Hoạt động của ngành

Khánh Hòa phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch

Cập nhật: 27/03/2023 10:33:31
Số lần đọc: 507
Tỉnh Khánh Hòa có ngành nông nghiệp đa dạng và ngành du lịch phát triển. Việc kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch tạo ra nhiều cơ hội tốt cho địa phương, tạo điều kiện giải quyết sinh kế cho người dân ven biển.

Hơn 1 năm nay, khu trưng bày, chế biến rong nho của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu D&T tại xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang luôn mở cửa đón khách đến tham quan. Không chỉ học sinh, sinh viên mà có rất đông du khách đến đây để quan sát công nhân làm việc, trải nghiệm quá trình phát triển, chế biến các sản phẩm rong nho. Doanh nghiệp này đang liên kết với hàng trăm hộ dân trồng hơn 90 ha rong nho tại vịnh Vân Phong. Đồng thời, tổ chức cho du khách tham quan khu chế biến, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Quang Duy, Giám đốc Công ty D&T cho biết: “Khánh Hòa đang có một sản vật là rong nho biển, đã làm ra được những sản phẩm có giá trị gia tăng. Khách hàng họ tò mò, tận mắt họ thấy được cọng rong biển nuôi trồng như thế nào, ra được sản phẩm đầu cuối. Đặc biệt hơn nữa là họ được trải nghiệm, tự tay vớt, thưởng thức tại chỗ. Tự tay họ lựa rong, tự mang về đất nước họ”.

Từ nhiều năm nay, du lịch biển, đảo là thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa nhưng việc phát triển các sản phẩm du lịch đồng quê, du lịch gắn với nông nghiệp, cộng đồng còn hạn chế. Các loại nông sản, thủy sản sơ chế bán cho khách du lịch khá đơn điệu. Du lịch gắn với cộng đồng nông thôn, làng chài ven biển vẫn còn yếu, thiếu tính đặc sắc. Mỗi năm, du lịch cộng đồng chỉ thu hút khoảng 10.000 lượt khách, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ quá thấp so với tổng doanh thu của ngành du lịch Khánh Hòa.

Học sinh trải nghiệm sơ chế rong nho.

Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ chi 8 tỷ đồng hỗ trợ du lịch cộng đồng, phát triển các điểm đến tại vùng nông thôn, miền núi. Các huyện, thị xã sẽ được hỗ trợ xây dựng các sản phẩm mới, người dân được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ du lịch.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết đơn vị đã tổ chức các đoàn tham quan về mô hình du lịch ở các tỉnh phía Bắc để học tập, xây dựng du lịch gắn liền với nông nghiệp tại địa phương: “Mỗi địa phương sẽ có một mô hình khác nhau, việc cụ thể mô hình đó như thế nào, phụ thuộc địa phương triển khai đến cộng đồng bà con nông dân. Xây dựng thành mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương, mỗi địa phương phải xác định được thế mạnh của mình là gì, để tập trung hỗ trợ cho bà con, từ Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành”.

Khánh Hòa có vùng biển rộng, nhiều vịnh biển. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, do chạy theo sản lượng khai thác hải sản dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nguồn lợi và môi trường. Ngay tại thành phố du lịch, các cảng cá, bến cá nhếch nhác, khó thu hút du khách.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương, cần phải thay đổi tư duy cảng cá không chỉ là nơi cho bà con neo đậu tàu thuyền, mà còn là không gian phát triển, điểm đến sôi động của du khách: “Các cảng cá hiện nay nằm ở trong thành phố, đều phải tích hợp và gắn với du lịch, đưa ra những sản phẩm. Cảng sẽ đẹp, sạch, lịch sự và gắn với du lịch. Tới đây, khi duyệt những cảng cá này phải tích hợp đa giá trị và gắn với du lịch”.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thứ nhất từ trái sang) tham quan mô hình sản xuất rong nho.

Hiện cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, giúp các bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi trở nên năng động hơn. Nông, lâm, thủy sản được tăng thêm giá trị, nhiều sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP được du khách ưa chuộng. Trong khi đó, du lịch gắn liền với nông nghiệp tại khu vực Nam Trung bộ vẫn khá trầm lắng, thiếu liên kết.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng du lịch nông nghiệp, nông thôn cần dựa trên cơ sở tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, làng nghề, ẩm thực, văn hóa đa dạng. Đây là điều kiện và tiền đề rất quan trọng để cơ cấu lại du lịch nông nghiệp, nông thôn; cơ sở để các địa phương phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

“Tôi chỉ ước ao đến Khánh Hòa, bất kỳ món ăn gì cũng có chút yến trong đó, dần dần sẽ tạo ra một cảm xúc. Khoan hãy nghĩ đến xuất khẩu, thị trường khách du lịch của Khánh Hòa bao nhiêu? Tất cả các bếp ăn, nhà hàng du lịch trưng bày các sản phẩm OCOP của Khánh Hòa. Mỗi người một chút, chúng ta sẽ kích hoạt thị trường đó lên. Thị trường nội tỉnh, bản thân ngành nông nghiệp để phục vụ cho du lịch đã đủ dư địa rồi” - ông Lê Minh Hoan nói./.

Thái Bình

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 25/03/2023

Cùng chuyên mục