Non nước Việt Nam

Làng cổ Cây Dừa (Bình Định) - một vùng trầm tích văn hóa

Cập nhật: 03/05/2020 19:25:06
Số lần đọc: 1339
Làng Cây Dừa là một vùng đất nằm ở thung lũng thượng lưu sông Côn, tiếp giáp dãy Trường Sơn, nguyên thuộc huyện Tuy Viễn, rồi huyện Bình Khê, ngày nay thuộc địa phận huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Lần ngược theo lịch sử sẽ thấy nơi đây là cả một vùng trầm tích văn hóa thú vị.

Tên làng Cây Dừa xuất hiện từ bao giờ trong lịch sử, hiện nay khó mà xác định rõ ràng. Nhưng theo nhiều tài liệu có thể phỏng đoán tên làng Cây Dừa xuất hiện sớm nhất từ quãng thế kỷ XV, sau khi phủ Hoài Nhơn được hình thành và là miền biên viễn của Đại Việt. Đến thế kỷ XVIII, ở vùng đất mới này đã xuất hiện những địa danh có liên quan tới Cây Dừa: Làng Cây Dừa, Bến Cây Dừa, Chợ Cây Dừa, Núi Cây Dừa. Khu chợ Cây Dừa ngày nay là Trường THCS Vĩnh Thịnh và trụ sở của UBND xã Vĩnh Thịnh. Dấu tích liên quan duy nhất còn lại hiện nay là cây đa ở bến Cây Dừa. 

Di tích cổng miếu Vĩnh An ở thôn An Nội (xã Vĩnh Thịnh), tức làng Cây Dừa ngày xưa.

NHỮNG NGƯỜI THÍCH XÊ DỊCH, THƯƠNG NHÂN THỦ TÍN

Đến thế kỷ XIX, tên chữ Vĩnh Thạnh mới xuất hiện để định danh tên gọi nôm na làng Cây Dừa. Từ một vùng đất cổ xưa nay thành huyện cho nên ranh giới trong lịch sử của vùng làng Cây Dừa rất linh động. Ngay cả tên gọi, để phân biệt, chữ Hán có một ký tự nhưng lại có hai âm, cho nên hiện nay Vĩnh Thịnh được dùng cho tên xã, còn Vĩnh Thạnh được dùng cho tên huyện.

Vùng Cây Dừa tuy đất rộng người thưa, nhưng nhiều cư dân của làng vẫn bỏ nhà đi rất xa, làm ăn ở phía Tây. Vì vậy cư dân Cây Dừa gắn bó với cư dân các vùng xa xôi đến tận Hạ Lào. Có thể hình dung họ là những người đã nối thị trường đồng bằng ven biển Trung Trung bộ với những cư dân miền núi, những bộ tộc xa xôi trên dãy Trường Sơn, đi sâu vào nội địa Lào.

Từ thời nhà Lê, triều đình đã lưu đày các tù nhân phạm trọng tội đến những vùng biên viễn như vùng Cây Dừa để mở mang vùng đất mới. Để tồn tại, những trọng phạm buộc phải thích nghi với môi trường mới, kết giao tốt với cư dân bản địa và quan trọng nhất là nhanh chóng thoát ly khỏi sự giám sát của quan lại địa phương. Muốn vậy họ phải dịch chuyển ngày càng sâu vào hướng Tây núi rừng mênh mông, vượt qua đèo An Khê lên vùng “Tây Sơn thượng đạo”. Tập hợp những người như vậy thành làng và làng của họ là hệ thống mở, tập hợp nhiều loại người khác nhau nhiều thứ nhưng điểm chung là mạnh mẽ, cởi mở, dễ thích nghi.

Đối với các chúa Nguyễn, những rắc rối, phức tạp về mặt chiến lược đều nằm ở hai đầu Bắc - Nam. Chúa Nguyễn cần phía Đông và phía Tây ổn định để hướng tới các mục tiêu phát triển có tính chiến lược. Biển Đông là nơi giao lưu buôn bán với nước ngoài tạo cơ sở vững mạnh cho nền kinh tế; vùng rừng núi phía Tây là nguồn lâm thổ sản quan trọng dành cho xuất khẩu, vì vậy chúa Nguyễn sử dụng những chính sách hòa hoãn, mềm dẻo hơn.

