Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm ở Lâm Đồng

Cập nhật: 09/04/2020 13:41:36
Số lần đọc: 1272
Nằm trong số rất ít phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng làm nghề dệt thổ cẩm được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân là bà Bon Niêng K’Glòng. Điều đặc biệt ở bà là còn giữ được phương pháp nhuộm màu bằng kho tàng tri thức dân gian đặc sắc của cư dân bản địa Tây Nguyên, và cả 8 người con gái cùng nối nghề.  


Nghệ nhân Ưu tú K’Glòng cùng con gái dệt thổ cẩm tại nhà.

Văn hóa vật thể và tâm linh 

Tôi vào xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương không nhớ bao nhiêu lần, nhưng hầu như đã vào là tranh thủ đến thôn Đưng K’Nớ 1 để thăm thú nghề dệt thổ cẩm truyền thống đặc sắc của bà Bon Niêng K’Glòng. Giờ thì đường bê tông “nông thôn mới” chạy qua cửa nhà bà, không còn đất trơn nhão nhoẹt như gần 20 năm trước tôi đến. Ngôi nhà gỗ của bà cũng khang trang, kế bên là nhà xây của các con gái. Góc nhà treo nhiều cuộn sợi đã nhuộm màu. Rồi chiếc quay sợi thủ công, lũ trẻ đang chơi đùa... Giữa sàn, bà K’Glòng (75 tuổi) và cô con gái út Bon Niêng K’Gút (35 tuổi), mỗi người một khung dệt xoãi chân, thoăn thoắt đôi tay. Họ và nhiều người khác nữa đã cho tôi có được hình dung đầy đặn về những tiềm tàng văn hóa thổ cẩm đặc sắc. 

Tôi cho rằng, thổ cẩm bao hàm cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Ngày xưa, bà con dùng cây bông gòn xe sợi, nhưng nay hầu hết đều mua sợi màu công nghiệp. Chỉ có vài ba người như bà K’Glòng mua sợi trắng về tự nhuộm màu. 

Nhuộm đúng màu rất khó, dù chuẩn bị hai ba tháng trời. Không phải mẻ nhuộm nào cũng thành công như ý muốn. Quy trình làm màu chẳng hề đơn giản. Đầu tiên là nước để ngâm sợi. Lá cây “t’rưm” ngâm ủ 5 ngày, vớt ra nắm lại thành từng cục, vắt nước vào quả bầu, lọc bằng quả bầu và rót vào chiếc chóe. Tiếp tục bỏ vào nước t’rưm trộn và khuấy đều các loại bột đã phơi khô: củ cây chuối rừng, vôi sò, hạt bầu, bí, bắp, ớt và muối. Hỗn hợp ngâm sợi có tác dụng vừa phá bọt, vừa là “thức ăn” dâng hiến thần Màu. Khoảng 1 giờ, nước lắng, dùng phần sánh để ngâm sợi. Sợi ngâm phải từ 4 đến 5 lần trong một tuần, mỗi lần màu đã “ăn” đem phơi khô và tiếp tục ngâm lại. 

Bảng màu phong phú nhờ từ các bộ phận của rất nhiều loại cây rừng: lá, thân, vỏ, rễ, quả, hạt và nhựa. Lá vông (t’rơ tạp) trộn với củ nghệ (rơ mết) ra màu xanh lá cây; “T’ri nho” cho màu đỏ cam; chàm muồng (Indigofera cassioides) cho màu chàm; “Giang núi” (Ternstroemia japonica) cho màu cam; “Xoài rừng” (Mangifera longipes) cho màu xanh; “Hoàng liên ôrô”’ (Mahonia nepalensis) cho màu vàng; Lá trâm (t’rưm) trộn gốc cây chuối rừng (bủ zú bri) ra màu đen. Đó còn là chàm bụi, chàm đen, lòng mức ngờ (màu chàm); chuối rừng, dẻ trắng, lim sét, me rừng, trâm rộng, vối, thanh mai, thị Hayata (màu đen); mò trắng, chít, dong, trầu, xoài (màu xanh); dù dẻ, hợp hoan, mâm xôi, cẩm, nhàu, vấn vương (màu đỏ); cơm cháy, hương bài, mua (màu tím); dành dành, củ nghệ, vàng đắng, hoàng đằng, núc nác (màu vàng) và quế, ngược mùa, vừng (màu nâu)...

Tấm vải thổ cẩm không chỉ dệt bằng sợi mà còn “dệt” từ những đức tin tín ngưỡng. Là câu chuyện hư thực lung linh mà những người cao niên như các bà K’Glòng, Rơông Ka Jồng, Rơông Ka Măng... kể cho tôi nghe. Khi đi lấy cây, không cho người khác thấy, qua suối không nhổ nước bọt, gặp con trăn con rắn phải quay về. Trong quá trình thực hiện, không được ăn thịt mỡ, cơ thể phải sạch sẽ...

Bài toán khó về bảo tồn di sản

Nghệ nhân K’Glòng ngừng vắt nắm lá, ngước nhìn tôi nói: “Màu vàng này mình làm từ củ “rơmêt” (nghệ), còn cái màu xanh là từ lá cây “t’rơtap” (vông) đầu kia kìa. Nhưng làm lâu lắm. Mấy đứa trẻ nó chỉ dệt, nhuộm nó sợ dơ tay nên chỉ có bà già làm thôi. Giờ thì con K’Gút cũng làm rồi”. Nhưng bà không giấu niềm tự hào với tôi, là người duy nhất ở Đưng K’Nớ được vinh danh Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2019 và cả 8 người con gái đều chăm chỉ nối nghề của bà. Cô gái út K’Gút ngồi bên cạnh bà là một trong những người đó. Hai mẹ con làm 2 tấm trải. Mẹ dệt tấm thuần màu xanh lá, dài 2,4 m, rộng 0,55 m; sau 3 ngày sẽ xong, giá bán 600 ngàn đồng. Con dệt tấm 2 màu, dài 1,6 m, rộng 0,55 m, hoa văn cán xà gạc rất cầu kỳ; 4 ngày sẽ xong, giá bán 800 ngàn đồng. Những hoa văn K’Gút dệt vừa truyền thống vừa do cô sáng tạo. Ngoài cán xà gạc, đó còn là mắt con chim, cổ con bồ câu, bụng con thằn lằn... Lưng và đôi chân dùng để kéo căng khung dệt, rất mỏi, nhưng đôi tay thoăn thoắt thao tác nhiều việc: đếm sợi, đặt 6 chiếc sào nhỏ (lồ) tách sợi, kéo bảng gỗ to (bơnơs) để dệt, rồi căn kích thước... K’Gút trả lời với tôi rất kiệm lời: “Thích thì làm thôi. Không làm thường xuyên, chủ yếu làm vườn. Bán riêng có, bán chung cũng có. Mang đi cũng có, bán tại nhà cũng có”. Người mua trong xã và nhiều nơi khác trong huyện và cả ở huyện Đầm Ròn, Đơn Dương… 

Trang phục thổ cẩm là nét đẹp của văn hóa vật thể ở mỗi vùng, mỗi dân tộc. Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thổ cẩm không chỉ có mặt trong đời sống hàng ngày, trong sản xuất, làm vật mua bán trao đổi của phương thức sản xuất tự cung, tự cấp, mà còn luôn có mặt trong các lễ cưới hỏi, lễ hội. Không chỉ làm đẹp, thổ cẩm còn chứng tỏ bàn tay tài hoa, chăm chỉ của những người phụ nữ. Thổ cẩm các dân tộc ở phía Bắc rực rỡ sắc màu, tạo sự ấm áp trong cái lạnh khắc nghiệt của vùng núi cao. Còn thổ cẩm Tây Nguyên lấy màu nền là đen, chàm, trắng làm chủ đạo, nhưng dựng mảng hoa văn nhàn nhạt hơn, phải chăng để thích nghi với ánh nắng gay gắt miền cao nguyên Trường Sơn. Nhưng, thực chất thổ cẩm truyền thống Tây Nguyên đang mất dần chỗ đứng trong chính cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Không chỉ ít xuất hiện trong trang phục các ngày lễ lạt, mà tấm thổ cẩm đã mai một đi nhiều hồn cốt văn hóa thuần không gian của mẹ Rừng cha Núi. Sợi, màu chủ yếu là sản phẩm của công nghiệp. Hiếm hoi lắm mới có trường hợp tạo ra thế giới sắc màu truyền thống như nghệ nhân K’Glòng. 

Nhìn ra nguyên nhân thì dễ, nhưng quan trọng là giải pháp nào. Khi một tấm vải được dệt bằng khung thủ công tự tạo khổ nhỏ (0,55 cm - 0,80 cm) thì việc may thành váy, áo công phu và mất rất nhiều thời gian. Trong lúc vải công nghiệp có khổ rộng, giá rất rẻ, mỏng và mát, phù hợp với khí hậu ngày một nóng hơn. Giá mỗi tấm thổ cẩm rất cao, bà con các dân tộc thiểu số cố gắng cũng chỉ mua trong giới hạn tài chính ít ỏi. Nếu là thổ cẩm được dệt bằng màu truyền thống như gia đình mẹ con bà K’Glòng thì giá càng cao, có tấm hơn một triệu đồng. Đầu ra thổ cẩm màu truyền thống rất không dễ dàng. Đây cũng là trăn trở của ông Nguyễn Quốc Kỳ khi còn làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương trả lời với tôi. 

Mặc dù, nơi này nơi kia Nhà nước có hỗ trợ những chương trình bảo tồn, nhưng vẫn chỉ là sự tiếp sức mang tính khích lệ. Chỉ khi những chiến lược dài hơn và đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất, thì câu chuyện bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm mới có thể nói được hai chữ “thành công”! 

 

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT