Hoạt động của ngành

Huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 22/02/2019 11:01:02
Số lần đọc: 2518
Ngọc Lặc là huyện miền núi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nơi đây có nhiều di tích lịch sử, hệ thống hang động, các lễ hội văn hóa và ẩm thực độc đáo, mở ra cơ hội phát triển du lịch ở vùng đất này.

Là một trong những địa phương có hệ thống hang động kỳ vĩ và độc đáo, như: Hang Bàn Bù, hang Mộc Trạch, Lộc Thịnh I và Lộc Thịnh II... Nhất là hang Bàn Bù, thuộc xã Ngọc Khê đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử danh thắng được đưa vào quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nơi đây, không chỉ đẹp mà còn gắn liền với khởi nghĩa Lam Sơn của anh hùng áo vải Lê Lợi. Ngoài ra, thiên nhiên cũng ban tặng cho Ngọc Lặc những cảnh quan thiên nhiên, như: Đồi Tô, suối Rùa, hang Nàng Ả Còm (Thúy Sơn), hồ Cống Khê, Vườn cò (Kiên Thọ). Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 15A qua huyện Ngọc Lặc cũng có hàng chục di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh và di tích đền Tép nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Không chỉ có lợi thế về cảnh quan tự nhiên và giá trị lịch sử, huyện Ngọc Lặc còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng. Đồng bào các dân tộc huyện Ngọc Lặc còn có nhiều loại hình nghệ thuật âm nhạc, diễn xướng dân gian, như: Đánh cồng chiêng, múa hát Pồn Pôông, hát đúm, hát ru, sắc bùa; một số lễ tục của người Dao, như: Lễ cấp sắc, lễ tả mạ, tết nhảy, lễ cúng Bàn Vương... Hàng năm, trên địa bàn huyện có hơn 100 lễ hội truyền thống được tổ chức, điển hình như: Lễ hội đền Tép (xã Kiên Thọ); đền Cọn (xã Cao Ngọc); đền Giếng (xã Mỹ Tân); đền Chẹ (xã Quang Trung), hang Bàn Bù, đền Bà Chúa Chầm, đền Lê Lâm, hang Cộng Sản... đã và đang thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương. Gần đây, cùng với sự phát triển nhanh du lịch của tỉnh, du lịch huyện Ngọc Lặc đã có những bước chuyển mình đáng kể và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong tỉnh. Ngày 15/1/2019, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận các điểm du lịch Đền thờ Trung túc Vương Lê Lai (đền Tép) và hang Bàn Bù. Bên cạnh đó, huyện đang thu hút đầu tư xây dựng hồ Cống Khê trở thành nơi vui chơi, giải trí.

Phát huy lợi thế trên, những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Địa phương đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh hang Bàn Bù, xã Ngọc Khê; đền Lê Lai, xã Minh Sơn; đền Bà Chúa Chầm, xã Phùng Giáo; đền Cao, xã Ngọc Trung... Tổ chức khôi phục lễ hội Rước nước, Trò diễn Pồn Pôông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa nghệ thuật trình diễn dân gian Xường giao duyên của dân tộc Mường vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia; đề tài “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng Mo của dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc” được công nhận là đề tài cấp tỉnh... Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để tôn tạo Khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh hang Bàn Bù và không gian văn hóa truyền thống huyện Ngọc Lặc để thu hút du lịch. Tiếp tục đấu mối để nghệ thuật trình diễn dân gian xường giao duyên của dân tộc Mường sớm được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Xác định được tiềm năng và vai trò của việc phát triển du lịch theo chủ trương chung của tỉnh, huyện Ngọc Lặc đã và đang đẩy mạnh xây dựng, triển khai thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch. Trong đó, huyện tập trung khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái, văn hóa, danh thắng với quy hoạch làng nghề du lịch. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng mở rộng không gian phát triển du lịch, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khách sạn, nhà hàng./.

Nguồn: baothanhhoa.vn
Từ khóa: Thanh Hóa

Cùng chuyên mục