Vùng Cây Dừa tuy đất rộng người thưa, nhưng nhiều cư dân của làng vẫn bỏ nhà đi rất xa, làm ăn ở phía Tây. Vì vậy cư dân Cây Dừa gắn bó với cư dân các vùng xa xôi đến tận Hạ Lào. Có thể hình dung họ là những người đã nối thị trường đồng bằng ven biển Trung Trung bộ với những cư dân miền núi, những bộ tộc xa xôi trên dãy Trường Sơn, đi sâu vào nội địa Lào. Ngày nay người già ở rất nhiều làng Bana còn kể về sự phổ biến những bộ chiêng, ché quý có nguồn gốc từ Lào, đây có thể là bằng chứng về quan hệ thương mại khá mạnh vào thời ấy. Thương nhân vùng Cây Dừa là những thương lái nổi tiếng về khả năng thủ tín. Uy tín này lớn đến mức đến đời con cháu, khi đến nơi mà cha ông mình từng buôn bán, giao lưu, họ vẫn còn được đồng bào bản địa chấp nhận, tạo điều kiện cư trú làm ăn. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, theo đường rừng, người làng Cây Dừa còn vào tới Đà Lạt làm ăn kiếm sống, còn bắt mối họ hàng, liên lạc với những nhóm đồng bào dân tộc thiểu số vốn quen biết với ông bà của họ. Họ lưu lại sống bằng nghề thương lái, chủ yếu là đổi muối, đổi cá khô.

Năm 1863, khi nhà Nguyễn củng cố lại trấn Sơn Phòng, đến đây cũng là năm các cuộc khởi nghĩa Sơn Phòng chống thực dân Pháp rất ác liệt. Các trạm giao dịch cũ thay bằng các đồn binh, đây cũng là thời điểm nhiều người Việt từ làng Cây Dừa di chuyển lên Tây Nguyên sinh cơ lập nghiệp.

Một góc làng Bana Cây Dừa ngày nay.

MỘT VÙNG TRẦM TÍCH VĂN HÓA

Làng Việt ở Cây Dừa có từ thế kỷ XV, nhưng đơn vị này chưa phải là đơn vị mang tính chất quân chủ hóa như các làng vùng đồng bằng Bắc bộ. Về mặt hành chính tuy thuộc loại nhất xã, nhất thôn, mang tính thôn xã, nhưng vẫn không có nhiệm vụ quản lý ruộng đất và các nguồn tài nguyên khác mà về mặt lý thuyết được xem như thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà vua. Mặt khác, quá trình hình thành làng Cây Dừa cho thấy, đây là một mô hình làng mới phù hợp với con người và điều kiện sinh thái mới, chứ không phải và không thể là một mô hình đã định hình ở phía Bắc được Nguyễn Hoàng du nhập vào phía Nam. Đó là một điểm khác biệt của làng cổ này.

Cư dân bản địa vùng làng Cây Dừa có liên quan đến tổ tiên của những tộc người sau này là người Bana, người Chăm và nhiều tộc người khác thuộc hai nhóm ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo. Trên thềm sông Ba cổ thuộc TX An Khê hiện nay, nguyên là vùng đất Tây Sơn thượng đạo, thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, từ năm 2015-2019, Viện Khảo cổ Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam hợp tác với Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirst, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Nga đã khai quật phát hiện di chỉ khảo cổ học sơ kỳ đá cũ. TS Anatony Derevianko Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Nga, cho biết: “Với những hiện vật và qua nghiên cứu có thể khẳng định An Khê là một trong những cái nôi cổ xưa nhất trong lịch sử phát triển của loài người trên thế giới”.

Bình Định là tỉnh phát hiện nhiều trống đồng Đông Sơn nhất vùng Nam Trung bộ, và điểm rất đặc biệt là chúng tập trung khá đậm đặc khu vực làng Cây Dừa. Làng Cây Dừa là một trong những trung tâm của những chiếc trống đồng loại Heger I.

Trong phạm vi huyện Bình Khê cũ, từ năm 1997, đã phát hiện 10 chiếc trống đồng Heger I. Trong 10 chiếc này, địa bàn Vĩnh Thạnh có 4 chiếc (xã Vĩnh Quang, xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thịnh). Đến năm 1998, số lượng trống đồng Heger I phát hiện ở đây lên đến con số 15 chiếc. Trong đó, di tích gò Cây Thị phát hiện 6 trống đồng Heger I trong phạm vi 200 m2. Ngoài ra, còn có một số trống đồng khác được người dân địa phương phát hiện bị thất tán.

Căn cứ phân tích quang phổ, trống đồng phát hiện ở làng Cây Dừa có hàm lượng chì lớn hơn rất nhiều so với trống đồng phát hiện từ Nghệ An trở ra. Và việc các nhà địa chất tìm thấy ở vùng Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát có những nhóm khoáng sản liên quan đến những nguồn quặng đúc trống đồng cổ, GS Diệp Đình Hoa - một chuyên gia nghiên cứu trống đồng nhận định, vùng làng Cây Dừa vào thời đại kim khí là một trong những trung tâm khai khoáng luyện kim mà tác phẩm đặc trưng là trống đồng Heger I, hiện vật biểu trưng của nền văn minh Đông Sơn. Như vậy có thể phỏng đoán, cư dân làng cổ Cây Dừa đã nắm vững kỹ thuật luyện kim và đúc được những sản phẩm tinh xảo như trống đồng. Còn câu hỏi những kỹ thuật này có phải là tiếp thu từ người Việt cổ không rất cần những nghiên cứu sâu hơn.

NGUYỄN THANH QUANG

 

Nguồn: baobinhdinh.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT