Hoạt động của ngành

Lễ hội Thành Tuyên là thương hiệu du lịch đặc trưng của Tuyên Quang

Cập nhật: 21/08/2023 14:42:14
Số lần đọc: 735
 Ngày 19.8, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh, Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Chương trình Tọa đàm giới thiệu tuyến, điểm du lịch Tuyên Quang cho các doanh nghiệp, công ty lữ hành, đại diện các đơn vị báo chí ở ba miền Bắc - Trung - Nam.


Tọa đàm giới thiệu tuyến, điểm du lịch Tuyên Quang cho các doanh nghiệp, công ty lữ hành 3 miền Bắc - Trung - Nam

Tham dự buổi toạ đàm có Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh, lãnh đạo các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố; các cơ quan báo chí trung ương, địa phương và hơn 40 doanh nghiệp, công ty lữ hành của ba miền Bắc - Trung - Nam.

Tại buổi Toạ đàm, đại điện các doanh nghiệp, công ty lữ hành đã đánh giá cao về tiềm năng và lợi thế của du lịch Tuyên Quang. Đồng thời, góp ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động du lịch; phát triển du lịch cần định hướng doanh nghiệp phát triển các sản phẩm phù hợp với địa phương.

Cùng với đó cần quan tâm khai thác sản phẩm du lịch gắn kết với những câu chuyện lịch sử, trải nghiệm; mời người nổi tiếng tham gia quảng bá du lịch nhằm tạo hiệu ứng và sức lan tỏa sản phẩm du lịch; tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, du lịch đêm, du lịch lễ hội, các điểm du lịch check in; thường xuyên cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp lữ hành để chủ động giới thiệu, chào bán sản phẩm tới du khách…

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, hấp dẫn và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng; văn hóa độc đáo, nơi sinh sống của người dân 22 dân tộc; người dân đôn hậu, thân thiện. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch.

Đoàn khảo sát tham quan Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào

Hiện nay, Tuyên Quang rất có thế mạnh để phát triển du lịch lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh, du lịch lễ hội...

Với trên 650 di tích lịch sử, Tuyên Quang được đánh giá là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam. Tuyên Quang cũng là địa danh nổi tiếng với 2 Thủ đô: “Thủ đô khu giải phóng” trong cách mạng tháng Tám năm 1945 và “Thủ đô khách chiến” trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân xâm lược.

Đặc biệt trong những ngày này, cả nước đang kỷ niệm 78 ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào rất đông khách tham quan. Khu di tích này nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống, là địa điểm thăm quan hấp dẫn của nhân dân trên mọi miền đất nước; là điểm đến trong hành trình thăm quan, nghiên cứu của khách quốc tế.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Tuyên Quang được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh độc đáo, hấp dẫn, trong đó, nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, đã được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt. Nhiều điểm đến đã và đang thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, tiêu biểu như: danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, danh lam thắng cảnh quốc gia thác Bản Ba (huyện Chiêm Hóa) và Động Tiên (huyện Hàm Yên)…

Tuyên Quang cũng định hướng khai thác du lịch nghỉ dưỡng với việc phát huy thế mạnh từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm. Đây là nguồn nước khoáng được đánh giá là số ít những mỏ nước khoáng tốt nhất tại miền Bắc Việt Nam. Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Mỹ Lâm  -  Vinpearl Tuyên Quang là quần thể Khu trung tâm nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khoẻ và vui chơi giải trí với quy mô gần 600ha đang được Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng của Tuyên Quang.

Các đơn vị lữ hành, công ty du lịch đã khảo sát, trải nghiệm các loại hình du lịch tại Tân Trào

Với loại hình du lịch tâm linh, Tuyên Quang là địa phương có hệ thống đền, chùa nổi tiếng, linh thiêng và tập trung nhiều ở thành phố Tuyên Quang. Với đặc thù của “miền Mẫu Thoải”, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, hằng năm, Tuyên Quang thu hút hàng vạn lượt du khách đến hành hương bái Phật, lễ Mẫu.

Bên cạnh đó, hơn 40 lễ hội dân gian, truyền thống được tổ chức thường niên, trong đó có nhiều lễ hội hết sức độc đáo, hấp dẫn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, du khách, nổi bật như: Lễ hội rước mẫu đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La; Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày…

Đặc biệt, những năm gần đây, Lễ hội Thành Tuyên đã thành một sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo, đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang. Lễ hội này được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Trung thu. Thời gian diễn ra Lễ hội kéo dài khoảng 30 ngày (từ ngày 15.7 đến 15.8 âm lịch), với sự tham gia của hàng trăm mô hình đèn trung thu khổng lồ, lung linh, rực rỡ sắc màu được nhân dân diễn diễu trên đường phố vào các buổi tối.

Trải qua gần 20 năm, Lễ hội Thành Tuyên đã thu hút người dân tham gia, sáng tạo và duy trì, phát triển. Đã 3 lần được Hội đồng Kỷ lục quốc gia trao bằng xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam là: “Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam"; “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”; "Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam", Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, thương hiệu du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành thương hiệu du lịch nổi bật của tỉnh

“Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế. Vì vậy, trong khuôn khổ của Lễ hội năm nay sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hết sức đặc sắc, hấp dẫn, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, với quy mô khu vực và quốc gia”, ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết.

Trong đó, điểm nhấn là Chương trình Đêm hội Thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp quốc gia, có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc và địa phương 2 nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là Hàn Quốc và CHDCND Lào, chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam; Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV; Liên hoan các Làng văn hoá du lịch cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc; Chương trình “Điện ảnh - Kết nối di sản và du lịch Tuyên Quang”; Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023; Chương trình “Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt” năm 2023.

Đánh giá cao việc Tuyên Quang tổ chức Chương trình Khảo sát, tọa đàm giới thiệu tuyến, điểm du lịch cho các doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch ngoài tỉnh, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, đây là hoạt động giới thiệu, truyền thông, xúc tiến du lịch quan trọng nhằm thu hút du khách về Lễ hội Thành Tuyên nói riêng và toàn Tỉnh Tuyên Quang nói chung.

Đoàn khảo sát tại Quảng trường phố núi Tuyên Quang. Quảng trường này đã đoạt giải Phong cảnh thành phố châu Á 2022

Lễ hội Thành Tuyên là lễ hội độc đáo, đặc trưng riêng của tỉnh Tuyên Quang và là điểm nhấn để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trong và ngoài tỉnh liên kết xây dựng các tour, tuyến; tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Tuyên Quang.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong những năm qua Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút phát triển du lịch phù hợp, đồng thời Tuyên Quang là mảnh đất nhiều tiềm năng, hứa hẹn để đầu tư, khai thác phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng các chương trình du lịch thu hút du khách.

Các doanh nghiệp đã và đang khảo sát mở tour du lịch, quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách; xây dựng chương trình thu hút khách đến với Tuyên Quang, tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, góp phần đưa du lịch của Tuyên Quang ngày càng phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp du lịch mong muốn được liên kết chặt chẽ hơn nữa, nhận được sự hỗ trợ từ các cấp ủy chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, thường xuyên trao đổi, tạo điều kiện để xử lý tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác phát triển du lịch của tỉnh. Từ đó, khai thác tốt nhất tiềm năng của tỉnh Tuyên Quang, đẩy mạnh tăng trưởng và đa dạng hóa hoạt động hợp tác phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình khảo sát tăng cường liên kết, hợp tác, quảng bá cho du lịch Tuyên Quang, đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc trưng. Sau khi kết thúc chương trình khảo sát, các doanh nghiệp cũng sẽ nhanh chóng triển khai bộ sản phẩm du lịch Tuyên Quang, đặc biệt là sản phẩm du lịch Trung thu Tuyên Quang và đưa vào khai thác.

Nhiều ý kiến góp ý tại Tọa đàm cũng khẳng định tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của Tuyên Quang, định hướng trong việc đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch, quản lý điểm đến; hình thành mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch với các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Đồng thời, định hướng thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường quảng bá xúc tiến; kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, sớm đưa Tuyên Quang trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với du khách.

*Trước đó, từ ngày 18-19.8, đoàn khảo sát đã đến khảo sát tiềm năng, các điều kiện dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương); Thiền viện Trúc Lâm, đền Thượng; tham gia trải nghiệm làm mô hình, diễn diễu mô hình đèn trung thu…

Thúy Hà; ảnh: Quảng Hà

 

Nguồn: Báo Văn Hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 19/08/2023

Cùng chuyên mục