Non nước Việt Nam

Giữ nghề dệt thổ cẩm của người Gia Rai ở làng Ba Rgốc

Cập nhật: 16/04/2020 09:02:26
Số lần đọc: 1400
Nằm dưới chân núi Chư Mom Ray, khép mình gần khu phục hồi sinh thái, người Gia Rai ở làng Ba Rgốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum từ bao đời nay có cuộc sống hiền hòa, còn lưu giữ được nhiều phong tục, nghề truyền thống... làm nên hồn cốt của dân tộc. Khôi phục nghề dệt thổ cẩm, đan lát... gắn với phát triển du lịch cộng đồng đang mở thêm hướng đi mới ở địa phương.


Bà Y Hning làng Ba Rgốc đang dệt thổ cẩm. Ảnh: VN

Nỗi niềm người dệt thổ cẩm

Dưới ráng chiều bảng lảng, khi nhiều gia đình bật bóng đèn, tôi theo chân thôn trưởng A Grái vào nhà bà Y Hning (91 tuổi) ở làng Ba Rgốc.

Gắn một đầu khung tấm thổ cẩm vào cửa sổ, đầu kia quàng vào người để tấm thổ cẩm căng ra, hai bàn tay bà Y Hning thoăn thoắt bên khung dệt như thời còn xuân xanh.

Nở nụ cười hiền hậu chào khách, dõi mắt qua khung cửa sổ, bà nhớ về thời quá vãng: Hồi xưa, người con gái Gia Rai nào cũng gắn bó với dệt thổ cẩm. Không kể đêm ngày, hễ rảnh là chị em thường lấy khung ra dệt thổ cẩm. Dệt thổ cẩm gắn bó với người phụ nữ như việc trỉa lúa, trỉa bắp, nhổ cỏ trên rẫy, như cơm ăn, nước uống... không thể thiếu được.

Dệt thổ cẩm, tạo hoa văn trên thổ cẩm là cách để người phụ nữ Gia Rai thể hiện sự tự tôn, nét đẹp của mình trước cộng đồng, trước gia đình và thiên nhiên.

Trong dòng hồi ức, bà bảo, mình biết dệt thổ cẩm từ thời còn con gái mới lớn, khi còn chưa bắt chồng. Ban đầu là tự mình tập tò, dần dà bà, mẹ truyền nghề cho. Sáng dạ, bà nhanh biết dệt. Cái khó nhất trong dệt thổ cẩm là việc bắt chỉ, tạo ra hoa văn trên tấm thổ cẩm. Tuy nhiên, chỉ nhìn qua bà, mẹ làm đôi lần là bà thành thạo. Khi lập gia đình, bà là người có tiếng dệt đẹp, dệt nhanh trong làng.

“Không phải như bây giờ dệt bằng sợi chỉ, sợi len, hồi trước dệt bằng sợi bông cơ! Cây bông trồng trên rẫy cũng giống như trồng lúa. Vào mùa lúa chín, quả bông trên rẫy cũng nở trắng xóa. Bông nở, hái đem về nhà xe sợi. Sợi bông sau khi xe xong được đem ra nhuộm màu bằng lá cây, vỏ cây, rễ cây, củ... Tùy theo từng sản phẩm thổ cẩm định dệt mà người phụ nữ có cách nhuộm sợi thổ cẩm phù hợp để dệt. Màu phổ biến trên tấm thổ cẩm thường là màu xanh đen. Kế đến là màu trắng, đỏ, vàng, tạo ra nét hoa văn đặc trưng cho tấm thổ cẩm. Không như sản phẩm bằng sợi chỉ, sợi len như bây giờ, thổ cẩm bằng sợi bông mềm mại, bền, mát và đẹp hơn nhiều!”- bà Y Hning giãi bày. 

Trải lòng bên khung dệt, rồi nhẹ nhàng đặt khung dệt xuống, bà Y Hning vào nhà lấy ra những tấm thổ cẩm làm bằng sợi bông bà từng dệt ra cho tôi xem.

Những tấm thổ cẩm được dệt bằng sợi bông được bà Y Hning xem như kỷ vật quý. Thấy bà nâng niu, tôi lấy tay sờ nhẹ vào tấm thổ cẩm được làm bằng sợi bông, rồi lại sờ vào tấm thổ cẩm bằng sợi chỉ, sợi len bà đang dệt. Tôi cũng cảm nhận được rằng, tấm thổ cẩm bằng sợi bông rất mềm và mát hơn tấm thổ cẩm dệt bằng sợi chỉ, sợi len.  

Trả lại tấm thổ cẩm dệt bằng sợi bông, tôi hỏi bây giờ trong làng có ai còn trồng bông không?

Câu hỏi không ngờ khiến bà xúc động. “Lâu lắm rồi, trong làng không còn ai trồng bông trên rẫy nữa. Cây bông cũng mất luôn! Bà già rồi, chân yếu, không đủ sức lên rẫy. Bây giờ nếu có người muốn trồng bông, không biết lấy hạt bông ở đâu để gieo trồng!”- bà Y Hning nhấp nháy đôi mắt đỏ hoe.

