Hoạt động của ngành

Hà Giang: Những bậc thang vàng Hoàng Su Phì

Cập nhật: 30/09/2021 08:44:17
Số lần đọc: 929
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Xét theo quan điểm này, Ruộng bậc thang là một sản phẩm văn hóa độc đáo của con người, do con người sáng tạo, phát triển để phục vụ cho lẽ sinh tồn của mình.



Ruộng bậc thang xã Tả Sử Choóng vào mùa lúa chín - Ảnh: CTV

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được hình thành, tồn tại và phát triển gắn liền với lịch sử cộng cư của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, La Chí… hàng trăm năm về trước. Để thích nghi với cuộc sống nơi địa hình đồi núi cheo leo, tư liệu sản xuất nghèo nàn, lạc hậu, chỉ có một vài dụng cụ thô sơ như cuốc, dao, cày, xà beng… và tinh thần cần cù lao động, cộng đồng các dân tộc đã sáng tạo nên những thửa ruộng bậc thang uấn lượn lưng đồi. Mặc dù cùng là hình thức canh tác ruộng bậc thang nhưng đối với mỗi dân tộc, tuỳ theo địa hình và cách thức canh tác lại có sự khác nhau. Nếu như người La Chí do lịch sử định canh lâu đời, cuộc sống tập trung đông đúc trong phạm vi một bản, diện tích ruộng không có nhiều, họ phải tận dụng tất cả những khu vực có thể canh tác được để làm ruộng bậc thang dẫn đến ruộng của họ thường rất đa dạng thì người Dao Đỏ ở Hồ Thầu lại có đặc điểm riêng biệt. Ruộng của người Dao Đỏ nơi đây thường ngắn và được bao quanh bởi những rừng vầu giữ đất, xen kẽ với những rừng cây và những thác nước tạo nên vẻ đẹp riêng có. Nếu như người La Chí hay người Nùng thường làm ruộng sát cạnh nhà với quan niệm ruộng đâu nhà đấy thì với người Dao Đỏ khi quan sát những thửa ruộng bậc thang ở Thông Nguyên và Nậm Ty thật hiếm gặp những ngôi nhà của đồng bào quanh đó. Người Dao quen với việc làm chòi canh trên những thửa ruộng bậc thang cũng như người La Chí quen với hình ảnh những kho thóc được dựng tách rời khỏi ngôi nhà như một sự phòng xa. Cũng do sự khác biệt trong phương thức canh tác của từng dân tộc mà ở mỗi nơi ta sẽ có những cảm nhận khác nhau khi đứng ngắm những cánh đồng bậc thang ở Hoàng Su Phì. Thông Nguyên, Nậm Ty, Bản Luốc hay Sán Sả Hồ có vẻ đẹp của sự mênh mông với những khu ruộng trải rộng xa tít tắp, Bản Phùng lại có cái đẹp của sự đồ sộ với những khu ruộng cao hàng trăm bậc, lại có những thửa ruộng chỉ bé như một cái lòng chảo hay hẹp tới mức nhiều khi không rộng quá một đường cày. Tất cả những điều đó đã làm lên sắc thái văn hoá riêng có của mỗi dân tộc trong một loại hình sản xuất nông nghiệp chung đó là canh tác trên ruộng bậc thang.


Ngắm ruộng bậc thang ở Thông Nguyên. Ảnh: Lương Khôi

Để có những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì đẹp ngút ngàn như vậy, cộng đồng các dân tộc phải trải qua các bước sáng tạo và ý chí quyết tâm, tình yêu lao động. Đầu tiên phải chọn vị trí đất khai thác, theo kinh nghiệm của người Dao Đỏ mảnh đất tốt phải đảm bảo các tiêu chí sau: Ở rừng già, có độ ẩm cao, độ dốc không quá lớn, tầng mùn trên bề mặt dày, đất đen, nếm thử thấy có vị chát và nằm ở sườn đồi hoặc chân núi hướng có mặt trời mọc. Sau đó là bước tạo mặt bằng ruộng, làm bờ ruộng, làm đất, gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc và thu hoạch. Đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì coi ruộng bậc thang là thứ tài sản truyền từ đời này qua đời khác, gia đình nào có nhiều ruộng bậc thang thì được xem là giàu có và có thời điểm lịch sử ruộng bậc thang nhiều hay ít được xác định là tiêu chí để cha mẹ tìm nơi chọn vợ, gả chồng cho con cái... 

Với giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, phương thức sản xuất, danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được xếp hạng là Danh thắng cấp Quốc gia năm 2012. Ngày nay, điều kiện KT - XH phát triển, song đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì vẫn duy trì và phát triển ruộng bậc thang vừa để phục vụ nhu cầu cuộc sống, vừa không ngừng sáng tạo nâng cao giá trị danh thắng và tạo dựng lên nhiều thương hiệu sản phẩm tiêu biểu trên chính những thửa ruộng bậc thang. 

Ngọc Hoài (Phó Giám đốc Sở VHTTDL)

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục