Hoạt động của ngành

Lai Châu cần ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, kết nối với các trung tâm du lịch lớn của cả nước

Cập nhật: 14/10/2024 15:54:52
Số lần đọc: 183
(TITC) - Ngày 13/10, tại Lai Châu đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lai Châu năm 2024 với sự tham gia của hơn 500 đại biểu và các nhà đầu tư trong nước. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu tham dự hội nghị.

Khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lai Châu năm 2024. Ảnh: Báo Lai Châu

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương khẳng định, tỉnh cam kết sẽ nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng; đồng thời đồng hành và hỗ trợ đối với các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lai Châu phát triển”.

Với mong muốn hiện thực hóa tiềm năng sẵn có, Lai Châu luôn mến khách, trọng đối tác, mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư và kỳ vọng sẽ kêu gọi thu hút đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực có thế mạnh như: Nông, lâm nghiệp; du lịch, thương mại-dịch vụ,... Từ đó hiện thực hóa các mục tiêu phát triển Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Lai Châu

Chính quyền các cấp của Lai Châu cũng cam kết phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Lai Châu có thế mạnh đa dạng cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ thống hang động phong phú, các đỉnh núi hùng vĩ; văn hóa các dân tộc bản địa đặc sắc; môi trường thiên nhiên mát mẻ... Tỉnh có cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng; có diện tích đất nông nghiệp chiếm 71%, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng chủ lực, các loại dược liệu quý hiếm và công nghiệp chế biến...

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Lai Châu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, Lai Châu là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, khí hậu trong lành kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như Đỉnh Pu Si Lung (3.083m), đỉnh Pu Ta Leng (3.049m), đèo Ô Quy Hồ, cao nguyên Sìn Hồ, đồi chè Tân Uyên, Bạch Mộc Lương Tử, cánh đồng Mường Than, bản Sì Thâu Chải, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ… cùng với 20 dân tộc anh em sinh sống gắn với các lễ hội truyền thống đặc sắc là điều kiện rất tốt để phát triển du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh.

Cùng với đó, chính quyền tỉnh Lai Châu đã ban hành một loạt cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Nhờ đó, năm 2023, tổng khách du lịch đến Lai Châu đạt 1,05 triệu lượt, tăng 37% so với năm 2022 và tổng thu du lịch đạt 784 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm, Lai Châu đã đón gần 1,1 triệu lượt khách, trong đó có 1.076.000 lượt khách nội địa, tăng 37,42% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 900 tỷ đồng, tăng 55,06% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là những kết quả đáng khích lệ, hứa hẹn đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực Tây Bắc như mục tiêu mà Đảng bộ, Chính quyền tỉnh đã đề ra.

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Lai Châu với các nhà đầu tư. Ảnh: Báo Lai Châu

Tuy nhiên, ngành du lịch tỉnh vẫn tồn tại những hạn chế như: chưa khai thác được thị trường khách du lịch cao cấp; cơ sở hạ tầng chậm phát triển, chưa đồng bộ, thiếu cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (toàn tỉnh chỉ có 1 khách sạn 5 sao, không có khách sạn 4 sao; Cả tỉnh mới có 2 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 22 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 6 hướng dẫn viên du lịch nội địa); Tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng nhưng còn thiếu sản phẩm du lịch đặc thù, nổi trội; Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư du lịch chiến lược; Công tác xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin du lịch chưa được chú trọng.

Với mục tiêu du lịch Lai Châu phát triển theo hướng xanh và bền vững, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị địa phương tiếp tục hoàn thiện chính sách theo sát phương châm đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/NQ-CP là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Ưu tiên bố trí nguồn lực tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng tăng cường liên kết trong tỉnh, liên vùng với các trung tâm du lịch lớn của cả nước và với Trung Quốc. Tăng cường quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; có chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch. Tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch có quy mô, hiệu quả, tạo đột phá về nhận diện thương hiệu, hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch Lai Châu trên các nền tảng số. Chú trọng đào tạo, phát triển nhân lực du lịch. Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa - xã hội…

Đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Ảnh: Báo Lai Châu

Tại hội nghị lần này, tỉnh Lai Châu đã công bố 61 danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực: Nông-lâm nghiệp, du lịch và thương mại-dịch vụ. Trong đó, có nhiều dự án đáng chú ý như: Vùng trồng và sản xuất chè huyện Tân Uyên, Tam Đường; Trồng sâm, thảo dược ở các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ; Khu nghỉ dưỡng cao nguyên Sìn Hồ, tổ hợp sân golf Tân Uyên, nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu huyện Than Uyên; siêu thị, trung tâm thương mại Tam Đường,…

Cũng tại hội nghị lần này, đại diện UBND tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 doanh nghiệp với số vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng. Trao giấy chứng nhận cấp mã số cơ sở trồng sâm Lai Châu cho hai nhà đầu tư. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Lai Châu với 12 nhà đầu tư về các lĩnh vực như: Bất động sản, du lịch, cây ăn quả dược liệu, chế biến nông lâm sản, tiêu thụ sản phẩm.

Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2024, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư; làm việc với Đoàn công tác của các Bộ, ngành liên quan và hệ thống phân phối, bán lẻ để tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP của địa phương.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 14/10/2024

Cùng chuyên mục