Có lẽ mắt bà đang cay khi xót cho cây bông không còn nữa chăng? 

 

Cần đa dạng sản phẩm

Sản phẩm từ thổ cẩm của bà Y Hning cũng như một số gia đình người Gia Rai làng Ba Rgốc còn lưu giữ đủ loại: quần áo, khố, chăn đắp... Theo bà Y Hning cũng như người dân nơi đây, ngày trước, gia đình nào trồng nhiều bông, có phụ nữ cần mẫn, chịu thương chịu khó, dệt nhanh tay, có nhiều sản phẩm, có thể đem thổ cẩm đổi lúa, bắp, trâu bò, ghè và cồng chiêng.

Gia đình giàu có hay không, phần lớn đều phụ thuộc vào bàn tay khéo léo, giỏi giang của người phụ nữ. Vì vậy, phụ nữ thường là người có quyền lực nhất trong gia đình.

Cứ mỗi lần lấy khung ra dệt thổ cẩm, bà Y Hning bảo mình như sống lại những hồi ức đẹp thời thanh xuân. Dệt thổ cẩm với bà như một cách để trải lòng. Dệt thổ cẩm như một cách để bà khuyên khéo lớp con cháu không để thất truyền nghề, bỏ quên nguồn cội. Dệt thổ cẩm như một cách để bà gắn quá khứ với tương lai!

Từ trong sâu thẳm, tôi biết bà Y Hning đang thiết tha với thổ cẩm. Thật vậy, bởi không đâu khác, trang phục thổ cẩm nói lên cốt cách của một dân tộc. Từ bà và qua những người có tâm với nghề, tôi biết việc họ đang lo lắng, sợ một mai trang phục thổ cẩm không còn hiện diện trong đời sống, trong lễ hội của người Gia Rai. Sẽ như thế nào, nếu như trong các lễ hội của người Gia Rai thiếu đi trang phục thổ cẩm.

Qua cách bà Y Hning trải lòng, tôi biết bà có cái lý của mình. Bởi hiện nay, có rất nhiều người con gái Gia Rai thờ ơ với thổ cẩm, không biết dệt thổ cẩm. Đành rằng, xã hội phát triển, lớp trẻ có nhiều thứ cần phải học như học chữ, học kiến thức, học cách thích ứng với xã hội hiện đại, nhưng học cách giữ nghề truyền thống cũng không kém phần quan trọng để người Gia Rai có cách giữ lại hồn cốt dân tộc mình. 

Có lẽ vì vậy, nên bà Y Hning vẫn mải mê với thổ cẩm. Thấu hiểu tấm lòng của người mẹ, con dâu bà là chị Y Tươi thường xuyên đi chợ mua chỉ, mua len về cho bà dệt. Đồng thời, Y Tươi cũng là người biết dệt và dệt được những tấm thổ cẩm như bà. 

Trong làng Ba Rgốc, chị Y Huýt (sinh 1962) cũng là người thấu hiểu nỗi lòng của bà Y Hning và chị cũng là người còn nặng nợ với thổ cẩm. Tuy không thường xuyên dệt thổ cẩm như bà Y Hning, nhưng Y Huýt vẫn còn giữ được nghề dệt thổ cẩm.

Chị Y Huýt nhớ chính xác dân làng Ba Rgốc nghỉ việc trồng bông vào giữa thập niên chín mươi của thế kỷ trước. Vào thời điểm đó, quần áo mua từ ngoài thị trường rẻ, người dân trong làng không ai còn trồng bông dệt thổ cẩm.

Một số mẹ, chị em sợ nghề này thất truyền mới mua chỉ, len về để dệt. Các mẹ, các chị có tâm coi đây như là cách để giữ nghề, nối lưu hồn dân tộc. Sản phẩm thổ cẩm bằng sợi chỉ, sợi len do một số mẹ, chị dệt hiện nay không vì mục đích bán buôn mà là cho các thành viên trong gia đình sử dụng trong các dịp lễ hội.

Khi nghe tôi đặt vấn đề, hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 - 2025” đang hướng đến việc phát triển nghề dệt thổ cẩm, đan lát... của người Gia Rai ở làng Ba Rgốc gắn với phát triển du lịch, mắt chị Y Huýt sáng lên.

Tuy nhiên, để nghề dệt thổ cẩm, đan lát gắn với du lịch phát triển, các mẹ, các chị dệt phải có thêm nhiều sản phẩm mới như túi xách tay, ví cầm tay; các ông, các chú đan những chiếc giỏ nhỏ, xinh xắn, có hoa văn đẹp đựng son phấn... để quý bà, quý cô khi tham quan làng Ba Rgốc có thể mua về làm kỷ niệm. 

Rất mừng là trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng làng Ba Rgốc, ngành Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh và chính quyền địa phương, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện quan tâm và đang chỉ đạo UBND xã Sa Sơn phối hợp với các phòng, ban có liên quan ở huyện xây dựng kế hoạch mời các nghệ nhân về mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát... để khôi phục nghề và đa dạng hóa sản phẩm phục vụ khách du lịch khi phát triển du lịch ở địa phương./.

Nguồn: Báo Kon Tum

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT