Hoạt động của ngành

Liên kết phát triển không gian du lịch phía Tây Nam

Cập nhật: 05/11/2019 09:34:01
Số lần đọc: 1131
Nếu như vùng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn với những cung đường uốn lượn như dải lụa, triền “mê cung đá” hòa quyện vào mỗi mùa hoa tạo nên “bức tranh” tuyệt đẹp... thì phía Tây Nam của tỉnh lại có những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp giữa non cao, đẹp hút hồn. Đó là tiềm năng, thế mạnh để tỉnh phát triển không gian du lịch (DL) có trọng tâm, trọng điểm và bền vững.


Thắng cảnh ruộng bậc thang xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì). Ảnh: Chu Việt Bắc

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Tỉnh ta có tiềm năng DL đa dạng, phong phú và đặc trưng. Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đó, quy hoạch phát triển DL Hà Giang phù hợp với chiến lược phát triển DL Việt Nam, định hướng phát triển DL vùng Trung du, miền núi Bắc bộ và quy hoạch phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, phát triển DL cần tốc độ nhanh để hòa nhập với khu vực và cả nước, theo hướng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đảm bảo sản phẩm DL có thương hiệu, cạnh tranh cao. Là địa phương giàu bản sắc văn hóa của 19 dân tộc, nên làm DL cũng đi liền với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Với vị trí chiến lược quan trọng, DL của tỉnh sẽ phát triển trong mối liên hệ vùng, cả nước và quốc tế, tạo nguồn khách thường xuyên và ổn định.

Hiện nay, hệ thống sản phẩm dịch vụ DL của tỉnh cơ bản dựa trên 3 không gian, phân vùng DL như: DL trung tâm; DL Đông Bắc; DL Tây Nam. Đối với không gian DL Tây Nam, gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình với chức năng chính là du lịch sinh thái, leo núi kết hợp văn hóa bản địa. Trong đó, lấy thắng cảnh ruộng bậc thang, địa hình núi cao của dải Tây Côn Lĩnh làm trọng tâm phát triển. Có thể nói, với hệ thống cảnh quan di sản ruộng bậc thang mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, đan xen cùng Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, Bàn Vương của dân tộc Dao, hay chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi đang thu hút sự quan tâm rất lớn của du khách và các nhà đầu tư.

Những năm qua, bên cạnh công tác lãnh, chỉ đạo phát triển KT - XH, huyện Quang Bình hết sức coi trọng việc đẩy mạnh phát triển DL, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện có 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng; duy trì tổ chức Lễ hội Đua thuyền, Nhảy lửa, kéo chày, cầu mưa của dân tộc Pà Thẻn; Cấp sắc của người Dao, mừng cơm mới của người La Chí; Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Tày… Mỗi năm, thu hút trên 12.000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, doanh thu từ dịch vụ DL ước đạt hơn 5 tỷ đồng. Do đó, phát triển sản phẩm DL đặc trưng trong liên kết vùng giữa các huyện phía Tây là việc làm cần thiết để từng bước tháo gỡ những khó khăn, giúp các địa phương kết nối, xây dựng các tour, tuyến DL, xúc tiến quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư khai thác sản phẩm DL.

Huyện Hoàng Su Phì có 2.196,4 ha ruộng bậc thang tại 11 xã thuộc vùng di sản được bảo vệ, xếp vào loại đẹp nhất Việt Nam. Cùng với vẻ đẹp trường tồn theo năm tháng của những “bậc thang vàng”, văn hóa tâm linh mang đậm nét nông nghiệp lúa nước vô cùng độc đáo, hấp dẫn đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách. Năm 2019 - lần thứ 5 huyện tổ chức thành công Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Ruộng bậc thang” với các sự kiện như: Hội thi pha trà, thi dù lượn, đua mô tô mạo hiểm… Mục tiêu đến năm 2021, đón khoảng 110.000 lượt khách, doanh thu DL đạt 260 tỷ đồng; vì vậy, ngoài các sản phẩm DL nghỉ dưỡng, thể thao, mạo hiểm, DL sinh thái, điểm nhấn là di sản ruộng bậc thang được huyện đặc biệt quan tâm.

Trên bản đồ DL huyện Xín Mần, sự giao thoa, hòa quyện tinh tế giữa cảnh sắc thiên nhiên và con người đã tạo cho mảnh đất này nhiều lợi thế về tài nguyên DL tự nhiên nổi tiếng, phải kể đến đó là: Điểm dừng chân Khuôn Lùng; khu DL nghỉ dưỡng suối khoáng Nậm Choong, Làng Văn hóa DL Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên; đèo Gió - thác Tiên, bãi đá cổ Nấm Dẩn; di tích lịch sử Nàn Ma; đình Mường; đền Gia Long; hang Thiên Thủy. Với điều kiện thuận lợi, thị trấn Cốc Pài giữ vai trò trung tâm, chi phối các điểm DL trên địa bàn và cầu nối với DL các tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Mosaic bày tỏ: “Với kinh nghiệm trong lĩnh vực DL gần 20 năm, tôi đã đưa rất nhiều đoàn khách nước ngoài đến Hà Giang. Qua đợt khảo sát gần đây, tôi thấy 3 huyện phía tây của tỉnh đều có những cảnh sắc rất đẹp và nên thơ, con người hiền hậu, mến khách. Theo tôi, các huyện cần giữ gìn hệ thống sinh thái tự nhiên sẵn có, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm để tạo sức hút cho du khách. Đồng thời, có những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đồng hành cùng địa phương xây dựng sản phẩm DL bền vững”.

Với các chủ chương, chính sách phát triển DL, đến năm 2020, DL của tỉnh cơ bản là ngành kinh tế có vị trí quan trọng, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế. Chính vì vậy, liên kết phát triển DL là một xu hướng tất yếu, để xây dựng các sản phẩm đặc thù./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục