truyền dạy, phát triển không gian trình diễn... Đặc biệt, với công tác truyền dạy, cần chú ý đào tạo ca nương, kép đàn đúng chuẩn mực, không chạy theo số lượng, phong trào, để bảo đảm về chất.

Về vấn đề này, Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, cần tạo điều kiện để ca trù được trình diễn, thực hành thường xuyên, tạo sức sống bền vững; đưa ca trù vào giảng dạy trong các tiết học ngoại khóa của nhà trường và quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo kép đàn.  

Liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ca trù, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn nỗ lực để hồi sinh, phát triển nghệ thuật ca trù. Ngoài những cuộc hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, ngành Văn hóa Hà Nội còn tăng cường nghiên cứu, tư liệu hóa bài, bản ca trù mà nghệ nhân cao tuổi nắm giữ; hỗ trợ mở mang không gian quảng bá di sản tại một số điểm di tích, danh lam thắng cảnh gắn với các tour, tuyến du lịch; tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn để ca trù có “sân chơi”, “đất diễn”, đồng thời là cơ hội tìm kiếm các tài năng ca trù trẻ.

Về phía địa phương, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thế Mạnh, cho biết, để hỗ trợ các nghệ nhân hồi sinh, phát triển nghệ thuật ca trù, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư kinh phí mở lớp truyền dạy ca trù cho lớp trẻ; mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn, tạo điều kiện thuận lợi cho câu lạc bộ ca trù phát triển...

Ca trù mang nét đặc trưng "độc nhất, vô nhị" không có ở bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân, nghệ thuật ca trù tại thành phố Hà Nội không chỉ được bảo tồn mà đã, đang từng bước đi vào đời sống xã hội đương đại, tạo được sức sống lâu bền.

Nguyễn Thanh

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT