Hoạt động của ngành

Đồng Tháp: Du lịch sinh thái, trải nghiệm - Dấu ấn đất sen hồng

Cập nhật: 21/03/2024 15:07:55
Số lần đọc: 681
Tỉnh Đồng Tháp đang định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tập trung phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn, nông nghiệp nông thôn, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe phù hợp với đặc trưng sông nước của địa phương.

Đa dạng hoá các mô hình du lịch sinh thái, ẩm thực

Trong những năm trở lại đây, mô hình du lịch sinh thái tại Đồng Tháp đang từng bước hình thành và phát triển, bước đầu đã góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế - xã hội, khám phá vẻ đẹp của quê hương - con người - văn hóa “đất sen hồng”.

Tỉnh Đồng Tháp đang hướng tới xây dựng phát triển du lịch sinh thái. (Ảnh Hiền Hòa)

Năm 2016, mô hình du lịch sinh thái bắt đầu phát triển, ban đầu chỉ 5 hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tiên phong khai thác loại hình du lịch trải nghiệm chèo xuồng ngắm cánh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Sau đó, nhiều hộ dân trồng cam, quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa đón khách du lịch đến tham quan vườn cây.

Đến nay, nhiều địa phương “đất sen hồng” xây dựng và phát triển được mô hình sinh thái, điển hình như: Làng du lịch Tân Thuận Đông với các dịch vụ gồm du lịch sinh thái - ẩm thực; du lịch trải nghiệm - giáo dục và du lịch sinh thái, trải nghiệm - nghỉ dưỡng…

Ngoài ra, các khu du lịch sinh thái khác cũng phát triển như: Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam, Tràm Chim, Xẻo Quýt , sinh thái Gáo Giồng, Làng hoa Sa Đéc... Đến nay, Đồng Tháp đã phát triển được hàng chục điểm tham quan du lịch sinh thái, được du khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Làng hoa Sa Đéc là một trong những địa điểm thu hút đông khách đến tham quan trong chuyến hành trình khám phá Đồng Tháp. (Ảnh Hữu Tuấn)

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành tại tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng - Nhà cổ) kết hợp Lễ hội, du lịch ẩm thực Sen - sự kiện/MICE kết hợp mua sắm, du lịch chính quyền, du lịch số, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Trong tháng 2/2024, các khu du lịch Đồng Tháp thu hút khoảng 450.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tổng thu ước đạt 180 tỷ đồng.

Xây dựng tour tuyến hợp lý, đặc sắc để thu hút khách du lịch

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, Sở đang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tiếp tục tăng cường thúc đẩy, kết nối tour tuyến du lịch, đặc biệt là xúc tiến, quảng bá và giới thiệu đến các doanh nghiệp lữ hành các chương trình tour.

Đồng Tháp xây dựng tour, tuyến quảng bá hình ảnh du lịch địa phương. (Ảnh Hiền Hòa)

Điển hình như: Theo dấu Người tình, Sa Đéc Tình đất - Tình hoa, Vương quốc hoa Sa Đéc - Hành trình di sản xanh, Sa Đéc - Không gian Văn hóa Phật giáo giữa lòng đô thị cổ, Bình minh Tràm Chim và Hoàng hôn Tràm Chim, Trải nghiệm tham quan cánh đồng hoa hoàng đầu ấn (Vườn Quốc gia Tràm Chim), các tour tham quan, trải nghiệm Vườn Quít hồng (Lai Vung).

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các huyện, thành hoàn chỉnh một số mô hình, điểm du lịch mới như: điểm du lịch Tiên Sen (huyện Thanh Bình), điểm du lịch sinh thái Hoàng Sơn (huyện Châu Thành); mô hình chợ quê Tràm Chim (huyện Tam Nông), chợ phiên làng nghề dệt choàng (huyện Hồng Ngự)…

Bên cạnh đó, Đồng Tháp đang phát triển và xây dựng tour liên kết mới: tại huyện Cao Lãnh xây dựng tour liên kết giữa các điểm du lịch trên địa bàn huyện như Làng bè Bình Thạnh - Điểm tham quan Thiên Phú - Chùa Tổ - Làng du lịch Mỹ Xương; tại huyện Lai Vung: chọn điểm tham quan vườn dừa mở tour du lịch trên sông gắn kết với các làng gắn kết với 2 làng nghề vừa được công nhận (nghề làm nem và nghề đóng ghe, xuồng), phát huy môn thể thao truyền thống của huyện là giải đua xuồng truyền thống thành một sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch. Hỗ trợ thành lập và phát triển câu lạc bộ “Những người làm du lịch” tại huyện Cao Lãnh, đây sẽ là nơi để người dân, cộng đồng làm du lịch tại địa phương, các cơ sở, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện, thành trao đổi, hỗ trợ cùng nhau xây dựng và phát triển hình ảnh du lịch địa phương.

Hữu Tuấn

Nguồn: Báo Kinh tế đô thị - kinhtedothi.vn - Đăng ngày 20/03/2024

Cùng chuyên mục