Hoạt động của ngành

Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng với lợi ích kinh tế

Cập nhật: 24/12/2019 14:08:33
Số lần đọc: 1558
Những năm qua, du lịch Lai Châu nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng đã và đang đang có bước phát triển mạnh mẽ mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế-xã hội của tỉnh. Qua đó, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.


Điểm du lịch cộng đồng bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ, bản sắc văn hóa độc đáo, nhiều hình thức du lịch trải nghiệm mới được triển khai, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) đang thu hút đông đảo du khách gần đến thăm quan, khám phá. Theo thống kê, bản Sin Suối Hồ có 113 hộ, trong đó 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay. Nếu như trước kia du khách đến bản chỉ bởi địa danh đẹp, thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào và ra về trong ngày thì nay được hòa mình và trực tiếp trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa. Chị Hảng Thị Sú (người dân bản Sin Suối Hồ) chia sẻ: “Bà con trong bản làm dịch vụ homestay, du khách có thể ở tùy thích. Trong thời gian đó, cùng thưởng thức những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực, sinh hoạt của đồng bào Mông  và trải nghiệm công việc đồng áng: gặt lúa, hái thảo quả…”.

Theo ước tính, trung bình mỗi tháng có hàng trăm lượt du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại bản Sin Suối Hồ, trong đó đa số là khách nước ngoài. Với giá dịch vụ phải chăng, hình thức du lịch hấp dẫn giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống, con người và giá trị truyền thống dân tộc. Đó là điều tuyệt vời để tạo nên những kỷ niệm đẹp cho mỗi du khách khi đến với Sin Suối Hồ.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kết hợp Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch. Theo đó, bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ phát triển loại hình du lịch cộng đồng như: đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường nội bản, điện, nước sinh hoạt… Hỗ trợ các loại giống cây trồng: mắc ca, đào, sơn tra… để hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung tại xã: Nùng Nàng, Hồ Thầu (huyện Tam Đường), Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); hỗ trợ làm nhà vệ sinh, cung cấp trang thiết bị để duy trì và phát triển nghề truyền thống. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ hoạt động đội văn nghệ quần chúng và mua sắm trang thiết bị phục vụ khách du lịch; hỗ trợ phát triển dịch vụ homestay; xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sin Suối Hồ.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 11 điểm du lịch cộng đồng với 30 hộ kinh doanh dịch vụ homestay đáp ứng nhu cầu khách thăm quan. Hỗ trợ giới thiệu tiềm năng, lợi thế và các thông tin liên quan đến các điểm du lịch cộng đồng trên Website, mạng xã hội: facebook, youtube, zalo… Xuất bản các loại tờ rơi, tập gấp, cẩm nang, bản đồ du lịch; giới thiệu quảng bá du lịch tại hội chợ thường niên, sự kiện tại các tỉnh với sự tham gia trực tiếp tại nhiều điểm du lịch cộng đồng.

Anh Trần Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Sở thường xuyên phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Trung ương, tỉnh về phát triển du lịch, đặc biệt là nâng cao ý thức người dân tự giác giữ gìn môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tại các điểm du lịch. Trong đó, đặt thùng rác, trồng cây, hoa, làm đẹp nhà cửa, bản làng, di dời chuồng trại gia súc, bảo đảm an ninh trật tự; có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương. Mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về du lịch, trang bị những kiến thức cơ bản về làm du lịch cho bà con; hướng đến phục vụ chuyên nghiệp”.

Sau gần 3 năm triển khai Đề án 316 Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016-2020”, tỉnh luôn ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chủ lực “du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh tại khu vực thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường”. Đến nay, Lai Châu đã khai thác có hiệu quả một số sản phẩm du lịch cộng đồng tại bản: Sin Suối Hồ, Vàng Pheo của huyện Phong Thổ; bản Hon, Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, Nà Khương của huyện Tam Đường… Toàn tỉnh có 111 cơ sở lưu trú với 2.028/2.200 buồng/phòng, trong đó 87 nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê/nhà homestay. Tổng lượng khách đến tỉnh đạt 350.000 lượt với thời gian lưu trú khách du lịch quốc tế 1,6 ngày; khách du lịch nội địa 1,75 ngày; doanh thu đạt 450 tỷ đồng.

“Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các cấp, ngành, địa phương định hướng, quy hoạch các khu, điểm du lịch phát triển theo hướng bền vững với điểm nhấn là du lịch cộng đồng. Lựa chọn địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, không làm đại trà; đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển du lịch địa phương. Trong đó, hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, xây dựng công trình nhà vệ sinh tại các nhà có phòng ở cho khách, hỗ trợ sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống” - anh Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định./.

Nguồn: Báo Lai Châu

Cùng chuyên mục