Du lịch sinh thái từ bản sắc làng quê Ninh Bình
Ngồi dưới mái nhà gỗ cổ kính của Ngôi nhà di sản Quần Anh, chị Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Ecohost nhớ lại hành trình bắt đầu từ năm 2018, khi quyết định xây dựng mô hình Ecohost. Từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành du lịch và thường xuyên tiếp xúc với khách quốc tế, chị dần nhận ra những hạn chế cố hữu của dịch vụ lưu trú tại vùng quê, nơi giàu văn hóa nhưng thiếu sự chuyên nghiệp trong cách làm du lịch. Ecohost được hình thành, với kỳ vọng tạo ra một mô hình homestay chất lượng cao, giúp cộng đồng địa phương vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.
Tuy nhiên, con đường để biến giấc mơ ấy thành hiện thực không dễ dàng. “Người dân băn khoăn liệu có khách không, chính quyền chưa tin Hải Hậu có thể làm du lịch. Chúng tôi đã về tận nơi, cùng người dân dọn sạch môi trường, trồng hoa, cây cảnh, xây dựng mô hình mẫu, đưa những đoàn khách đầu tiên về và từng bước thuyết phục cộng đồng bằng hiệu quả thực tế. Phải để họ thấy tận mắt, cầm tiền tận tay thì mới tin. Mưa dầm thấm lâu, giờ thì nhiều người đã chủ động tham gia, thậm chí còn sáng tạo thêm các dịch vụ đi kèm”, chị Nhàn chia sẻ.
Du khách tham quan và trải nghiệm tại làng họa sĩ Hải Minh.
Ecohost không chỉ đơn thuần là nơi lưu trú. Với tầm nhìn của những người làm du lịch có chiều sâu, họ hiểu rằng sản phẩm du lịch chỉ thực sự hấp dẫn khi gắn với văn hóa bản địa. Từ đó, mô hình này đã kết nối với nhiều làng nghề và điểm đến đặc sắc ở Hải Anh để xây dựng những hành trình khám phá đời sống nông thôn. Trung tâm của hệ sinh thái Ecohost là Ngôi nhà di sản Quần Anh-công trình hơn 100 năm tuổi mang kiến trúc Tây Âu pha nét truyền thống Bắc Bộ. Đây là không gian sinh hoạt văn hóa sống động, nơi tổ chức các buổi trình diễn, kể chuyện về lịch sử khai hoang, văn hóa lúa nước và là điểm xuất phát cho các chuyến tham quan di sản.
Từ đây, du khách có thể trải nghiệm một loạt hoạt động gắn với văn hóa địa phương như: Đạp xe thưởng ngoạn quang cảnh làng quê, trải nghiệm không gian sống và tinh thần lao động cần mẫn của người dân địa phương; tham quan Di tích lịch sử văn hóa quốc gia cầu Ngói-chùa Lương; tìm hiểu nghệ thuật chế tác kèn đồng ở làng Phạm Pháo; đến làng họa sĩ Hải Minh để nghe kể chuyện và trải nghiệm vẽ tranh; trải nghiệm nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống Cổ Chất... Mỗi điểm đến đều có câu chuyện, mang lại cảm xúc chân thật và tránh sự nhàm chán, đại trà trong cách làm du lịch truyền thống.
Để làm được điều này, chị Nhàn cho biết, cần có sự đồng lòng của 3 bên: Người dân là trụ cột, chính quyền tạo hành lang pháp lý và doanh nghiệp là đơn vị kết nối, xúc tiến. Chính mô hình liên kết 3 bên ấy đã giúp Ecohost hoạt động hiệu quả và bền vững. Khách đến vui vẻ, giới thiệu thêm bạn bè quay lại, đó là sự bền vững chân chính. Không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân, mô hình còn dần thay đổi nhận thức của cả cộng đồng. Người dân bắt đầu tự hào về văn hóa địa phương, chăm chút hơn cho ngõ xóm, đường làng. Chính quyền cũng bắt đầu đồng hành và có tầm nhìn rõ ràng hơn.
Ecohost hiện đã được nhân rộng ra nhiều địa phương khác, với đội ngũ từng là cộng sự nay đã tự đứng ra vận hành những điểm đến mới. Họ không chỉ tiếp nối mô hình mà còn truyền cảm hứng cho các cộng đồng khác cùng tham gia giữ gìn hồn quê. Với du khách, Hải Anh giờ đây không chỉ là một điểm dừng chân, mà là nơi để sống chậm, sống xanh và sống cùng những câu chuyện văn hóa được kể bằng tất cả sự chân thành từ người dân địa phương.
Bài và ảnh: Phạm Thứ