Hành trang lữ khách

Du lịch... trong nhà

Cập nhật: 11/01/2021 07:57:47
Số lần đọc: 589
Thời tiết ở Huế vẫn đang trong những ngày mưa lạnh kéo dài, khai thác thêm những sản phẩm, trải nghiệm trong nhà sẽ giúp Huế làm hài lòng khách khi không thể sử dụng những sản phẩm ngoài trời.

Tham quan, trải nghiệm tại Vườn Trúc chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng

Trải nghiệm mới

Qua các chuyến khảo sát các sản phẩm, điểm đến, nhất là khu vực TP. Huế, có thể thấy một tiềm năng khá lớn đối với các dịch vụ trong nhà. Nếu khai thác tốt, nhiều cơ hội để trở thành sản phẩm, tour tuyến mới trong giai đoạn mà thời tiết mùa đông ở Huế không thuận lợi và kích cầu khách nội địa như hiện nay.

Những điểm đến như Không gian văn hóa Lục Bộ; Vườn Trúc chỉ; nhà vườn Lương Quán - Nguyệt Biều; nhà vườn An Hiên; du thuyền trên sông Hương – HRS là cụm điểm đến có thể kết nối tạo thành chuỗi dịch vụ, bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, các sản phẩm, điểm đến trên dù được đánh giá có khả năng thu hút khách, thực tế lượng khách vẫn hạn chế, khó có thể duy trì hoạt động lâu dài.

Không gian văn hóa Lục Bộ (đường Nguyễn Chí Diểu) có nhiều dịch vụ được khai thác trong nhà nhất, như trải nghiệm các làng nghề, thưởng trà, mua sắm đặc sản, quà lưu niệm… trong một không gian có kiến trúc đặc trưng của Huế. Nhưng không gian này bố trí thiếu bài bản, không tạo được hứng thú cho khách. Một điểm đến khác chỉ cách Đại Nội khoảng vài trăm mét, đó là Vườn Trúc chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng (đường Thạch Hãn). Địa điểm này được đánh giá có trải nghiệm tốt về cách làm giấy trúc chỉ. Song hạn chế ở đây là người sáng lập không đặt nặng vấn đề kinh doanh, nếu khách đi theo tour lớn sẽ không có đủ không gian để trải nghiệm…

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel – Chi nhánh Huế đánh giá, những không gian rất đẹp, rất Huế và đa số nằm ngay trung tâm thành phố, gần bên Đại Nội, sau khi du khách tham quan di sản có thể kết hợp với trải nghiệm các dịch vụ. Đây quả là chuỗi các điểm đến bổ sung rất đắc lực cho sản phẩm khám phá di sản. Nhưng hạn chế có thể thấy rõ là cách thức hoạt động thiếu bài bản, thiếu tính trải nghiệm. Các điểm đến duy trì hoạt động bằng cách bán quà lưu niệm, nhưng do chưa giúp du khách biết những giá trị văn hóa, truyền thống nên khách kén chọn, dẫn đến không ổn định về thu nhập.

Thưởng trà tại các trà thất là dịch vụ trong nhà thu hút khách

Một điều khá bất ngờ từ những chuyến khảo sát, là nhiều doanh nghiệp lữ hành chưa biết đến các điểm đến mới ngay trong lòng thành phố và cho biết đây là lần đầu đến trải nghiệm. Sở Du lịch phân tích, những điểm đến mới còn “khoảng cách” lớn với các đơn vị kết nối, đưa khách đến. Có thể thấy, chủ cơ sở mở ra là vì đam mê nghệ thuật hơn là kinh doanh du lịch. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng chưa có sự tìm tòi, tìm kiếm những điểm đến mới để xây dựng tour tuyến, tăng tính đa dạng cho du lịch Huế.

Tour Tết

Mùa đông ở Huế, thời tiết lạnh kèm mưa kéo dài, lâu nay vẫn luôn được cho là gây ra khó khăn rất lớn cho ngành du lịch Cố đô. Minh chứng mới đây, tại Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 được tổ chức tại địa điểm đẹp, hợp lý để thu hút khách, nhưng mưa lạnh kéo dài, nhiệt độ những ngày tổ chức xuống thấp nên lượng khách đến với lễ hội còn hạn chế.

Dù thế, du lịch vẫn sẽ tiếp tục vận động, nhu cầu đi du lịch vẫn có. Vì vậy, ngành du lịch Huế bắt buộc có những giải pháp mới, đặc biệt là giai đoạn kích cầu khách nội địa càng quan trọng hơn.

Đại diện Hội Lữ hành đánh giá, mùa đông, phải khai thác tốt hơn các sản phẩm, dịch vụ trong nhà, có những trải nghiệm mới mẻ và rất Huế. Tại Vườn Trúc chỉ, nhà vườn Thủy Biều đều có những trải nghiệm thú vị. Quan trọng là lựa chọn được một số điểm, hoàn thiện một sản phẩm khép kín. Những đơn vị cung ứng cam kết về cung ứng sản phẩm, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Ngược lại, phía lữ hành cũng có cam kết về lượng khách, đảm bảo các tour đến sử dụng dịch vụ.

Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh thông tin, các doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng một số chương trình mới, với hai hình thức: city tour 1 ngày và tour 2 ngày 1 đêm. Tour bao gồm trải nghiệm làng nghề, làm giấy trúc chỉ, tham quan nhà vườn, thưởng thức ẩm thực và ngủ homestay mang đậm nét truyền thống. Sản phẩm này hướng đến dòng khách thích khám phá văn hóa. Ngoài khai thác khách ngoại tỉnh, những sản phẩm này cũng có thể thu hút khách trong tỉnh, dòng khách học sinh, sinh viên.

Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch thông tin, ngành đang định hướng sản phẩm, dịch vụ trong nhà đến các doanh nghiệp kết nối để khai thác tour Tết Âm lịch Tân Sửu sắp đến. Trong các tour, sẽ đẩy mạnh tour trải nghiệm văn hóa làng nghề như làm hoa giấy, làm tranh, làm mứt gừng, làm bánh… Các điểm đến như Phú Mậu, Thủy Biều, Kim Long… gần với TP. Huế được xác định giúp du khách có các chuyến khám phá, trải nghiệm phù hợp.

Khả năng quảng bá của các điểm đến đang còn rất hạn chế. Nhiều điểm đến rất đẹp, được đánh giá cao khi đã triển khai được các trải nghiệm để thu hút khách. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần có sự chủ động hơn trong hỗ trợ quảng bá cho các điểm đến mới.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục