Hoạt động của ngành

Du lịch miền núi Thanh Hóa nỗ lực vượt khó sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19

Cập nhật: 25/09/2020 10:09:11
Số lần đọc: 915
Tăng cường công tác quảng bá, từng bước khởi động quá trình kích cầu mới chính là giải pháp mà các huyện miền núi Thanh Hóa đang tích cực triển khai nhằm đưa ngành du lịch vượt khó, trở lại quỹ đạo phát triển sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.


Du khách mua đồ lưu niệm, đặc sản địa phương tại điểm du lịch cộng đồng bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước).

Có thể khẳng định, cùng với ngành du lịch cả nước, du lịch miền núi xứ Thanh từ đầu năm 2020 đến nay đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Minh chứng cụ thể nhất là tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc các huyện Bá Thước, Quan Hóa. Đây là những điểm du lịch thu hút đông khách du lịch quốc tế bậc nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong 8 tháng năm 2020, lượng du khách quốc tế đến với các điểm du lịch của Pù Luông như Pù Luông Retreat, Pù Luông Eco Garden, bản Đôn (xã Thành Lâm), bản Hang (xã Phú Lệ, Quan Hóa) đã giảm trên 85% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch nội địa đến với Pù Luông cũng giảm trên 30%. Nhiều sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao cũng đã bị hoãn hoặc hủy bỏ để tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng đã làm giảm lượng du khách đến với Pù Luông. Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện Bá Thước và Quan Hóa, đã có trên 50% các tour du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông bị hủy trong 8 tháng qua. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh còn phải tạm dừng các tour kết nối đến các điểm du lịch khám phá, cộng đồng tại Pù Luông. Theo các hộ dân làm du lịch cộng đồng (homestay) tại bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, lượng du khách đến với bản Đôn năm 2020 này chủ yếu là khách nội địa. Mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 8) được xem là cao điểm trong năm của du lịch Pù Luông, tuy vậy, đây lại là thời điểm tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên đã khiến doanh thu của các hộ làm du lịch cộng đồng tại bản Đôn cũng như các điểm du lịch khác tại Pù Luông sụt giảm mạnh.

Các điểm du lịch khác ở khu vực miền núi Thanh Hóa như bản Năng Cát (Lang Chánh), các huyện Như Xuân, Thạch Thành, Thường Xuân, Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)... cũng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Lượng khách giảm mạnh kéo theo doanh thu từ du lịch của các địa phương cũng giảm đáng kể so với mọi năm.

Với tiêu chí xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, phòng chống dịch hiệu quả, ngành du lịch Thanh Hóa đã có những giải pháp nhằm kích cầu du lịch trong tỉnh, nhất là du lịch khu vực miền núi vượt khó, tiếp tục phát triển trong tình hình mới. Trong đó, đã xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh; xây dựng Dự án làng văn hóa du lịch cộng đồng tại bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước; Dự án làng văn hóa du lịch cộng đồng tại bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư phục vụ phát triển du lịch cộng đồng của các đề án đã được duyệt tại các địa phương với tổng vốn đầu tư 26,452 tỷ đồng, tập trung chủ yếu đầu tư hạ tầng các điểm đến, như: Đầu tư biển chỉ dẫn, đường giao thông đến điểm du lịch, bãi đỗ xe, điểm đón tiếp, bến thuyền du lịch, hệ thống thoát nước thải (tại xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; các huyện: Bá Thước, Thạch Thành, Như Xuân, Thường Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn). Các dự án đầu tư từng bước hoàn thiện và mở rộng các điểm đến du lịch sinh thái, cộng đồng mới thu hút khách du lịch.

Về phần các địa phương, trên cơ sở tình hình thực tế trên địa bàn, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm khôi phục và kích cầu du lịch trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2020, trong đó tiếp tục tạo điều kiện để các loại hình du lịch khám phá, cộng đồng, du lịch văn hóa, tâm linh phát triển; xây dựng các tour du lịch, sản phẩm du lịch phù hợp nhất trong tình hình mới hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành khai thác hiệu quả các tour du lịch kết nối đến các điểm du lịch cộng đồng, khám phá tại khu vực miền núi, có những giải pháp kịp thời chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, hộ làm du lịch; xây dựng lộ trình mới phát triển du lịch miền núi Thanh Hóa năm 2021 và những năm tiếp theo phù hợp và phát huy hiệu quả cao nhất.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục