Hoạt động của ngành

Hà Nội phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch

Cập nhật: 21/06/2021 13:12:58
Số lần đọc: 851
Di sản văn hóa là vốn quý của Thủ đô, còn du lịch sẽ là động lực quan trọng để văn hóa phát triển bền vững và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.


Động lực để phát triển bền vững

Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – thực trạng và giải pháp”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, ngành công nghiệp văn hóa là nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của thủ đô Hà Nội. Trong đó, công nghiệp văn hóa tại Hà Nội phải gắn với du lịch, vì du lịch là lĩnh vực tổng hòa của rất nhiều thành tố văn hóa như ẩm thực, làng nghề, nghệ thuật biểu diễn, thời trang…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi tọa đàm.

Nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho thấy, du lịch văn hóa là một trong những thế mạnh canh tranh hàng đầu của Hà Nội. Thủ đô đã trở thành điểm đến thu hút du khách quốc tế nhờ khai thác tương đối hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng.

Đặc biệt, tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của thành phố Hà Nội đạt khoảng 983,5 triệu USD vào năm 2018. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng số lượng lớn làng nghề truyền thống là ưu thế vượt trội của Hà Nội so với các thành phố khác trên thế giới, với hơn 1.350 làng nghề, trong đó có những làng nghề trên 1.000 năm tuổi. Ông Nguyễn Văn Phong kỳ vọng, du lịch làng nghề tại Thủ đô sẽ được thúc đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng sản phẩm công nghiệp văn hóa Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân, chưa tạo nên làn sóng tiêu dùng của du khách tại các điểm đến du lịch. Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phong nhận định, qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy Hà Nội cần có nhiều hơn các sự kiện văn hóa mang tính quốc tế, gắn với xu thế, nhu cầu hưởng thụ của giới trẻ và du khách. Thúc đẩy hoạt động nghệ thuật biểu diễn qua mô hình hợp tác công – tư, cụ thể hóa bằng các lễ hội âm nhạc là mô hình Hà Nội cần đặc biệt quan tâm.

Chất liệu cho những tour du lịch độc đáo

Những năm gần đây, không ít mô hình văn hóa sáng tạo đã được ra đời, không chỉ phục vụ du lịch mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Hà Nội. Tiêu biểu như các dự án nghệ thuật công cộng tại khu vực Phùng Hưng và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) dần trở thành điểm đến quen thuộc của du khách.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển dự án nghệ thuật công cộng tại Phùng Hưng cho biết, nhiều năm nay sau khi được “khoác áo mới”, khu vực gầm cầu tại đường Phùng Hưng đã trở thành điểm đến cố định trong các tour du lịch, tham quan tại Hà Nội. Các doanh nghiệp lữ hành đưa du khách tới đây không chỉ để check-in, chụp ảnh mà còn tìm hiểu về lịch sử, những ký ức về cuộc sống từng gắn liền với con đường này, như những máy nước công cộng từ hàng chục năm trước, những chuyến tàu đi qua phố, những gánh hàng rong khu hay chợ xe máy đầu tiên của Hà Nội…

Du khách tham quan không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thế Sơn ( Ảnh chụp trước dịch)

Còn với dự án nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân, nhóm nghệ sĩ đã biến một khu vực lộn xộn đầy rác thải trở thành một con đường nghệ thuật dài gần 1km, với rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với một thời quá vãng như "Thuyền gương" gắn với một thời chạy lũ sông Hồng, "Nhà nổi" nhắc về những cuộc sống trên sông hay "Bến thuyền" với hình ảnh con thuyền, sóng nước từ 10.000 chai nhựa cũ... Khu vực này đã trở thành một nơi sinh hoạt cộng đồng quen thuộc của người dân và là điểm đến yêu thích của du khách quốc tế.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, Hà Nội có rất nhiều những di sản, nét đẹp văn hóa hấp dẫn để khai thác, chỉ cần hướng về cộng đồng, khiến người dân yêu thích và tự hào thì cũng sẽ thu hút khách du lịch: "Các dự án nghệ thuật và không gian sáng tạo cần kết nối được với di sản của Hà Nội, gắn ký ức cộng đồng, kết nối được với chính quyền và người dân. Thành công sẽ đến khi dự án trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là điểm đến du lịch của thành phố".

Bài học từ Paris

Ông Emmanuel Cerise - Đại diện vùng Île-de-France (Pháp) tại Hà Nội cho rằng, Hà Nội và Paris có nhiều điểm tương đồng của một vùng thủ đô, nơi sở hữu rất nhiều di sản văn hóa và giá trị độc đáo để thu hút khách du lịch. Hà Nội nên mở rộng khu vực phát triển văn hóa, du lịch ra ngoài nội thành, giống như cách Paris đã làm và thành công.

Các điểm đến tại ngoại thành Hà Nội như làng cổ Đường Lâm ngày càng thu hút du khách. (Ảnh chụp trước dịch)

Trước đại dịch Covid-19, vùng thủ đô Paris thu hút gần 50 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, những nơi thu hút đông khách nhất vẫn là các điểm đến và trung tâm văn hóa. Lượng du khách khổng lồ này đòi hỏi một không gian, hạ tầng và giao thông lớn. Chính vì vậy, Paris hình thành một mạng lưới du lịch lớn, lan tỏa ra cả vùng, khi một khu vực bão hòa thì ngay lập tức có địa điểm mới, triển lãm mới cùng những xu hướng nghệ thuật mới để thu hút khách du lịch.

“Tại Paris, công nghiệp văn hóa luôn đồng hành với du lịch. Rất nhiều sáng kiến từ chính phủ và khu vực tư nhân đã tham gia thúc đẩy đồng thời hai lĩnh vực này, như Paris Plus liên kết các điểm văn hóa thành một mạng lưới du lịch, tuyến bus RATP đưa du khách qua tất cả các địa điểm văn hóa…

Vô số lễ hội âm nhạc, nghệ thuật đường phố, các hoạt động của trung tâm văn hóa, bảo tàng được tổ chức định kỳ tại Paris; cùng với rất nhiều dịch vụ đi kèm để du khách vui chơi giải trí và đóng góp cho kinh tế địa phương. Nhìn chung, phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch cần sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau” – ông Emmanuel Cerise chia sẻ.

Đóng góp cho Hà Nội, ông Emmanuel Cerise đề xuất xây dựng sông Hồng trở thành trục chính về văn hóa, kết nối các không gian văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, phát triển du lịch đường sông và sinh thái ven sông. Các làng nghề ở ngoại vi có thể trở thành cơ sở phát triển các sản phẩm sáng tạo. Ngoài ra, Hà Nội nên phát triển các công trình hạ tầng giải trí hiện đại ở khu vực ven đô./.

Hải Nam

 

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục